Các thành phố Châu Á phun mưa, đặt máy lọc ngoài trời... để xử lý ô nhiễm

Thanh Hà |

Hàng tỉ người Châu Á đang hứng chịu không khí ô nhiễm. Trong bối cảnh đó, giới chức đã sử dụng nhiều biện pháp như dùng máy bay không người lái phun nước, máy lọc không khí ngoài trời... để cải thiện chất lượng không khí.

Khoảng 92% dân số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải hứng chịu ô nhiễm không khí gây nguy cơ đáng kể cho sức khỏe, theo cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc. AFP đã dẫn ra một số cách thức giải quyết, hạn chế ảnh hưởng của vấn đề ô nhiễm không khí.

Phun nước

Năm 2017, New Delhi - một trong những thành phố lớn bị ô nhiễm nặng nhất thế giới đã sử dụng trực thăng để phun nước lên thành phố nhằm gột rửa khói bụi ô nhiễm xuống đất. Tuy nhiên, những chiếc trực thăng không thể bay do tầm nhìn bị hạn chế vì khói bụi.

Tại Bangkok , hồi tháng 1 năm nay, giới chức đã thử hàng loạt các biện pháp chống khói bụi bao phủ thành phố trong nhiều tuần, trong đó có phun nước, làm mưa nhân tạo và thậm chí là triển khai các phi đội máy bay không người lái để phun nước.

Làm mưa nhân tạo là biện pháp gây mưa bằng cách sử dụng rocket, đại bác hoặc máy bay để đưa hóa chất vào các đám mây. Tuy nhiên, kỹ thuật này không phải lúc nào cũng thành công.

Hồi tháng 1, nỗ lực của Hàn Quốc nhằm gây mưa nhân tạo khắc phục ô nhiễm đã thất bại. Một máy bay đưa bạc iốt vào mây nhằm gây mưa chỉ tạo ra vài phút sương mù.

Máy lọc không khí ngoài trời

Theo các nhà nghiên cứu, thành phố Tây An phía bắc Trung Quốc đang thử nghiệm một máy lọc không khí khổng lồ có kích thước tương tự một ống khói công nghiệp nhằm giảm 15% lượng bụi mịn PM2.5 trong khu vực 10km lân cận.

Năm nay, Hong Kong (Trung Quốc) mở một đường hầm dài 3,7km có trang bị hệ thống lọc không khí được quảng bá là lớn nhất thế giới về lượng không khí được xử lý. Hệ thống này có khả năng lọc 5,4 triệu mét khối khí thải từ các phương tiện giao thông mỗi giờ.

Giới chức cho biết, hệ thống có thể loại bỏ ít nhất 80% các phần tử có hại và nitrogen dioxide bằng cách sử dụng các cánh quạt lớn hút khí thải vào 3 nhà máy lọc không khí trong đường hầm.

Năm ngoái, New Delhi tuyên bố kế hoạch lắp đặt các máy lọc không khí khổng lồ tại các giao lộ và gắn bộ lọc không khí trên nóc xe buýt , theo Hindustan Times.

Di cư tránh ô nhiễm không khí

Trong những đợt không khí ô nhiễm nặng nề, nhất là trong mùa đông, cư dân các thành phố ô nhiễm nặng nề ở Trung Quốc thường di chuyển tới các khu nghỉ dưỡng ở phía nam đất nước để tạm nghỉ và trở về khi thành phố đã trong lành hơn.

Các thành phố Châu Á phun mưa, đặt máy lọc ngoài trời... để xử lý ô nhiễm - Ảnh 2.

Không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh. Ảnh: HKFP.

Năm 2016, Ctrip - hãng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, ước tính, hàng năm, hơn một triệu cư dân các thành phố ô nhiễm khói bụi như Bắc Kinh và Thượng Hải rời đi để tránh khói bụi. Những điểm đến cho "những người tị nạn tránh khói bụi" này là Nhật Bản, Australia, New Zealand. Thậm chí nhiều người đi đến Nam Cực.

Biện pháp thương mại

Doanh nhân bán cho cư dân của các thành phố ô nhiễm những chai không khí sạch từ New Zealand, Canada, Australia và Thụy Sĩ. Với khoảng 22 USD, người tiêu dùng có thể đặt mua một lon Banff Air 8 lít từ địa điểm du lịch nổi tiếng ở Canada hoặc trả 125 USD cho một bình không khí từ vùng nông thôn của Anh.

Tại Trung Quốc, các loại trà "chống khói bụi" được các nhà cung cấp quảng cáo là có thể làm sạch phổi. Trong khi đó, cư dân Mông Cổ uống cocktail oxy được làm bằng cách phun oxy từ máy hoặc từ các bình chứa không khí vào trong các ly nước trái cây. Quảng cáo quảng bá rằng một ly cocktail oxy tương đương với 3 giờ đi bộ trong một khu rừng tươi tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại