Chưa bao giờ trào lưu đi phượt lại rầm rộ như thời gian gần đây và cũng chưa bao giờ phượt thủ có đầy đủ điều kiện để thoải mái xê dịch như lúc này.
Tầm 10-15 năm trước, để lên tới Điện Biên, Hà Giang, thậm chí Sapa hoàn toàn không phải chuyện "mình thích thì mình đi thôi". Những con đèo sừng sững như Pha Đin, Khau Phạ, Ô Quy Hồ đều ẩn chứa vô số thách thức dành cho những người muốn chinh phục nó.
Gian nan tạo ra sức hút đối với những có đủ sức khỏe và bản lĩnh. Họ giống như những kẻ du mục. Đi trước hết là để ngao du, để tự do, sau đó mới là chinh phục và tích lũy kinh nghiệm.
Họ bị gọi là những lữ hành cô độc, nhưng nói như một phượt thủ tôi quen biết thì "chúng tôi có thiên nhiên bầu bạn, có sự thỏa mãn trong tâm hồn. Đi để ấm vào thân chứ khoe khoang gì với ai, mà thời đó lấy cái gì ra mà khoe".
"Đã gọi là đi phượt thì phải thong dong tận hưởng. Sống cuộc sống không bị ai hối thúc, không phải chạy đua, ngày rộng tháng dài, mây trên đầu, đường dưới chân, cứ thế mà tận hưởng thôi".
Giờ đây, đường đèo lát nhựa phẳng lỳ, vạch kẻ đường rõ ràng, xe cộ cũng tốt hơn gấp bội, tạo điều kiện để dân ưa xê dịch thoải mái chạm tới những vùng đất mới.
Phải chăng vì đi phượt giờ đây trở thành trò chơi phổ biến và nó quá dễ dàng nên tự các phượt thủ lại muốn biến tướng nó thành những thách thức điên rồ khác.
Có lẽ dân phượt vài ngày gần đây chẳng lạ gì câu chuyện về 2 cô gái chạy xe máy từ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ trong vỏn vẹn 40 tiếng.
Tạm thời chưa bàn tới tính khả thi của quãng thời gian 40 tiếng, câu hỏi lớn nhất trong đầu những phượt thủ chuyên nghiệp là: Đi như thế để làm gì?
Những giá trị gốc của chuyện đi phượt không tồn tại một chút nào trong thành tích của 2 cô gái. Thứ nhất, họ phải chạy đua với thời gian để tạo ra một con số ấn tượng: 40 tiếng.
Như vậy là trái hoàn toàn với mục đích tận hưởng của những chuyến xê dịch, ngao du sơn thủy. Tuyệt đối không có một chút thư giãn nào trong hành trình này.
Thay vào đó, để có thể duy trì tốc độ trung bình từ 50-80 km/h trong suốt chặng đường gần 2.000 km, thần kinh bị tra tấn, sức khỏe hao mòn. Đi như vậy rốt cuộc để làm gì?
Thứ hai, tại sao người ta thay vì ngồi máy bay, ngồi ô tô khách, lại xách xe máy lên để đi phượt? Vì trong hành trình lang thang trên các cung đường, có vô số những kiến thức được thu nạp một cách tự nhiên.
Những quán ăn ngon, những ngóc ngách của cuộc sống mà nếu ngồi trên máy bay hay ô tô, chúng ta không tài nào chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Và trên hết là những con đường.
Đi phượt là để tự sống chậm, tự hưởng thụ không gian xung quanh chứ không phải tạo ra những con số ấn tượng. (Ảnh minh họa)
Đi phượt giống như giúp não chúng ta vẽ nên một tấm bản đồ tổ quốc. Từ Hà Nội tới Thanh Hóa đi đường nào, từ Huế vào Đà Nẵng nên chạy ra sao. Những giờ học địa lý khô khan trên lớp khi được trải nghiệm thực tế hóa ra lại thú vị đến thế.
Nhưng nếu cứ cắm đầu cắm cổ chạy tới đích, hành trình đã trải qua sẽ giống như một đoạn băng bị xóa trắng.
Đi phượt – cái quan trọng không phải là đích đến, mà là hành trình chúng ta trải qua để tới đích. Đây mới là căn nguyên của sự xê dịch. Dẫu biết rằng cuộc đời không ai giống ai, giống như một đích đến có nhiều con đường, nhưng có những nguyên tắc cơ bản của chuyện đi phượt cần được ghi nhớ.