Khoa học và sinh lý cơ thể con người (đặc biệt phái nữ), chứng minh không thể chạy xe máy 900km liên tục trong một ngày (24 tiếng) để đạt cột mốc 1.850km trong vòng 40 tiếng.
Từ một hành trình đẹp, chỉ vì một chi tiết "nói dối" đã khiến hai cô gái thành trò cười của giới phượt thủ, và những bức ảnh lung linh đầy ngưỡng mộ trên khắp Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định… của hai cô gái xinh đẹp, có lẽ giờ đã trở thành nỗi buồn cho người trong cuộc.
Một lần nữa, hai chữ "phượt thủ" lại gây xôn xao cộng đồng. Nhưng chúng ta ở đây sẽ không nói về cái tiêu cực, cái lộn xộn của giới phượt thủ.
Câu chuyện của hai nữ phượt thủ trẻ đã trở thành tâm điểm của dân mạng ít ngày qua
Chúng ta sẽ đi sâu về cái tận cùng sâu thẳm của tâm lý "phượt thủ". Họ đã đến từ đâu và sai ở chỗ nào? Để rồi sinh ra những "con sâu làm rầu nồi canh" trong giới rong ruổi ấy.
Dân "phượt thủ" thường là ai? Hãy để ý, không có phượt thủ nào là dân công trường (dân xây dựng, dân điện kỹ thuật, ... ) hay thậm chí là dân phóng viên chạy liên tục khắp các vùng đất để làm phóng sự đồng thời nâng cao vốn sống. Bản thân môi trường của họ đã là một cái "phượt khổ" rồi.
Cũng rất ít "phượt thủ" là dân nông thôn, miền núi. Bởi hành trình họ đi là hành trình mưu sinh ở thành phố, và vì cuộc sống của họ đã tiếp xúc với nông thôn thường xuyên, nên họ không có nhu cầu về miền nông thôn nữa.
Điểm chung của những phượt thủ: họ vốn là những người trẻ sinh ra ở thành phố hoặc những người đã sống lâu ở thành phố.
Trong cái môi trường đùm bọc của cha mẹ và những mảng tường bê tông tiếp xúc xung quanh, họ bắt đầu muốn phá vỡ.
Phần lớn phượt thủ vì thế đại diện cho một tầng lớp người trẻ thành phố năng động, muốn làm điều gì đó hơn cái nhàm chán thông thường, muốn khám phá và muốn có một trải nghiệm mới.
Những hành trình rong ruổi vì thế được hình thành.
Ở đây, sự biến đổi tâm lý bắt đầu xảy ra: trên những vùng đất mới, gặp những con người mới với các nền văn hóa khác nhau, những phượt thủ cảm thấy họ trưởng thành hơn các bạn đồng trang lứa một bậc, họ cảm thấy bản thân mình là "Một chuyến đi phượt bằng ba năm cuộc đời".
Những trải nghiệm, những chuyến phiêu lưu, và cả cái cách "ăn bờ ngủ bụi", đi qua sương gió khiến họ thấy mình cứng cáp hơn, kiêu hãnh hơn.
Giống như thể một người con xa nhà lên thành phố để đi học, đi làm. Trong ngày Tết về thăm quê, thường sẽ cảm thấy bản thân "oai phong" hơn một chút.
Đấy là cảm giác của dân phượt.
Trong cơn men say của cảm giác chinh phục, họ đã quên mất một điểm tối quan trọng: họ đi xa chỉ để chơi và khám phá.
Trong xã hội với những thân phận mưu sinh và trốn chạy, kiếm tìm đồng tiền này, thì đi xa chỉ để chơi và khám phá là một may mắn đáng để tận hưởng.
Phượt thủ đã sai ở chỗ họ đã nghĩ "quá cao" và "không hiểu mưu sinh xã hội".
Những con người mang cảm giác lạc lõng, muốn xách ba lô lên và đi khi trở về nhà, vì nghĩ chán, hay cái cách "nói quá" lên như hai chị em trong đoạn đầu bài viết thực ra sâu xa là muốn thể hiện bản sắc, khẳng định cái tôi. Nhưng tất cả, cũng chính bởi vì họ đánh giá quá cao bản thân, lẫn cái từ "phượt" ấy.
"Phượt" là hưởng thụ theo cách tự do, chứ không phải là một cuộc trường chinh đi tìm miền đất hứa hay cuộc hành hương đến đất Phật, để "phượt thủ" đi dạy người khác về triết lý làm người.
Tôi có một người em là một dân phượt, bạn biết ước mơ lớn nhất của cô ấy là gì không? Nghỉ làm hai tháng để lên dạy chữ cho các trẻ em vùng cao Hà Giang.
Phượt không đơn giản chỉ là xách ba lô lên và đi
Cái đẹp của "phượt" là ở câu chuyện trên. "Phượt" là giúp tăng vốn sống, biết quý cuộc sống hiện tại và giúp yêu thiên nhiên đất nước, chứ không phải là thứ tâm lý "đánh giá quá cao bản thân" – điều sẽ gặm nhấm tâm hồn bạn sau mỗi chuyến đi.
Chỉ khi nào hiểu được điều đó, dân "phượt thủ" mới tránh được cảnh tiêu cực đang dần hình thành quanh bản thân họ, và đưa cái từ "phượt" trở về đúng bản ngã nguyên thủy nhất của nó.