Quỹ Tài chính khí hậu sẽ chi trả cho các hoạt động làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Ảnh: Int
Theo nghiên cứu từ tổ chức nghiên cứu các vấn đề toàn cầu ODI, các nước phát triển tiếp tục không hoàn thành việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính khí hậu quốc tế. Với mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm – được các quốc gia phát triển nhất trí ở Copenhagen vào năm 2009 – hiện đã bị bỏ lỡ trong năm thứ 11 liên tiếp.
Cụ thể, Hoa Kỳ đã cung cấp 9 tỷ USD vào năm 2021; chỉ chiếm 21% phần đóng góp công bằng mà họ cần thực hiện. Nếu Hoa Kỳ muốn đáp ứng sự thiếu hụt về tài trợ của mình, nước này sẽ cần cung cấp thêm 34 tỷ USD mỗi năm.
Tám quốc gia phát triển khác – bao gồm Na Uy, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan - đã đạt được mục tiêu phần đóng góp công bằng của họ để hướng tới mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm.
Vương quốc Anh – quốc gia bị chỉ trích hồi đầu năm nay vì cố gắng rút lại các cam kết tài chính về khí hậu – chỉ cung cấp 2/3 số tiền phần đóng góp công bằng của họ.
Về tài chính thích ứng (để đáp ứng mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi khoản này, từ 20 tỷ USD lên 40 tỷ USD) Hoa Kỳ có mức đóng góp thiếu hụt lớn nhất, với khoản đóng góp bị thiếu là 14 tỷ USD so với phần đóng góp công bằng mà họ cần thực hiện.
Đồng thời, không có quốc gia nào trong số các nước Úc, Tây Ban Nha, Canada và Vương quốc Anh đáp ứng được phần đóng góp công bằng mà các quốc gia này cần thực hiện. Để đáp ứng đủ, mỗi nước trong số này nên cung cấp thêm từ 500 triệu đến 1 tỷ USD tiền tài trợ.
Thành viên nghiên cứu ODI, Tiến sĩ Laetitia Pettinotti đánh giá: “Đó là sự thất bại hoàn toàn về trách nhiệm của các nước phát triển, những nước chịu trách nhiệm lịch sử về biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia tự nhận mình là quốc gia dẫn đầu về khí hậu trên thế giới - Vương quốc Anh, Canada và Úc, tất cả đều là thành viên của Nhóm tiên phong toàn cầu về Tài chính thích ứng – nhưng lại đang không đóng góp một cách công bằng. Hiểu được tiến trình của từng quốc gia trong việc cung cấp phần đóng góp công bằng của họ là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tạo ra trách nhiệm giải trình và tham vọng cần thiết để đẩy nhanh hành động về khí hậu.”
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc khí hậu của Mercy Corps, David Nicholson cho biết: “Vào thời điểm mà các thảm họa do khí hậu gây ra đang trở nên thường xuyên và tàn khốc hơn bao giờ hết, tầm quan trọng của việc các quốc gia đóng góp được phần tài chính thích ứng và khí hậu công bằng là không thể phủ nhận. Mục tiêu 100 tỷ USD lẽ ra cần phải được đạt được ba năm trước, tuy nhiên các nước giàu vẫn chưa thực hiện được các cam kết của họ, càng làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin giữa các nước phát triển và đang phát triển".
Điều quan trọng là nguồn tài trợ cho khí hậu và thích ứng phải minh bạch hơn, mới hơn và mang tính bổ sung hơn, được cung cấp dưới hình thức tài trợ hoặc các công cụ ưu đãi khác, với cơ chế giải trình trách nhiệm cho những người đóng góp và để nó tạo điều kiện cho địa phương có nhiều trách nhiệm hơn cũng như khả năng phản ứng nhanh hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng.
Việc thực hiện các cam kết tài chính này không chỉ là một nghĩa vụ đối với những người phải chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu, đây là một bước thiết yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông David Nicholson nhấn mạnh.