Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên xấu đi và hiện đã xuống đến mức thấp nhất trong 40 năm qua. Điều này dẫn đến nguy cơ xung đột. Và nếu một cuộc chiến nổ ra, đó sẽ không phải là chuyện riêng giữa Mỹ và Trung Quốc, nó có thể kéo theo nhiều nước khác vào cuộc.
Trong các tuyên bố công khai, không có bất kỳ nước nào nói muốn thấy xung đột trực tiếp nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo các chuyên gia phân tích quân sự, một khi xung đột xảy ra, các nước trong khu vực sẽ phải chọn phe và hầu hết sẽ đứng về phía Mỹ vì các hiệp ước và liên minh sẵn có.
Trong suốt 2 năm qua, Mỹ-Trung va chạm nhau trong rất nhiều vấn đề: từ chiến tranh thương mại đến vấn đề trộm cắp công nghệ, dịch bệnh Covid-19, vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông…
Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của Tập đoàn Rand, một nhóm chuyên gia cố vấn độc lập của Mỹ nhận định, căng thẳng đang làm cho khu vực châu Á bị phân cực sâu sắc. Cả Bắc Kinh và Washington đều muốn có được sự ủng hộ của các nước ở châu Á và một số nước khác.
Theo ông Heath, nếu mối quan hệ trở nên tồi tệ và nguy cơ chiến tranh trở nên rõ ràng đối với tất cả, các quốc gia có khả năng sẽ sát cánh với Mỹ nhất trong cuộc đối đầu với Trung Quốc bao gồm Nhật Bản và có thể là Australia, Philippines… tùy thuộc vào hoàn cảnh của cuộc chiến.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn tương đối ổn định và chưa bị rơi xuống mức thù địch công khai.
“Trung Quốc có ít bạn bè hơn để hỗ trợ họ trong một cuộc xung đột, vì vậy Bắc Kinh có thể tập trung vào việc làm giảm số lượng các quốc gia ngả theo Mỹ”, Heath nói.
Ông Heath nói thêm: “Nga có thể cung cấp hỗ trợ và thông tin tình báo cho Trung Quốc nhưng có lẽ họ sẽ thích đứng bên lề để xem hai siêu cường ‘ẩu đả’ hơn là trực tiếp tham gia”.
Kết quả một nghiên cứu của Pew được công bố vào tháng 12/2019 cho thấy, Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản lần lượt xếp từ vị trí thứ 2 đến thứ 4 trong cuộc khảo sát các quốc gia trên thế giới coi Mỹ là đồng minh đáng tin cậy hơn Trung Quốc. Vị trí đầu tiên thuộc về Israel. Trong cuộc thăm dò này, Ấn Độ và Indonesia lần lượt đứng ở vị trí thứ 12 và 13.
Giới phân tích cho rằng, mối quan hệ song phương với các nước này có thể củng cố niềm tin của Mỹ và thêm đòn bẩy để Washington đối phó với Bắc Kinh.
Các nước châu Á sẽ phản ứng ra sao nếu Mỹ-Trung xung đột?
“Cá nhân tôi tin rằng nếu có chuyện gì xảy ra ở Đài Loan, Hàn Quốc sẽ giữ thái độ trung lập hơn so với yêu cầu của Mỹ vì Seoul rất coi trọng ý tưởng về chính sách một Trung Quốc”, ông Park Ihn-Hwi, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Hàn Quốc nhận định.
“Đối với vấn đề Biển Đông, Hàn Quốc sẽ áp dụng nguyên tắc ‘dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu’. Điều này sẽ có lợi hơn cho Mỹ… Nếu có chuyện gì đó xảy ra ở Biển Đông, Hàn Quốc sẽ cố gắng đưa ra một số hành động thông qua các tổ chức quốc tế để tìm kiếm các lựa chọn ngoại giao đáng tin cậy”, giáo sư Park Ihn-Hwi nói thêm.
Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề về Biển và Luật Biển tại Đại học Philippines cho rằng, nếu xảy ra xung đột Trung-Mỹ, Philippines ban đầu có thể sẽ giữ thái độ trung lập nhưng sau đó đứng về phía Mỹ.
“Chắc chắn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ do dự bởi ông ấy có mối quan hệ cá nhân tốt với phía Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ Philippines sẽ tuân thủ các quy định của Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ (MDT) mà Washington và Manila ký năm 1951”, Batongbacal nói.
Gavin Newsham, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, cho rằng nếu mọi thứ đi đến “điểm sôi” của một cuộc chiến thực sự, Tokyo có khả năng sẽ tham gia vào phe của Mỹ.
Cũng không thể không nhắc tới Ấn Độ - một nhân tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, và Ấn Độ chắc chắn sẽ xuất hiện trong bất kỳ kịch bản xung đột Mỹ-Trung nào. Trung Quốc và Ấn Độ vừa qua đã có va chạm tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ trong khi con số thương vong của phía Trung Quốc vẫn chưa được xác nhận. Cuộc đụng độ giữa binh sỹ Trung Quốc và binh sỹ Ấn Độ trên dãy Himalaya hồi giữa tháng 6 vừa qua là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong hơn 40 năm qua giữa hai bên.
Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho biết, học thuyết quân sự của Ấn Độ tập trung vào Ấn Độ Dương, nhưng nếu tình hình ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở Himalaya xấu đi, Ấn Độ sẽ can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông.
Mối quan tâm hàng đầu của các nhà phân tích quân sự là làm thế nào để ngăn chặn xung đột vũ trang lan rộng một khi nó nổ ra.
Malcolm Davis, nhà phân tích cao cấp chuyên về an ninh Trung Quốc tại Viện Chính sách chiến lược Australia ở Canberra cho rằng, nếu nổ ra chiến tranh, các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, hay ở các căn cứ ở Australia có thể là mục tiêu tấn công của Trung Quốc và xung đột sẽ lan theo chiều ngang.
“Nga sẽ phản ứng như thế nào? Liệu Nga có thể tranh thủ cuộc xung đột Mỹ-Trung ở châu Á để thách thức NATO hay không? Đó sẽ là kịch bản nguy hiểm có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng đó chỉ là tình huống xấu nhất”, Davis nói./.