Khẳng định “nơi đâu có nước, nơi đó có sự sống” không thực sự đúng đến từng chữ. Bằng chứng mới được công bố cho ta thấy một trường hợp khác, tiết lộ sự tồn tại của những điều kiện sống khắc nghiệt, đến mức cặp bài trùng nước và sự sống không thể đi đôi với nhau.
Để tìm ra những giới hạn mới của sự sống này, các nhà khoa học đã tìm tới một trong những nơi có môi trường sống cực đoan nhất Trái Đất: hồ núi lửa Dallol tại Khu vực lún Danakil thuộc Ethiopia. Vùng nước muối mặn, chết chóc này thường được cho là địa điểm nóng nhất Trái Đất, nơi không thể tồn tại sự sống; nhưng nơi đây ẩn chứa nhiều thứ khác, không chỉ có nhiệt độ cao.
Quang cảnh Dallol được tô điểm bởi những hồ nước đậm tính muối và tính acid, với những màu sắc hoang dại như xanh lá, vàng, da cam và nâu. Nhìn từ xa, nơi đây như một miền đất thuộc thế giới khác, thế nhưng bạn hãy cứ chiêm ngưỡng nó từ xa thôi nhé: những hồ nước nóng sẽ tạo nên khí gas độc, có thể gây tử vong nếu một người hít vào đủ nhiều.
Môi trường sống khắc nghiệt tột cùng của Dallol cũng là lý do khiến các nhà khoa học để mắt tới nó. Năm 2016, nhóm các nhà nghiên cứu tới từ Trung tâm Sinh vật học Vũ trụ của Tây Ban Nha, dẫn đầu bởi Felipe Gómez Gómez, đã đăng tải nghiên cứu thực địa đầu tiên về khu vực khắc nghiệt.
“Nơi đây kỳ diệu nhưng cũng muôn phần chết chóc … khí clo làm rát cả đường thở của chúng tôi”, anh Gómez nói. “Bất cứ vi sinh vật nào có thể sống trong môi trường khắc nghiệt này đều sẽ đáng chú ý dưới con mắt của một nhà sinh vật học vũ trụ”.
Kết quả nghiên cứu của Gómez mới chỉ được đăng tải vài tháng trước, chỉ ra bằng chứng về sự sống có tồn tại nơi đây; những vi sinh vật chỉ nhỏ vài nanomét đã sinh tồn được tại địa điểm khó sống nhất Trái Đất.
Thế nhưng, một nghiên cứu mới do một đội ngũ khác thực hiện đã chỉ ra điều ngược lại. “Chúng tôi tuyên bố bác lại nghiên cứu phát hiện ra sự sống tại khu vực hồ thủy nhiệt Dallol”, nhà vi sinh vật học Jodie Belilla tới từ Đại học Paris-Sud cho hay.
“Liệu có sự sống tồn tại trong hồ nặng tính acid và tính mặn như ở Dallol không? Chúng tôi nói là không, dựa trên những kỹ thuật nghiên cứu hiển vi ở mức phân tử, tuy nhiên, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều chất gây ô nhiễm trong không khí, có liên hệ với hoạt động của con người”.
Báo cáo khoa học đã được kiểm duyệt của họ cho thấy cách thực thực hiện nghiên cứu: họ sử dụng nhiều kỹ thuật phân tích khác nhau, để theo dõi nhiều mẫu lấy từ 4 khu vực thuộc vùng hồ Dallol. Để có được những mẫu này, nhóm các nhà khoa học đã thực hiện tổng cộng 3 lần thực địa trong khoảng thời gian 2016-2018. Kết quả mới được công bố trong tuần vừa rồi.
“Đa số vi khuẩn đều tương đồng với những chất bẩn vốn vẫn thấy trong các bộ dụng cụ thử nghiệm cũng như trong phòng thí nghiệm, trong khi đó, nhiều loại vi khuẩn có liên hệ với người nhiều khả năng đã phát ra từ hoạt động du lịch ở khu vực lân cận”, nhóm các nhà nghiên cứu giải thích.
Dựa vào những gì tìm được, họ cho rằng khả năng cao, khu vực này không thể hỗ trợ sự sống.
“Chúng tôi tìm ra hai rào cản vật lý hóa học ngăn sự sống tồn tại ở khu vực có nước trên Trái Đất, nhiều khả năng những nơi có điều kiện tương tự cũng vậy, cho dù chúng ta vẫn coi nước có trên bề mặt một hành tinh là điều kiện để sự sống phát triển”.
Một trong những “rào cản” là nước muối giàu magie, khiến tế bào có thể rệu rã bởi quá trình chaotrophic; rào cản còn lại là tính cực độc của tổ hợp siêu tính acid và siêu mặn.
Tuy vậy, nếu có một nghiên cứu khác có thể bác bỏ khẳng định của Belilla và cộng sự, ta hoàn toàn chào đón kết quả mới. Tính tới thời điểm hiện tại, nghiên cứu mới được đăng tải trên Nature này là cặn kẽ nhất, thử trên nhiều mẫu nhất, thế nhưng nó mới chỉ là nghiên cứu thứ hai về khu vực hồ Dallol.
Hai nghiên cứu trên cùng một khu vực cho ra hai kết quả khác nhau. Khoa học quả là khó đoán!
Tham khảo ScienceAlert