DIÊM THỐNG NHẤT
Hình ảnh bao diêm Thống Nhất với vỏ hộp in hình chú chim bồ câu trắng ngậm hoa đỏ trên nền trời xanh từng đã quá quen thuộc trong các gia đình Việt Nam. Diêm Thống Nhất ra đời từ năm 1956, xuất thân từ một doanh nghiệp Nhà nước sản xuất diêm truyền thống, hoạt động của công ty chủ yếu liên quan đến kinh doanh và sản xuất sản phẩm sinh lửa là Diêm và Bật lửa. Ngoài ra, Công ty phát triển ngành nghề sản xuất bao bì, in ấn, kinh doanh thương mại…
Trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, bếp gas hay bếp điện vẫn chưa xuất hiện, bật lửa cũng chưa phổ biến, thì diêm Thống Nhất là công cụ gần như duy nhất giúp người Việt thắp lửa. Tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng có lẽ diêm Thống Nhất là sản phẩm có mặt trong tất cả các quầy tạp hóa, thống trị thị trường lúc bấy giờ.
Theo dòng thời gian, thời cuộc khác đi, nhu cầu tiêu dùng dân sinh không còn sử dụng nhiều sản phẩm diêm, khiến sản lượng tiêu thụ của Diêm Thống Nhất giảm dần từng năm. Đến năm 2020, Diêm Thống Nhất chính thức dừng sản xuất diêm thương mại, chỉ sản xuất diêm quảng cáo theo nhu cầu đặt hàng của khách, chuyển đổi sản xuất sang bật lửa và thùng carton, quà tặng doanh nghiệp.
Trên thực tế, đây là một bước đi đã được dự tính từ sớm. Khi vài năm trước đó, Diêm Thống Nhất từng công bố thông tin về rủi ro mang tính đặc thù: "Mặt hàng chính của công ty là diêm hộp các loại sử dụng cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Bao bì carton. Các mặt hàng này chịu ảnh hưởng nhiều từ sức mua của người tiêu dùng và sự thay thế của các loại sản phẩm khác. Đặc biệt diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường, tính thương mại kém, giá trị thấp, có nhiều sản phẩm thay thế" .
Để đối phó với thay đổi này, Diêm Thống Nhất đã chuyển sang tập trung đầu tư cho việc mở thị trường tiêu thụ bật lửa và bao bì carton. Trong đó, mặt hàng bật lửa được sản xuất từ năm 2013. Bất chấp việc ra đời muộn màng, sản phẩm này lại đi đúng hướng, nhanh chóng được thị trường đón nhận. Từ năm 2014, sản phẩm này bán được 1,65 triệu chiếc và liên tục tăng theo cấp số nhân, lên đến 14,67 triệu chiếc vào năm 2018, trong đó chủ yếu được tiêu thụ ở miền Bắc và miền Trung.
Cùng với sản xuất bật lửa Thống Nhất, DN còn phân phối dòng bật lửa Thống Nhất – Cricket nhập khẩu từ Malaysia, sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ qua các hợp đồng quảng cáo với số lượng lớn. Tuy nhiên, lượng bán phục vụ người tiêu dùng còn thấp do giá cao, không hấp dẫn như các dòng bật lửa nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc…
Có thể nói, bật lửa ra đời thực sự trở thành “cứu tinh” cho kết quả kinh doanh của Diêm Thống Nhất. Trong khi doanh số bán diêm truyền thống liên tục sụt giảm, doanh thu của Công ty vẫn được duy trì khá ổn định, dù thị phần bật lửa vẫn chưa đáng kể.
Năm 2022, Diêm Thống Nhất ghi nhận kỷ lục về doanh thu với 293 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với những năm trước đó. Nguyên nhân chính giúp lợi nhuận DN được cải thiện trong năm 2022 là do doanh thu bán hàng tăng 136% so với năm 2021. Bên cạnh đó, lãi tiền gửi mang lại cho Diêm Thống Nhất khoản doanh thu tài chính hơn 4,3 tỷ đồng, đóng góp vào kết quả lợi nhuận chung.
XE ĐẠP THỐNG NHÂT
Nhắc đến những thương hiệu Việt nổi danh những năm 80-90 của thế kỷ trước không thể không nhắc đến “huyền thoại” xe đạp Thống Nhất.
Xe đạp Thống Nhất được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội, thành lập vào ngày 30/6/1960.
Xe đạp Thống Nhất ra đời từ trong chiến tranh chống Mỹ nên nó đi vào cả chiến trường với biệt danh “con ngựa sắt”, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến. Chiếc xe được đặt tên là Thống Nhất nhằm gửi gắm mong ước về một ngày đất nước hòa bình, độc lập.
Năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước được mua một chiếc 1 lần duy nhất. Ai được phân phối sẽ có kèm theo một sổ mua phụ tùng. Tuy nhiên, số lượng sản xuất xe đạp Thống Nhất rất hạn chế, nên người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ. Một chiếc xe đạp Thống nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chiếc xe đạp quốc dân ngày nào đã dần mất vị thế độc tôn trên thị trường.
Trải qua mấy chục năm, xe đạp Thống Nhất những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn trong thiết kế, quan tâm nhiều hơn tới tâm lý, sở thích của các phân khúc khách hàng trẻ em, phụ nữ, thanh niên,... để đưa ra thị trường những mẫu sản phẩm trẻ trung, hợp thời hơn.
Thậm chí, càng ngày Thống Nhất còn tỏ ra bắt trend khá nhanh nhạy, như việc ra mắt phiên bản xe đạp The Flash giới hạn 200 chiếc lấy cảm hứng từ một nhân vật siêu anh hùng của DC hồi tháng 7 vừa qua.
Về kết quả kinh doanh, trong vòng 4 năm từ 2019-2022, năng suất của xe đạp Thống Nhất đã tăng gần gấp 3 lần, doanh thu tăng 3,4 lần và đã có cú lội ngược dòng lợi nhuận trong năm 2022.
Theo số liệu công bố, trong hai năm 2020 - 2021, Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội, đơn vị đang sản xuất và thương mại xe đạp thương hiệu Thống Nhất thua lỗ mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019 khi dịch Covid chưa ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, xe đạp Thống Nhất cũng chỉ lãi chưa đầy 500 triệu đồng cả năm. Sang đến năm 2022, bức tranh kinh doanh đã khởi sắc khi công ty lãi hơn 13,7 tỷ đồng với hệ số ROS gần 10%.
Ban lãnh đạo công ty cho biết năm 2022, xe đạp Thống Nhất đã nỗ lực tìm kiếm duy trì hệ thống đại lý ở miền Bắc và bắt đầu mở rộng vào thị trường miền Nam qua các kênh phân phối của AEON và Điện máy Xanh, đồng thời mở rộng thị trường ở một số tỉnh miền Đông và miền Tây. Nhờ những nỗ lực sau một thời gian, lượng xe bán ra hàng năm của Thống Nhất đã tăng trưởng liên tục, từ hơn 33.000 xe năm 2019 tăng lên 103.000 xe năm 2022.
ĐIỆN CƠ THỐNG NHẤT
Tương tự với diêm Thống Nhất và xe đạp Thống Nhất, thương hiệu Điện cơ Thống Nhất cũng là một thương hiệu "đi cùng năm tháng" gắn liền với chiếc quạt điện trong nhà một thời, đặc biệt là các thế hệ 8x trở về trước.
Tuy nhiên, khác với diêm Thống Nhất và xe đạp Thống Nhất, dù hiện tại trên thị trường đã có rất nhiều các sản phẩm về các loại quạt hiện đại, đến từ nhiều thương hiệu lớn của các nước khác nhau, nhưng CTCP Điện cơ Thống Nhất (Vinawind) vẫn sống tốt, kết quả kinh doanh đều đặn lãi gần chục tỷ đồng mỗi tháng.
Từ năm 2016 đến nay, doanh thu Vinawind luôn đều đặn duy trì trên 900 tỷ đồng, lãi sau thuế từ năm 2016 - 2020 duy trì từ 64-84 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2021, Vinawind lãi kỷ lục với 104 tỷ đồng, sang năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 95 tỷ đồng.
Hiện Vinawind vẫn đang là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các loại quạt điện, chấn lưu, ổ cắm và các đồ điện gia dụng khác.