Các tiểu thư lừa đảo và chiêu trò thao túng tâm lý 'con mồi'

VTC News |

Nhiều nạn nhân của các tiểu thư lừa đảo rất giàu có, sành sỏi và am hiểu, thế nhưng họ vẫn sập bẫy vì các chiêu trò thao túng tâm lý.

Vụ lừa đảo bạc tỷ của cô gái Tina Duong (tên thật là N.T.V.A., 27 tuổi, quê Bắc Giang) gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua.

Tạo dựng cuộc sống sang chảnh bằng cách thuê biệt thự, căn hộ hạng sang, xế hộp, mướn người đóng giả bố, khoảng 300 người tham dự tiệc đám cưới..., người này bị tố lừa hàng chục nạn nhân ở Ninh Bình, Bình Thuận, Bắc Ninh... với khoản tiền hàng tỷ đồng.

Các tiểu thư lừa đảo và chiêu trò thao túng tâm lý con mồi - Ảnh 1.

Số lượng nạn nhân và số tiền lừa đảo lớn khiến nhiều người hoang mang và đặt ra nghi vấn: Làm thế nào một cô gái có thể lừa trót lọt hết lần này đến lần khác? Một số người trong cuộc đã lên tiếng giải thích và đề cập đến "thao túng tâm lý" (gaslight), cách thức thủ phạm chi phối cảm xúc và gây ảnh hưởng lên hành vi của nạn nhân.

Thuật ngữ này và "con artist" thường xuyên được các nhà nghiên cứu, nhà tâm lý học sử dụng để giải thích cách thức phạm tội của những kẻ lừa đảo khét tiếng thế giới, điển hình nhất có thể kể đến "tiểu thư dựng chuyện" Anna Sorokin và "nữ tỷ phú lừa đảo" Elizabeth Holmes.

Các tiểu thư lừa đảo và chiêu trò thao túng tâm lý con mồi - Ảnh 2.

Anna Sorokin và Elizabeth Holmes là những kẻ lừa đảo khét tiếng dưới danh nghĩa "tiểu thư", "tỷ phú". (Ảnh: Credello)

Điểm chung của những kẻ lừa đảo

"Con artist" bắt nguồn từ "con man". Cụm từ này được sử dụng lần đầu tiên để mô tả William Thompson, kẻ chuyên lừa đảo giới giàu có ở New York, bị bắt giữ vào năm 1849.

"Con" là viết tắt của confidence (sự tự tin). Báo chí lúc bấy giờ cho rằng chính sự tự tin là "chìa khóa" để William có thể thuyết phục và lừa gạt trót lọt nhiều người.

Cụm từ này trở nên phổ biến hơn vào năm 1857, khi cuốn sách được cho là dựa trên hình tượng của William là The confidence man của tác giả Herman Melville được xuất bản.

Kể từ đó, "con artist" được sử dụng để chuyên chỉ những kẻ lợi dụng lòng tin của người khác, khiến nạn nhân tin vào những lời nói dối nhằm trục lợi.

Nhà tâm lý học, tác giả sách The Confidence Game Maria Konnikova giải thích rằng trạng thái mặc định của bộ não con người là tin tưởng.

"Các con artist tìm thấy mong muốn của nạn nhân cũng như cách những người này nhìn nhận thế giới. Sau đó con artist 'bán' cho nạn nhân phiên bản cuộc sống mà họ mong muốn. Nạn nhân có khuynh hướng tin vào điều đó vì nó rất có ý nghĩa với họ".

Các tiểu thư lừa đảo và chiêu trò thao túng tâm lý con mồi - Ảnh 3.

Elizabeth Holmes xây dựng hình ảnh phụ nữ hiểu biết, tham vọng, thành công để thực hiện vụ lừa đảo chấn động Thung lũng Silicon.

Anna Sorokin và Elizabeth Holmes đều là những kẻ lừa đảo rất thành thạo chiêu thức này.

Anna Sorokin, người bị bắt vào năm 2017, đã đóng giả "người thừa kế Đức" để bước chân vào giới thượng lưu New York và lừa đảo những người giàu có ở xứ cờ hoa.

Quá trình "vào vai" của Sorokin rất được đầu tư. Tại 11 Howard, khách sạn sang trọng nơi cô ở trong nhiều tháng (và rời đi mà không trả tiền), tất cả nhân viên tranh giành mang bưu kiện lên phòng cho Sorokin vì cô luôn để lại 100 USD tiền boa.

"Để mọi người cho bạn tiền, bạn phải trông như người có tiền" là "nghệ thuật" lừa đảo cổ điển được Sorokin tận dụng triệt để.

Còn trong trường hợp của Elizabeth Holmes, người đối mặt với bản án 20 năm tù vì 4 tội danh lừa đảo, việc xây dựng danh tiếng "nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ" trước khi bị bắt cũng dựa trên các chiêu trò lừa đảo tương tự Sorokin.

Holmes "bán" niềm tin rằng cô sẽ cách mạng hóa ngành y tế, thay đổi triệt để việc chăm sóc sức khỏe bằng hình ảnh thông minh, am hiểu, giàu có được ví như "phiên bản nữ của Steve Jobs".

"MiniLab là thứ quan trọng nhất mà nhân loại từng chế tạo. Nếu bạn không tin vào trường hợp này, bạn nên rời đi ngay bây giờ", Holmes nói với các nhân viên của mình tại bữa tiệc Giáng sinh năm 2011.

Câu nói tương tự điều mà Steve Jobs từng nói với các nhân viên Apple: "Nếu bạn muốn làm cho Apple vĩ đại trở lại, chúng ta hãy bắt đầu. Nếu không, hãy biến khỏi đây".

Thao túng tâm lý nạn nhân

Nạn nhân của Sorokin và Holmes không phải là những người ngây thơ. Họ đều giàu có, sành sỏi và am hiểu.

Sorokin trở thành đối tác của các công ty luật, ngân hàng lớn như Gibson Dunn & Crutcher, Fortress Investment Group và City National Bank.

Danh sách nạn nhân của Holmes bao gồm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và William Perry.... Ngay cả Channing Robertson, giáo sư kỹ thuật hóa học của Đại học Stanford, cũng sập bẫy.

Về cơ bản, Sorokin và Holmes đã nắm được tâm lý, vẽ ra viễn cảnh và cuối cùng thao túng các nạn nhân một cách hoàn hảo.

Các tiểu thư lừa đảo và chiêu trò thao túng tâm lý con mồi - Ảnh 4.

Sorokin, người tự nhận là nữ thừa kế người Đức, bị xét xử về tội ăn cắp và lừa đảo. (Ảnh: AP)

Những kẻ lừa đảo thường sử dụng các thủ pháp thao túng cảm xúc để che giấu ý định và hành động thực sự của mình, được gọi chung là thao túng tâm lý (gaslight).

Thuật ngữ gaslight bắt nguồn từ vở kịch cùng tên ra mắt năm 1938 của Patrick Hamilton, kể về một kẻ sát nhân cố gắng khiến vợ anh ta nghi ngờ sự tỉnh táo của chính mình.

Theo đó, người chồng đã sử dụng nhiều thủ đoạn để thuyết phục vợ mình rằng cô bị điên và không phân định được những điều kỳ lạ, bao gồm cả việc đèn gas trong nhà bị mờ. Người chồng thường bật chiếc đèn này lên mỗi khi làm chuyện xấu.

Gaslight là nỗ lực có hệ thống của một người nhằm làm xói mòn niềm tin của người khác. Đó là một hình thức lạm dụng tâm lý, trong đó thông tin sai lệch được trình bày theo cách khiến mục tiêu nghi ngờ trí nhớ và nhận thức của chính họ.

Kẻ thao túng tâm lý khơi dậy cảm giác lo lắng và bối rối tột độ ở mục tiêu, đến mức người đó không còn tin tưởng vào khả năng phán đoán của mình nữa.

Một người bị thao túng đủ lâu sẽ mất đi cảm giác về mọi thứ. Họ thấy mình đang nghi ngờ trí nhớ của bản thân, trở nên chán nản, thu mình và hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ thao túng.

Quá trình thao túng tâm lý không diễn ra trong ngày một ngày hai, mà được thực hiện rất chậm, theo từng bước cụ thể gồm: chối bỏ, phản kháng, đánh lạc hướng, tầm thường hóa, phủ nhận.

Theo nhà trị liệu tâm lý Alyssa Mancao, nguyên nhân chính khiến gaslight trở nên khó hiểu là nạn nhân hiếm khi tìm được "bằng chứng". Quá trình này chỉ tác động tâm lý, không đụng chạm về thể chất nên các dấu hiệu thường khó nhận biết.

Tuy vậy, vẫn có nhiều cách để phát hiện cũng như né tránh những người đang tìm cách thao túng tâm lý người khác:

- Những câu nói mang tính thao túng: Mancao chỉ ra rằng trong một mối quan hệ có sự thao túng tâm lý, bạn sẽ thường nghe những câu thể hiện sự nghi vấn như: "Bạn đang bịa ra mọi thứ", "Điều đó không bao giờ xảy ra", "Bạn đang phức tạp hóa mọi thứ", "Mọi chuyện chỉ là suy diễn và tưởng tượng của bạn".

- Cần tin vào chính mình: Mục tiêu của gaslight là khiến nạn nhân phải nghi ngờ nhận thức của bản thân. Để chống lại điều này, bạn cần tin vào chính suy nghĩ, phán đoán, cảm xúc của mình. Ghi nhớ những điều như "Tôi tin những gì mình đã thấy" hoặc "Tôi hiểu cảm xúc của chính mình" sẽ giúp vượt qua sự nghi ngờ bản thân.

- Viết mọi thứ ra giấy: Viết nhật ký về những trải nghiệm và tập thói quen xem lại các bài viết. Ghi lại những gì đang diễn ra. Nhật ký là một cách tuyệt vời để ghi nhớ, lưu giữ sự việc theo dòng thời gian. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin về những gì bạn biết là đúng.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, bạn bè: Cô lập tâm lý và phụ thuộc vào cảm xúc có thể là mục tiêu của kẻ thao túng. Vì vậy, bạn cần tìm những người thân thiết khác để chia sẻ với họ chuyện gì đang xảy ra, những gì bạn biết, thấy và cảm nhận. Không nên im lặng và tự coi thường cảm xúc của chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại