Các phiên dịch viên Afghanistan làm việc cho Mỹ lo sợ bị Taliban trả thù và chặt đầu

Trung Hiếu |

Khi Mỹ rút dần hết quân khỏi Afghanistan, nhiều phiên dịch viên địa phương làm việc cho quân Mỹ đã không có may mắn sang được Mỹ. Giờ đây, họ đang đối mặt với nguy cơ bị lực lượng phiến quân Hồi giáo Taliban trả thù một cách đẫm máu, có thể cả bằng hình thức chặt đầu.

Chân dung Sohail Pardis - một phiên dịch viên người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ, rồi bị Taliban sát hại vào tháng 5/2021 để trả thù cho việc cộng tác với người Mỹ. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Chân dung Sohail Pardis - một phiên dịch viên người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ, rồi bị Taliban sát hại vào tháng 5/2021 để trả thù cho việc cộng tác với người Mỹ. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Số ít may mắn

Nhóm phiên dịch viên và biên dịch viên người Afghanistan đầu tiên từng giúp quân nhân và nhà ngoại giao Mỹ hoạt động trên đất Afghanistan đã tới Mỹ vào hôm 30/7/2021.

Trong lúc ấy, hàng chục ngàn người Afghanistan từng làm biên-phiên dịch cho Mỹ thì vẫn kẹt lại ở Afghanistan trong tâm trạng ngày càng lo sợ bị phiến quân Hồi giáo Taliban trả thù vì đã cộng tác với Mỹ.

Nhóm đầu tiên này gồm những người Afghanistan xin thị thực (visa) nhập cư đặc biệt (SIV) để sang Mỹ. Họ đã đặt chân xuống Fort Lee, Virginia (Mỹ), theo chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chuyến bay đầu này chở khoảng 200 người, bao gồm người nộp đơn và gia đình họ. Họ nằm trong nhóm ưu tiên gồm 700 người xin SIV đã hoàn thành quá trình về lý lịch cần thiết để được nhận visa. Tính cả gia đình kèm theo thì số người đạt yêu cầu đi Mỹ lần này là khoảng 2.500 người.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết những người Afghanistan đã tới được Mỹ lần này sẽ hoàn thành "các bước còn lại để trở thành những người nhập cư mới nhất của nước Mỹ" tại Fort Lee.

Những người còn lại "sống trong sợ hãi"

Những người trên chuyến bay trên là những người thực sự may mắn. Họ đại diện cho nhóm may mắn trong tổng số 20.000 người Afghanistan xếp hàng xin SIV.

Một số người đang "xếp hàng" này nói với phóng viên CNN: Họ thực sự sợ hãi khi chứng kiến cảnh Taliban hành quyết dã man những người Afghanistan từng hỗ trợ cho quân Mỹ.

Naveed Mustafa - một phiên dịch viên từng làm việc với quân Mỹ và Anh, nói với CNN: "Chúng tôi cần ra khỏi đất nước này, bọn chúng đang truy lùng chúng tôi".

Naveed đang vội vã chuẩn bị tài liệu cần thiết để mình, vợ, và 5 đứa con có thể xuất cảnh khỏi Afghanistan và sang Mỹ.

Họ đã chứng kiến cảnh Taliban kiểm soát biên giới của Afghanistan, truy lùng lính đặc nhiệm Afghanistan , binh sĩ, cảnh sát Afghanistan, "gõ từng nhà rà từng người" rồi giết sạch.

Bản thân Naveed có 5-6 người bạn làm bên khối đặc nhiệm và những người này đều đã bị Taliban giết. Giờ thì Naveed "hoàn toàn sống trong sợ hãi".

Cảm giác lo sợ bị trả thù là rất phổ biến ở Afghanistan vì chiến dịch quân sự của Mỹ tại đây đã kéo dài suốt 2 thập kỷ, khiến có nhiều người như Naveed - gắn bó với quân đội Mỹ và giới ngoại giao Mỹ. Quá trình xin SIV để được sang Mỹ thì kéo dài hàng năm trời.

Trong 20.000 người xin SIV sang Mỹ thì có tới khoảng một nửa mới chỉ bắt đầu thủ tục, Bộ Ngoại giao Mỹ cách đây mấy tuần thông báo như vậy.

Giới chức Mỹ cho hay họ đang tính tới khả năng đưa một số người xin visa đặc biệt này sang nước thứ 3 để đảm bảo quá trình hoàn tất thủ tục và xác minh được diễn ra tương đối an toàn. Tuy nhiên ngay cả những người may mắn được Mỹ cho bay di tản thì họ vẫn phải tự thân đến được thủ đô Kabul, mà để làm được điều này họ phải vượt qua chặng đường dài với nhiều chốt kiểm soát của Taliban trên khắp đất nước.

Tình hình ngày càng nguy ngập cho các biên dịch viên-phiên dịch viên như vậy.

Taliban vừa rồi đã truy lùng Ramish, một phiên dịch viên đã có trao đổi với đài CNN. Gia đình anh đã phải che giấu anh. Sau khi Taliban lục soát mà không tìm thấy Ramish, họ đã đốt cháy rụi nhà của Ramish. Phiên dịch viên này đã trốn khỏi quê hương và đi giữa đêm để tới Kabul. Tại Kabul, Ramish cố gắng vượt qua quá trình SIV. Nếu không xuất cảnh được, anh nói, "tương lai của chúng tôi sẽ tăm tối", và "bọn chúng cũng sẽ chặt đầu chúng tôi thôi".

Đại úy lục quân Mỹ Sayre Paine từng làm việc cùng với Ramish và anh thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ những người như Ramish. Chính Paine đã khuyến khích Ramish chạy trốn về Kabul.

Theo Paine, binh sĩ Mỹ đã không thể hoàn thành nhiệm vụ trên thực địa nếu thiếu các phiên dịch ở sát bên cạnh mình.

Shinwari - sáng lập viên của nhóm "Không một ai bị bỏ lại phía sau" cho biết: mỗi ngày, "hàng trăm người gửi tin nhắn hoặc email cho ông để kêu gọi được giúp đỡ vì họ ngay lúc này đang trong tình thế rất bi đát".

Nhưng gia đình những người này cũng đối mặt nguy hiểm. Nếu Taliban phát hiện một thành viên gia đình tham gia hỗ trợ quân đội Mỹ ở Afghanistan thì họ sẽ giết cả gia đình.

Số phận bi thảm của một phiên dịch

Sohail Pardis lái xe từ nhà ở thủ đô Kabul tới tỉnh Khost gần đó để đón em gái dự lễ Eid đánh dấu kết thúc tháng Ramadan.

Trong chuyến đi 5 ngày vào ngày 12/5, Pardis (32 tuổi) phải đi qua một dải sa mạc. Xe của anh bị chặn lại tại một chốt kiểm soát của chiến binh Taliban.

Vài ngày trước đó, Pardis tâm sự với bạn mình rằng anh đã nhận được lời đe dọa của Taliban sẽ giết anh. Vào thời điểm đó, Pardis làm biên dịch cho Lục quân Mỹ được 16 tháng. Người bạn, người đồng nghiệp của Pardis, tên là Abdulhaq Ayoubi, nói với CNN: "Chúng nói với cậu ấy rằng mày là gián điệp của tụi Mỹ, mày là tai mắt của Mỹ và mày là bọn vô đạo, chúng tao sẽ giết mày và gia đình mày".

Khi tới chốt kiểm soát, Pardis nhấn chân ga để lao nhanh qua. Dân làng chứng kiến cảnh này kể lại: Taliban bắn vào ô tô của Pardis khiến ô tô bị đảo và dừng lại. Sau đó họ lôi Pardis ra khỏi xe và chặt đầu anh ấy.

Pardis là một trong hàng ngàn phiên dịch người Afghanistan làm việc cho quân đội Mỹ và giờ đây khi Mỹ rút đi, họ đối mặt với sự truy sát của Taliban.

Trong một thông cáo vào tháng 6, lực lượng thánh chiến Taliban nói rằng họ sẽ không làm hại những người từng làm việc cho quân đội nước ngoài. Một phát ngôn viên của Taliban nói với CNN rằng họ đang cố gắng kiểm chứng chi tiết của vụ sát hại Pardis.

Thế nhưng những người đã trao đổi với CNN thì lại nói rằng tính mạng của họ hiện đang bị đe dọa khi Taliban mở các cuộc tấn công trả thù theo sau việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Ayoubi kết luận: "Chúng tôi không thở nổi ở đây. Bọn Taliban không nương tay với chúng tôi".

Trước hôm 14/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố họ đang thương thuyết với một số nước để đưa những đối tượng biên phiên dịch viên này sang tạm trú ẩn để hoàn tất quá trình xin visa kéo dài. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ ý thức rõ mối nguy hiểm từ phía Taliban đang rình rập các cộng tác viên người bản địa này.

Pardis qua đời để lại đứa con gái nhỏ mới 9 tuổi với tương lai mập mờ. Cô bé đang được người anh Sahak của Pardis chăm sóc. Sahak cho hay, họ phải rời bỏ ngôi nhà ở Kabul để hạn chế rủi ro.

Nói chuyện bên ngôi mộ của em mình, Sahak cho biết họ không còn an toàn.

Các biên phiên dịch viên như thế này đồng ý công khai tên của mình là vì họ biết Taliban đã biết danh tính của họ và đang săn tìm họ. Họ hy vọng việc được quốc tế biết đến là giải pháp cuối cùng và duy nhất để tránh bị giết.

Rào cản từ máy phát hiện nói dối

Pardis từng xin SIV để sang Mỹ nhưng không thành công vì không vượt qua được máy kiểm tra nói dối được dùng trong quá trình cấp visa. Nhiều người Afghanistan đã thắc mắc cho rằng máy này có trục trặc nào đó.

Abdul Rashid Shirzad là một trường hợp tiêu biểu khác. Anh từng làm "thông ngôn" cho một đơn vị đặc nhiệm Mỹ. Nhưng nay anh không xin được SIV để sang Mỹ trong bối cảnh quân Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Shirzad nói quá trình phục vụ quân Mỹ bây giờ trở thành án tử đối với anh. Đơn xin SIV của anh đã bị chính phủ Mỹ bác.

Shirzad đã thức trắng nhiều đêm. "Nếu chúng bắt được tôi, chúng sẽ giết tôi, giết cả vợ con tôi nữa".

Cha của 3 đứa trẻ cho biết hợp đồng của anh với quân đội Mỹ chấm dứt vào năm 2014 do anh không vượt qua được cuộc kiểm tra nói dối. Mà giờ thì quân Mỹ sắp rút đi.

Trước đó Shirzad nhận được nhiều thư khen của các chỉ huy lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ. Họ mô tả Shirzad là một "tài sản giá trị và cần thiết", người không sợ hỏa lực đối phương và đã cứu sinh mạng của nhiều người Mỹ và người Afghanistan.

Vợ của Shirzad cho biết họ rất sợ bị Taliban tóm được. Cô nói: "Tôi mong Mỹ sẽ cứu chồng tôi thoát khỏi nguy hiểm".

Bản thân Ayoubi - đồng nghiệp của Pardis, cũng không vượt qua được máy kiểm tra nói dối và cơ hội đưa cả gia đình sang Mỹ đã tiêu tan. Anh nói: "Tôi tha thiết thỉnh cầu Tổng thống Biden hãy cứu lấy chúng tôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại