Cho phép các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ điều trị tại nhà là mô hình đang được nhiều nước áp dụng.
Giới chuyên gia nhận định, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi mà biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện. Mới đây nhất biến thể Omicron đã lây lan ra gần 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số bệnh nhân cần nhập viện vì biến thể này có thể gia tăng. Do đó, việc áp dụng mô hình điều trị tại nhà đối với những bệnh nhân thể nhẹ ngày càng cho thấy hiệu quả.
Những nước đi đầu
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ngay từ đầu đã khuyến cáo bệnh nhân Covid-19, thuộc nhóm có triệu chứng nhưng có thể hồi phục ở nhà, hoặc nhóm xét nghiệm dương tính với virus nhưng không có triệu chứng, không cần nhập viện điều trị mà hãy theo dõi tại nhà, uống nhiều nước và giữ liên hệ với bác sĩ.
Các nhóm này được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần chăm sóc y tế. Họ chỉ có thể tiếp xúc với người khác ít nhất 10 ngày tính từ lúc xuất hiện triệu chứng, và ít nhất 24 giờ sau khi không bị sốt (và không cần dùng thuốc hạ sốt), cũng như các triệu chứng khác được cải thiện. Trong trường hợp bệnh tình trở nặng, chẳng hạn như khó thở, người bệnh nên gọi vào tổng đài xử lý các tình huống khẩn cấp là 911.
Vương quốc Anh cũng có cách áp dụng tương tự ở trường hợp bệnh nhẹ hoặc không thể hiện triệu chứng. Bệnh nhân ở bệnh viện muốn về cần có xét nghiệm trước 48 tiếng. Khi về nhà, họ phải tự cách ly trong 14 ngày kể từ lần xét nghiệm dương tính cuối cùng.
Dịch vụ y tế quốc gia của Anh (NHS) cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ hoặc đề nghị trợ giúp. Từ đầu dịch, NHS phối hợp Dịch vụ tình nguyện hoàng gia để thành lập mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 tận nhà. Những người tình nguyện giúp đi chợ hoặc mua thuốc cho các bệnh nhân.
Ở Đông Nam Á, Campuchia và Thái Lan là hai nước sớm nhất quyết định đưa vào triển khai điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Campuchia đã triển khai mô hình này từ tháng 4 năm nay. Mô hình này ban đầu được áp dụng chủ yếu ở Thủ đô Phnom Penh. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân và đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tại nhà riêng nhằm tránh nguy cơ lây lan sang các hộ gia đình lân cận.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Ngov Kang, những người được phép điều trị tại nhà phải trong tình trạng sức khỏe ổn định và đảm bảo điều kiện cách ly. Việc điều trị tại nhà cũng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và người bệnh không phải là người nghèo, có thể tự đảm bảo cuộc sống khi thực hiện biện pháp này.
Trong khi đó, theo tờ Bangkok Post, đây là giải pháp đã được chính phủ Thái Lan phê chuẩn và Bộ Y tế công cộng chịu trách nhiệm triển khai nhằm đáp ứng tình trạng số ca Covid-19 tiếp tục tăng (gần 9.000 trường hợp/ngày) và giảm tải cho hệ thống điều trị y tế. Những đối tượng theo dạng này sẽ được phân phát các thiết bị y tế cá nhân, bao gồm nhiệt kế và máy đo nồng độ ôxi trong máu, cũng như khẩu phần cho ba bữa ăn mỗi ngày và thuốc men. Hằng ngày, nhân viên y tế sẽ thực hiện cuộc gọi video nhằm kiểm tra tình hình sức khỏe người bệnh.
Cả Thái Lan và Campuchia đều hỗ trợ chi phí thuốc men và ăn uống cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.
Áp dụng linh hoạt công nghệ vào quá trình điều trị tại nhà
Tại Ấn Độ, việc chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà được thực hiện thông qua hình thức điều trị trực tuyến hoặc qua điện thoại. Theo đó bệnh nhân cần mở sổ theo dõi sức khỏe điện tử, khai báo thường xuyên, chính xác thông tin diễn biến sức khỏe hàng ngày để các bác sĩ có thể chẩn đoán kịp thời và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Mô hình cho F0 điều trị tại nhà cũng đang được thúc đẩy ở Hàn Quốc trong bối cảnh số ca mắc mới theo ngày ở nước này lần đầu tiên đã vượt 7.000 ca, đẩy hệ thống y tế vào tình trạng thiếu giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Nhằm giúp bệnh nhân bớt lo lắng khi điều trị tại nhà, Hàn Quốc lên kế hoạch mở rộng cơ sở y tế quản lý bệnh nhân điều trị tại nhà từ cấp bệnh viện đến các trung tâm y tế, bổ sung hệ thống hỗ trợ tư vấn về sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân.
Các trung tâm quản lý chữa bệnh tại nhà của mỗi bệnh viện ở Hàn Quốc luôn có nhân viên, chuyên gia y tế thường trực 24/7, thực hiện tư vấn qua điện thoại, video trực tuyến và sẵn sàng điều động nhân lực tham gia cấp cứu bệnh nhân bất kỳ lúc nào.
Còn tại Nam Phi, nhân viên y tế quản lý bệnh nhân điều trị ở nhà qua điện thoại. Bệnh nhân có nhiệm vụ báo cáo chi tiết về tình trạng sức khỏe theo đúng yêu cầu của cơ quan y tế, đồng thời thực hiện cách ly nghiêm ngặt để tránh lây lan virus ra cộng đồng. Các chuyên gia y tế thường xuyên trao đổi, cập nhật, tư vấn, hướng dẫn người bệnh tự theo dõi sức khỏe.
Tại Nga, sau khi tiếp nhận thông báo về ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, bác sĩ sẽ tới thăm khám trực tiếp để xác định bệnh nhân thuộc diện điều trị tại nhà hay phải nhập viện. Nếu điều trị tại nhà, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và yêu cầu bệnh nhân phải nghiêm túc cách ly.