Không ai được phép nuôi dạy con của chính mình. Đó là quy định của triều đại nhà Thanh trong việc nuôi dạy các Hoàng tử.
Theo đó, chỉ có hậu cung của Hoàng hậu mới đủ điều kiện này. Nhưng chính bản thân Hoàng hậu cũng không được phép nuôi dạy con của mình.
Sau khi đầy tháng, Hoàng tử buộc phải rời xa mẹ để người khác nuôi nấng. Họ chỉ được gặp mẹ vào những dịp đặc biệt mà thôi.
Các Hoàng tử sẽ có một đội ngũ tùy tùng gồm 40 người để phục vụ, riêng vú nuôi có 8 người, những người còn lại phục vụ giặt giũ, cơm nước.
Sở dĩ có điều này là do nhà Thanh được cai trị bởi người Mãn Châu. Đây là một bộ tộc thiểu số ở Trung Quốc, vốn là những người du mục bán khai nên họ ủng hộ sự dũng cảm và độc lập.
Việc tách biệt khỏi mẹ mình ngay từ nhỏ, tránh sự yêu thương, che chở của mẹ sẽ góp phần hình thành và duy trì sự kiên trì, dũng cảm của từng cá nhân cũng như của cả quốc gia.
Đặc biệt, khi mang trong mình chân mệnh thiên tử, thừa kế ngai vàng, Hoàng tử càng phải được nuôi dưỡng kỹ càng và công phu, khác hẳn với những đứa trẻ thông thường.
Tất nhiên, mất đi tình yêu thương, gần gũi của mẹ là sự đánh đổi để giành lấy ngai vàng. Và dù không được gần gũi con nhưng bất cứ phi tần nào cũng mong muốn con mình được nối ngôi.
Việc tách biệt khỏi mẹ cũng nhằm mục đích ngăn chặn những hệ lụy quyền lực từ việc cùng huyết thống. Hoàng tử được người khác nuôi nấng, sẽ khiến tình cảm giữa mẹ và con không sâu đậm.
Khi thừa kế ngai vàng họ sẽ không dành quá nhiều ân sủng cho mẹ, tránh sự lộng quyền của hoàng thân quốc thích đối với việc triều chính.
Chính vì lẽ đó, công lao của việc nuôi dạy con cái lớn hơn cả việc sinh nở. Đã có chuyện một số Hoàng hậu không sinh được con trai nên nhận con của những phi tần khác để nuôi nấng.
Các Cách cách nhà Thanh phụ thuộc nhiều vào vú nuôi.
Không chỉ các Hoàng tử mà ngay cả các Cách cách từ khi ra đời cũng đã không được ở trong vòng tay của mẹ.
Việc nuôi dạy đều được giao cho các vú nuôi đảm nhận. Chính vì vậy, cuộc sống của các Cách cách phụ thuộc rất nhiều vào các vú nuôi, kể cả tư tưởng, suy nghĩ cho đến chuyện chồng con.
Thế mới có chuyện, các Cách cách sau khi xuất giá, muốn được gần gũi chồng phải hối lộ tiền cho các vú nuôi nếu không sẽ bị ngăn cản, mắng nhiếc.
Có người một năm chỉ được gần gũi chồng có vài lần. Vì lẽ đó mà đa phần các Cách cách của nhà Thanh đều không có con đẻ.
Không gần gũi bố mẹ, chồng xa cách, con cái không có... là tình cảnh chung của nhiều Cách cách thời nhà Thanh để rồi họ rơi vào trạng thái trầm cảm và qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ.