"Thế giới đứng trước bước ngoặt lịch sử": Ngày tàn của dầu, than sắp đến

Trang Ly |

Đó là nhận định của Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - Fatih Birol.

Lần đầu tiên, nhu cầu dầu, khí đốt và than đá của thế giới được dự báo sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này do sự tăng trưởng "ngoạn mục" của công nghệ năng lượng sạch hơn và ô tô điện, AFP trích lời Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hôm 12/9.

Giám đốc điều hành Fatih Birol viết trong một chuyên mục trên tờ Financial Times rằng "Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm của IEA dự kiến ​​công bố vào tháng 10 tới sẽ cho thấy "thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử".

Thế giới đứng trước bước ngoặt lịch sử: Ngày tàn của dầu, than sắp đến - Ảnh 1.

Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ảnh: Abcgazetesi

Fatih Birol cho biết, sự thay đổi này sẽ có ý nghĩa đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bước ngoặt đáng chú ý này sẽ mang lại đỉnh điểm về phát thải khí nhà kính toàn cầu. "Nhiên liệu hóa thạch sẽ còn tồn tại với chúng ta trong nhiều năm tới - nhưng nhìn vào những con số của chúng tôi, chúng ta có thể đang chứng kiến ​​sự khởi đầu của sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch".

Là chuyên gia năng lượng, Fatih Birol cho biết sự thay đổi này chủ yếu được thúc đẩy bởi "sự tăng trưởng ngoạn mục" của công nghệ năng lượng sạch và xe điện, cùng với những thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc và hậu quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất, nhưng Fatih Birol cho biết Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc sẽ giảm việc sử dụng than.

Thế giới đứng trước bước ngoặt lịch sử: Ngày tàn của dầu, than sắp đến - Ảnh 2.

"Chúng ta có thể đang chứng kiến ​​sự khởi đầu của sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch". Ảnh: Politico

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của IEA cảnh báo rằng sự sụt giảm dự kiến ​​về nhu cầu dầu, khí đốt và than "không đủ mạnh để đưa thế giới vào con đường hạn chế sự nóng lên toàn cầu" ở mức 1,5 độ C - mục tiêu ưu tiên theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Ông nói thêm rằng việc đạt được mục tiêu này "sẽ đòi hỏi các chính phủ phải có hành động chính sách mạnh mẽ hơn và nhanh hơn đáng kể".

Cảnh báo của Liên Hợp Quốc

Số phận của nhiên liệu hóa thạch sẽ là tâm điểm của các cuộc tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tại Dubai - một nhà sản xuất dầu lớn, từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng 12.

Trong một báo cáo tiến độ ngày 8/9, Liên hợp quốc cảnh báo rằng thế giới "không đi đúng hướng" để đáp ứng các mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris.

Báo cáo cho biết lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải đạt đỉnh vào năm 2025 và giảm mạnh sau đó để duy trì mục tiêu 1,5 độ C.

Liên hợp quốc cho biết, việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch mà lượng khí thải không thể thu hồi hoặc bù đắp cũng là cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

IEA đã dự đoán trong một báo cáo vào tháng 6 rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh điểm trước cuối 2030, nhưng đây là lần đầu tiên cơ quan này đưa ra đánh giá như vậy đối với than và khí đốt. 

Thế giới đứng trước bước ngoặt lịch sử: Ngày tàn của dầu, than sắp đến - Ảnh 4.

"Thời kỳ hoàng kim của khí đốt" - được IEA gọi lần đầu tiên vào năm 2011 - "hiện sắp kết thúc". Ảnh: iurii/Shutterstock

"Dự báo mới nhất của chúng tôi cho thấy rằng sự phát triển của xe điện trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ đang trên đà đạt đỉnh trước năm 2030" - Fatih Birol nhận định.

Ông cho biết sau khi duy trì ở mức "cao" trong thập kỷ qua, nhu cầu than sẽ đạt đỉnh "trong vài năm tới". Và "Thời kỳ hoàng kim của khí đốt" - được IEA gọi lần đầu tiên vào năm 2011 - "hiện sắp kết thúc", với nhu cầu sẽ giảm ở các nền kinh tế tiên tiến vào cuối thập kỷ này.

Đây là kết quả của việc năng lượng tái tạo ngày càng vượt trội so với khí đốt để sản xuất điện, sự gia tăng của máy nước nóng bơm nhiệt và sự chuyển dịch nhanh chóng của châu Âu khỏi khí đốt.

Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu 

Simone Tagliapietra, chuyên gia về khí hậu và thành viên cấp cao tại Tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, nói rằng các dự báo mới của IEA "minh họa rằng mặc dù vẫn còn chậm lại nhưng quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang tiến triển vững chắc".

Ông nói: "Khi các công nghệ như gió và Mặt trời hiện có chi phí cạnh tranh, quá trình chuyển đổi sẽ chuyển từ định hướng chính sách sang định hướng công nghệ".

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cho biết trong một lưu ý rằng các dự báo mới của IEA nêu bật "sự thành công trong luật ủng hộ năng lượng tái tạo".

Các nhà phân tích của RBC cho biết: "Mặc dù vậy, vẫn còn cơ hội để các nhà hoạch định chính sách làm nhiều hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, với các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp các nền kinh tế lớn trong các lĩnh vực như lợi nhuận tái tạo và khả năng chi trả".

IEA là cơ quan năng lượng liên chính phủ toàn cầu được thành lập vào năm 1974 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

Nguồn: AFP, CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại