Thương gia kim cương Savji Dholakiya là một trong những người có sức ảnh hưởng trong ngành đá quý thế giới. Ông là người đứng sau Công ty kinh doanh và xuất khẩu kim cương lớn nhất Ấn Độ Hare Krishna Diamond với hơn 6.500 nhân viên.
Gia đình có thừa điều kiện
Xuất thân trong một gia đình nghèo, Savji đã phải nghỉ học năm 13 tuổi và đến phụ giúp công việc kinh doanh kim cương của chú mình. Sau đó, ông bắt đầu kinh doanh riêng với một khoản vay nhỏ. Sau 10 năm vật lộn với công việc đánh bóng kim cương, ông đã thành lập Hari Krishna Exports vào năm 1991.
Ngày nay, Hari Krishna Exports có hơn 6.500 nhân viên tham gia xuất khẩu đồ trang sức kim cương sang hơn 70 quốc gia bao gồm Mỹ, Bỉ, UAE và Trung Quốc. Vào năm 2017, giá trị ròng của ông được ước tính vào khoảng 38 triệu USD.
Lần đầu tiên vào năm 2011, Dholakiya đã gây chú ý trên các mặt báo vì những món quà và tiền thưởng hào phóng cho nhân viên của mình. Năm 2015, Hari Krishna Exports của Dholakiya đã tặng 491 chiếc ô tô và 200 căn hộ cho nhân viên của mình.
Giống như những năm trước, năm 2021 ông Dholakiya, chủ tịch của Shri Hari Krishna Exports, đã tuyên bố tặng 600 chiếc ô tô cho nhân viên của mình.
Thương gia kim cương Ấn Độ cho biết sự tin tưởng của gia đình, phúc lợi của nhân viên và các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị là những ưu tiên của ông trong doanh nghiệp tỷ USD của mình. Gần 90% kim cương trên thế giới được cắt và đánh bóng ở Ấn Độ. Do đó, đây là cơ hội kinh doanh vô cùng hấp dẫn đối với các thương gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều tương tự như Savji Dholakiya.
Ông Savji tặng xe và nhà cho nhân viên gây chấn động. Ảnh: Medium
Người cha keo kiệt với con trai: Hành trang vào đời chỉ có 3 “không"
Là một ông chủ có thừa điều kiện và của cải, Savji Dholakia lại chọn giáo dục con theo cách vô cùng khắc nghiệt.
Ngay khi cậu con trai út Dravya Dholakia đang học MBA từ Mỹ trở về sau kỳ nghỉ, ông đã yêu cầu con phải tới một thành phố xa lạ. Mục đích của chuyến đi này không phải để nghỉ dưỡng hay thư giãn mà là tìm việc, kiếm tiền và tồn tại trong 1 tháng.
Hành trang cho cậu “quý tử" không có gì ngoài 3 bộ quần áo và 7.000 rupee (khoảng 2 triệu đồng) và được dặn chỉ tiêu số tiền này trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, ông Dholakiya còn dặn con 3 "không":
- Không được làm một công việc quá một tuần.
- Không được tiết lộ con là con trai của tỷ phú.
- Không sử dụng điện thoại di động hay cầu cứu bất cứ ai.
Với cách này, tỷ phú kim cương muốn con mình hiểu được ý nghĩa của đồng tiền trong cuộc sống và cách mọi người đấu tranh để có được một công việc và kiếm sống từ nó. Theo ông, không một ngôi trường đại học danh giá, top đầu nào có thể dạy được những kỹ năng sống này ngoài bài học từ cuộc sống thực tế.
Bất ngờ thay, cậu ấm này cũng đồng ý thử thách của cha mình và gói quần áo tới thành phố mới. Đây là mảnh đất hoàn toàn xa lạ và không rành tiếng bản địa. Chàng trai trẻ đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đương đầu với những thử thách trước mắt nhưng sự thực diễn ra còn khủng khiếp hơn nhiều so với những gì anh tưởng tượng.
“5 ngày đầu tiên tôi không kiếm được việc làm hoặc một chỗ ở thích hợp. Tôi thất vọng vì bị tới 60 nơi từ chối. Không ai biết tôi là ai. Đó là quãng thời gian tôi hiểu thế nào là thất bại và giá trị để có một công việc và nguồn thu nhập cho bản thân”, Dravya chia sẻ.
Cuối cùng cậu ấm cũng xin được 1 công việc ở tiệm làm bánh. Cậu phải nói dối ông chủ là học sinh lớp 12 ở một gia đình nông dân nghèo. Anh còn nhận thêm việc trực điện thoại ở 1 tổng đài, một công việc ở tiệm giày và chạy bàn cho quán đồ ăn nhanh. Trong 1 tháng, Dravya Dholakia chỉ kiếm được 60 USD.
Con trai tỷ phú vẫn phải đi làm thuê. Ảnh: Times of India
Anh tiết lộ, từ nhỏ tới lớn, mình chưa từng phải lo lắng về tiền bạc nhưng ở đây buộc phải xoay sở bằng mọi cách chỉ để có tiền ăn. Thậm chí mỗi bữa, Dholakiya chỉ dám chi nửa USD để tiết kiệm tiền. Chưa kể, anh cần phải kiếm thêm 4 USD mỗi ngày để trả tiền nhà trọ.
Khi thử thách kết thúc, Dravya đã quay trở lại tất cả những nơi mà cậu từng làm việc và tặng quà cho đồng nghiệp cũ của mình. Dù là bạn cùng phòng, bảo vệ, hay nhân viên photocopy, bất cứ ai đã từng giúp cậu trong một tháng đó đều được đền đáp.
Triết lý đằng sau cách dạy con lạ đời
Hơn ai hết, Dholakia là người thấu hiểu cuộc sống khó khăn khi là con trai của một nông dân học nghề buôn kim cương khi còn nhỏ. Một khoản vay nhỏ từ người chú đã tạo điều kiện cho ông có cơ hội trở mình.
Theo quan điểm dạy con của tỷ phú kim cương, hãy để con tự thích kinh doanh, giới thiệu chúng đến với công việc kinh doanh theo cách mà chúng yêu thích. Ông cũng nhấn mạnh việc đầu tư thời gian giáo dục ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết để dù sau này chúng có kinh doanh trong lĩnh vực khác thì giá trị cốt lõi vẫn không thay đổi.
Điều này sẽ giúp con cái của ông xây dựng sự nghiệp dựa trên niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm chứ không phải gánh nặng. Theo Dholakia, kinh doanh thực sự là một cách thiền định. Những người kinh doanh phải thực sự tận tâm và có đầu tư.
Trên thực tế, không chỉ riêng cậu ấm Dravya phải ra ngoài bươn chải, các con của ông đều phải đối mặt với những khó khăn, tự tìm việc và kiếm tiền trong một khoảng thời gian nhất định.
Việc được sinh ra trong một gia đình siêu giàu sẽ mang lại cho bạn rất nhiều đặc quyền. Con của các tỷ phú và đôi khi là cả thế hệ sau nữa, thường nhận được khoản thừa kế kếch xù từ cha mẹ họ.
Tuy nhiên, nhiều ông trùm kinh doanh như Bill Gates hay Ted Turner lại không có kế hoạch trao lại toàn bộ tài sản cho con. Thay vào đó, họ hướng tới quyên góp tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, đồng thời muốn dạy những đứa con của mình về giá trị của sự chăm chỉ.