Câu chuyện phần lớn đàn ông có vợ ở Nhật chỉ toàn cầm tiền lẻ theo mình, bởi lẽ, họ sẽ giao hết tiền lương cho vợ quán xuyến, và ngược lại, sẽ được vợ cấp lại “okozukai” – khoản tiêu vặt dành riêng cho các ông chồng.
Số tiền này sẽ được các ông chồng Nhật chi dùng cho những nhu cầu cá nhân như mua thuốc lá (chiếm khoảng 1/3 số tiền trợ cấp vợ cho), nước uống, rượu bia, hóa đơn điện thoại, mua sắm các món đồ linh tinh, cắt tóc, mua quần áo mới và rất nhiều các khoản khác nữa.
Đó là truyền thống ở Nhật, và đàn ông Nhật, với quan điểm: bổn phận của cánh đàn ông là trở thành trụ cột trong gia đình và chăm sóc vợ con.
Nếu những người vợ không kiểm soát tiền nong chặt chẽ, họ sẽ tiêu xài hoang phí cho các khoản vô bổ và chẳng để ra được đồng nào hoàn toàn thoải mái trong chuyện đó. Đàn ông Việt thì dường như hơi khác…
Câu chuyện đàn ông có vợ ở Nhật vui vẻ nộp hết tiền lương cho vợ và chỉ có tiền lẻ trong ví đã khiến nhiều đàn ông Việt giật mình thon thót.
“Vợ là cái ngân hàng kỳ cục”
“Vợ là cái ngân hàng kỳ lạ lắm, gửi tiền vô bao nhiêu cũng được hết, vậy mà có việc muốn rút ra là gặp khó khăn à nha. Cái lạ nữa là gửi tiền vô ngân hàng này là xác định luôn, không những không có lãi mà còn có khả năng bị mất vĩnh viễn nữa.
Tóm lại, các anh đừng có dại mà đưa hết tiền lương cho vợ. Phải biết giữ lại phần nào mà phòng thân. Đàn ông chân chính, đi ra đường phải có tiền, mà là tiền triệu, chứ không phải mấy xu lẻ như mấy ông Nhật đâu.
Nhật là chuyện của Nhật, các bà vợ ở bển người ta chăm ăn trưa, ăn tối từ A – Z cho chồng; đàn ông nước họ, có lẽ cũng mải làm việc, chẳng có thời gian bù khú bạn bè, những khoản chi đám cưới, đám ma chắc cũng nhẹ gánh, chứ ở Việt Nam, các bà vợ mà nhăm nhe thu hết tiền xong phát lại cho chồng một ít thì chúng tôi chỉ có nước ngộp thở.
Nói thẳng ra, đàn ông chúng tôi nhiều nhu cầu, nhiều mối quan hệ xã hội cần lo, nhiều thứ cần tiêu chẳng kém các bà vợ, chẳng qua chúng tôi không cằn nhằn, không ỉ ôi mỗi ngày để các bà biết thôi.
Không phải lấy vợ xong là mình có mỗi vợ, cũng phải có lúc chè thuốc, nhậu nhẹt với anh em, có lúc cần mua cái điện thoại mới, nâng cấp phụ kiện xe máy, xe đạp, đóng quỹ cơ quan…
Nếu chỉ có vài đồng lẻ trong túi, ăn uống chi tiêu gì cũng phải đắn đo, cứ vậy hoài, tự bản thân anh ta sẽ thấy mình hèn kém, nhu nhược và mất tự tin hơn, chứ chưa cần đến sự “đánh giá” từ người khác. Các mối quan hệ công việc, bạn bè, xã hội… cũng vì thế mà dần bị thu hẹp.
Mà cái cảnh chìa tay xin vợ tiền (do mình làm ra hẳn hoi, chứ không phải tiền của vợ) nó cứ… củ chuối thế nào, mất hình tượng đàn ông lắm!
Thử hỏi, các chị vợ nếu bị chồng “lột” sạch tiền lương, mỗi ngày phát cho ít tiền lẻ, đến khi cần mua… đồ lót cũng phải hỏi chồng thì có sướng không? Đàn ông chúng tôi cũng vậy.
Tự giữ lại một chút cho mình, mà nhấn mạnh lại, là tiền chúng tôi tự làm ra, thì bị gọi là “quỹ đen”, tiền của mình mà phải tiêu vụng tiêu trộm, chán lắm các bà vợ ơi!
Được cái, vợ tôi không đến nỗi như thế! Chúng tôi có một quỹ chung để chi dùng cho việc ăn uống, tiền học các con, điện nước, hai người đóng góp một khoản bằng nhau mỗi tháng, còn lại, tiền ai nấy xài.
Những chuyện hiếu hỷ thuộc về quan hệ riêng, hai vợ chồng tự chi, việc chung thì lấy ở quỹ. Mấy đồ mắc mắc tiền hay sang sửa nhà cửa, tôi sẽ chi, còn vợ đóng góp thêm” – anh Đỗ Anh Minh (TP. Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn nêu quan điểm như thế.
Các bà vợ là "ngân hàng" kỳ cục, tiền vào thì dễ, tiền ra khó như lên trời.
Anh Nguyễn Văn Tình (Hà Nội), người đang đau khổ vì đã đưa hết 100% lương cho vợ và nhận lại “trợ cấp” hằng ngày ấm ức chia sẻ: “Theo tôi, chỉ nên giao cho vợ khoảng 70% thu nhập cho vợ quản thôi.
Tôi không đánh đồng tất cả chị em phụ nữ, nhưng đưa hết tiền cho vợ như tôi cũng rắc rối lắm. Công ty tôi trả tiền qua thẻ ATM, và vợ “xung phong” cầm luôn thẻ. Hàng tháng, tôi chỉ nhận được thông báo vào điện thoại là đã có tiền, chứ hiếm khi được sờ đến tiền thật.
Vợ cũng vô tư chẳng mấy khi tự giác đưa chồng tiền to, mà sáng sáng thả vài trăm vào ví (được vài hôm lại kiểm tra xem còn hay hết).
Tôi khổ nhất là đến lúc cần chi tiêu việc gì là y như rằng bị tra khảo kiểu: Em vừa đưa anh 500.000 đồng hôm trước, tiêu gì mà đã hết?
Giải thích thì cũng không tiện, chẳng nhẽ lại kê khai chi ly anh bao café thằng bạn bao nhiêu, đóng quỹ đi thăm người ốm ở cơ quan bao nhiêu, ăn sáng bao nhiêu, đổ xăng bao nhiêu? Nói thật, việc đó… đàn bà lắm!
Tôi công nhận, khi có công to việc lớn như cần mua điều hòa, tủ lạnh, ti vi, hỏi thì vợ vẫn có và vẫn đưa, chứng tỏ vợ tôi vun vén tài chính rất siêu, nhưng cái cảnh khi cần làm gì lại… “xin” vợ, đi mua đồ cũng là vợ kè kè cái ví rồi tự tay trả, tôi ngán lắm, vì chả còn tí “hình ảnh” nào cả.
Đàn ông chúng tôi cũng cần tự chủ được tài chính của mình chứ! Đề nghị các mẹ, mẹ nào đang như vợ tôi thì hãy nghĩ thoáng hơn một tí, đừng kìm kẹp đàn ông chúng tôi quá!”.
“Quản thúc” tiền chồng như các bà vợ Nhật, phụ nữ Việt chớ nên bắt chước
Lắng nghe những ông chồng than thở, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ trên phạm vi hẹp các ông chồng thuộc độ tuổi 28 – 40, có từ 1 – 3 con, sống tại thành phố, có người đã có nhà riêng, có người đang thuê nhà, và kết quả, cách phân bổ tiền trong gia đình của họ được thể hiện qua 4 phương thức chính.
Phương thức 1: Đàn ông là trụ cột gia đình, đi ra đường cần phải có nhiều tiền trong ví để chi trả công việc, giao tiếp, những chuyện bất trắc hoặc việc lớn như sửa nhà, mua xe...
Hàng tháng, họ sẽ đưa vợ một khoản cố định, ước chừng vợ đủ lo tài chính gia đình, còn lại một phần lương, các khoản thưởng, tiền kiếm thêm… họ sẽ tự giữ để chi dùng cá nhân.
Phương thức 2: Tự giữ lại một phần nhỏ (khoảng 20% thu nhập) để chi trả các khoản tiêu vặt cá nhân, còn lại giao hẳn cho vợ “tay hòm chìa khóa” để vợ tự cân đối chi tiêu tất cả việc lớn, việc nhỏ trong gia đình nội ngoại.
Phương thức 3: Hai vợ chồng cùng đóng góp khoảng 50% thu nhập vào tài khoản chung, vợ sẽ quản, chi tiêu trong gia đình, phần còn lại thì mỗi người tự giữ tiêu riêng cho bản thân. Những việc hệ trọng cần chi nhiều tiền, hai vợ chồng cùng chi hoặc rút ra từ quỹ chung.
Phương thức 4: Trên danh nghĩa, đưa vợ giữ toàn bộ lương và yêu cầu vợ lo tất cả các khoản lớn nhỏ của gia đình, có cả mua sắm quần áo, vật dụng cá nhân cho mình và “lại quả” tiền tiêu vặt, tương tự như các ông chồng Nhật.
Trên thực tế, họ cũng xoay sở để lập “quỹ đen” riêng, bí mật với vợ. Cách các ông chồng ứng xử với tiền, có lẽ phần nào phản ánh mức độ “chặt chẽ” tài chính của các bà vợ.
Tôi nghĩ, các chị em chăm chăm đòi chồng đưa hết tiền lương cho, vì cứ tưởng quản lý tài chính là quản được chồng, chồng có muốn lăng nhăng bên ngoài cũng không được, muốn mua quà cho gái cũng không xong, muốn nhậu nhẹt với bạn bè cũng không có tiền… thật là quá dại!
Bởi lẽ, nếu muốn, các anh chồng có thể lập “quỹ đen”, có thể vay mượn bạn bè, thiếu gì cách, quan trọng nhất là họ biết cân bằng các khoản kiếm được, và lúc vợ hay gia đình cần có khoản lớn để chi dùng, các anh sẵn sàng bỏ ra, thế là ổn rồi.
Chị em đừng bắt chước các bà vợ Nhật, vừa mệt người vừa tốn thời gian. Ảnh minh hoạ.
Mà này các chị, các chị có thích lãng mạn, có muốn đến dịp lễ Tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày bắt đầu yêu, ngày cưới, các anh mua hoa, mua váy, mua son tặng vợ không? Có, đúng không?
Ô hay, thế nếu các chị thích cái kiểu chăm chăm rút cạn tiền của chồng, hàng tuần chỉ đút vào ví anh ta có vài trăm, cuối tuần lại soi xem còn hay hết (để thả thêm tiền vào đã đành.
Đằng này, thể nào cũng sẽ có màn tra khảo hay cằn nhằn chồng tiêu gì mà nhanh thế), kiểm tra từng túi quần, túi áo, đế giày xem chồng có giắt tiền giấu ở đâu không… thì các anh lấy tiền đâu ra để chi trả cho những khoản lãng mạn kia?
Phụ nữ chúng mình rất sai khi nghĩ rằng chúng ta mới phải tiêu tốn đủ thứ tiền cho con cái, điện nước, ga dầu mắm muối, tiền học, tiền nọ tiền kia, còn đàn ông thì chẳng cần tiêu pha gì nhiều!
Họ sống có vẻ đơn giản thế thôi, nhưng có nhiều nhu cầu, nhiều khoản phải chi như chúng ta. Phụ nữ chẳng ngại từ chối bạn bè rủ đi ăn uống, không ngượng khi hô hào đồng nghiệp chung chi, hoặc có thể dửng dưng với một món đồ công nghệ đắt tiền… nhưng đàn ông thì khác.
Hơn nữa, chẳng có người đàn ông nào tự tin ra ngoài khi trong túi chỉ có vài đồng, dù họ là thanh niên hay đã lập gia đình. Và cũng chẳng có một gã đàn ông nào chịu được cảnh hàng tháng phải ngửa tay xin tiền vợ, trong khi đó là tiền mình làm ra.
Chúng ta sẽ khó chịu khi tự dưng phải “cống nạp” hết lương cho ai đó, đúng không, vậy thì họ cũng thế thôi!
Thế nên, chị em đừng bắt chước các bà vợ Nhật làm gì cho đau đầu và tốn thời gian (nội việc dậy sớm, nghĩ đủ món thay đổi để làm cơm trưa cho chồng đã thấy đuối rồi), đã vậy còn bị mang tiếng là “kèn kẹt” với chồng, sống dựa vào tiền của chồng, mà việc lớn việc nhỏ đều phải qua tay.
Hãy cứ để chồng có không gian để thở, và để họ làm trụ cột gia đình, nếu họ muốn, và chúng ta chỉ nên cầm một khoản vừa đủ cho chi tiêu hàng tháng thôi, nhé!