Các nhân tố Ukraine cần có để lật ngược thế cờ trước Nga

Trung Hiếu |

Ukraine đang ở trong thế rất khó khăn trước quân đội Nga trên chiến trường. Nhưng gói viện trợ quân sự mới của Mỹ (trị giá tới 61 tỷ USD) lại đang thắp lên hy vọng cho ban lãnh đạo và một bộ phận dân chúng Ukraine. Nếu muốn thực sự lật ngược thế cờ trước Nga, Ukraine cần tới những nhân tố gì vào lúc này?

Phương án Ukraine có thể thực hiện để xoay chiều cục diện xung đột với Nga

Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự lớn dành cho Ukraine, sau đó Tổng thống Mỹ cũng ký ban hành luật viện trợ gần 61 tỷ USD đó cho quốc gia Đông Âu này. Một số hạ nghị sĩ Mỹ đã vẫy cờ Ukraine ăn mừng điều này. Tổng thống Biden cũng gọi ngày ký ban hành luật này là “ngày tốt lành cho hòa bình thế giới”.

Nhưng những người chỉ trích gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine đã đặt câu hỏi liệu quốc gia này sẽ làm được gì với số tiền và vũ khí đạn dược từ gói này. Liệu viện trợ khủng này có giúp Ukraine đánh bại được quân Nga hay không?

Các nhân tố Ukraine cần có để lật ngược thế cờ trước Nga- Ảnh 1.

Pháo phản lực khai hỏa trên chiến trường Ukraine. Ảnh: AFP.

Vẫn có khả năng Ukraine lật ngược được thế cờ nhờ vào gói viện trợ mới của Mỹ cũng như dòng viện trợ tiếp tục từ EU. Thế nhưng nhiệm vụ này không hề dễ dàng.

Trước tiên cần xem xét Ukraine cần gì cho một chiến dịch phản công trong tương lai. Họ sẽ phải đánh xuyên qua các vị trí của quân Nga. Nhưng họ khó lòng vu hồi quân Nga được (tức đành vòng qua sườn và lưng quân Nga), bởi vì khi làm vậy, họ sẽ phải tấn công xuyên qua lãnh thổ Nga. Khi ấy, ngoài khó khăn về hậu cần do khoảng cách lớn, Ukraine còn đối diện với nguy cơ làm leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Còn phương án tấn công bằng đường không hoặc đổ bộ đường biển cũng không suôn sẻ lắm. Cách tiếp cận này đòi hỏi phải có năng lực vận tải thậm chí còn lớn hơn nữa so với hiện thực của Ukraine.

Tuy nhiên, nếu Ukraine thành công trong việc đánh xuyên chiến tuyến, khi ấy họ có thể cô lập và đánh bại lực lượng Nga. Thí dụ, nếu quân Ukraine đột phá ở tỉnh Zaporizhzhia, họ có thể tiến tới Biển Azov, lấy đi của lực lượng Nga ở Crimea và Kherson các hỗ trợ hậu cần cũng như quân tăng viện. Nếu khi ấy phía Nga hạ vũ khí, Ukraine có thể giành lại một nửa lãnh thổ mà Nga mới nắm giữ thêm kể từ năm 2014.

Ukraine từng cố gắng chọc thủng phòng tuyến Nga. Nhưng chiến dịch đó, vào năm 2023, xảy ra đồng thời tại một số nơi, trái với tư vấn quân sự của Mỹ.

Cách tiếp cận hứa hẹn hơn là tập trung vào một địa điểm nhằm tạo ra cửa mở có thể rộng từ 10 - 20km. Mục tiêu sẽ là đẩy quân Nga lùi đủ xa để họ không thể sử dụng hỏa lực trực tiếp nã vào xe di chuyển qua đột phá khẩu.

Thuốc nổ, xe ủi, thiết bị làm cầu và hệ thống gây nhiễu (chống UAV và liên lạc Nga) cũng nên tập trung hết vào một điểm. Nếu Ukraine may mắn chuẩn bị được công phu và bí mật cho cuộc tấn công thì Nga sẽ không có đủ thời gian để tổ chức lực lượng dự bị và nhanh chóng vá lỗ hổng trên phòng tuyến.

Khi tấn công trực diện vào một phòng tuyến được chuẩn bị kỹ càng, phía Ukraine phải đạt được ưu thế 3 trên 1 thì mới mong tạo được đột phá.

Để có ưu thế 3 trên 1 ở đây, Ukraine sẽ cần khoảng 150.000 quân (tăng thêm ít nhất 100.000 quân so với mức thông thường).

Một khi xuyên thủng được phòng tuyến Nga, quân Ukraine có thể mở rộng hành lang đột phá khẩu và thọc sâu hơn nữa. Cuối cùng, nếu thuận lợi, Ukraine có thể tìm kiếm cơ hội bao vây và chia cắt tất cả các lực lượng Nga đang kiểm soát vùng lãnh thổ trước đó do Ukraine nắm giữ nằm về phía Tây của hành lang đột phá khẩu này. Giờ đây quân Ukraine có thể tấn công lực lượng Nga từ sau lưng.

Luật tòng quân mới của Ukraine có thể đem lại cho nước này thêm khoảng 400.000 tân binh để thực hiện các ý đồ chiến lược trên chiến trường.

Công tác tư tưởng nơi tuyến đầu

Ngoài ra, để lật ngược thế cờ, Ukraine còn cần trấn an người dân sát vùng chiến sự. Mặc dù phương Tây hoan nghênh Mỹ nối lại gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD dành cho Ukraine, nhiều người dân Ukraine ở vùng tiền tuyến lo sợ khi ấy xung đột sẽ kéo dài với nhiều đổ máu.

Oleg - một người dân sống ở Saltivka thuộc thành phố Kharlov mà thời gian qua liên tục bị Nga tập kích bằng tên lửa, cho rằng gói viện trợ 61 tỷ USD sẽ không giúp Ukraine giành chiến thắng trước Nga.

Oleg chia sẻ nhận định: “Theo tôi cũng như tất cả bạn bè tôi, số tiền trên không giúp ích gì cho Ukraine”. Oleg nói tiếp: “Số tiền mới sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến. Cả dân thường và quân nhân đều mệt mỏi. Người dân muốn hòa bình và đàm phán chứ không phải là tiếp tục xung đột”.

Tình hình Kharkov ngày càng căng thẳng trong vài tháng qua, khi còi báo động phòng không vang lên liên tục, với các cuộc tấn công mới từ phía Nga diễn ra gần như hàng ngày. Hôm 22/4/2024, Nga đã không kích phá hủy một phần tháp truyền hình của Kharkov, gây ra gián đoạn trong tín hiệu truyền hình.

Tờ Kyiv Independent gần đây đưa tin, cuộc phản công mới của Nga có thể nhằm vào Kharkov. Từ Guardian dự báo thành phố này có thể trở thành một Aleppo thứ 2.

Binh lính Ukraine nói với tờ Daily Beast rằng Nga hy vọng kiểm soát thị trấn Chasiv Yar ở Donetsk vào ngày 9/5 - Ngày Chiến thắng trong Thế chiến II của Nga và nhiều nước khác từng thuộc Liên Xô.

Gói viện trợ mới của Mỹ, bao gồm cả vũ khí và tiền mặt, có thể làm chậm đà tiến của quân Nga. Người dân Ukraine ở những vùng xa nơi chiến sự thở phào khi nhận được tin tức về gói viện trợ mới của Mỹ. Nhưng tâm trạng của người dân Ukraine sát tiền tuyến thì lại không như vậy. Chẳng hạn, tại Kharkov, cách biên giới Nga có 30km, nhiều cư dân Ukraine tỏ ra không hài lòng khi biết Mỹ nối lại viện trợ cho Ukraine.

Olena - nhân viên một nhà hàng địa phương tâm sự với Daily Beast rằng chị đang cân nhắc rời bỏ Kharkov để sang Đức đoàn tụ với con trai mình nếu chiến sự gia tăng trở lại trong chiến dịch tiến công dự kiến của Nga sắp tới. Chị nói rằng số vũ khí trong gói viện trợ mới chỉ như muối bỏ bể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại