Trong lòng đại dương mênh mông, cách 1.200 km về phía tây nam Ấn Độ, tồn tại một hiện tượng kỳ lạ: "hố trọng lực" (gravity hole) – nơi lực hấp dẫn yếu nhất trên hành tinh. Tại khu vực này, mực nước biển thấp hơn đến 106 mét so với các khu vực khác trên Trái Đất. Với diện tích khổng lồ lên đến 3,1 triệu km², hố trọng lực này đã khiến các nhà khoa học đau đầu suốt nhiều thập kỷ kể từ khi được phát hiện vào năm 1948. Mãi đến năm 2023, bí ẩn này mới bắt đầu được hé lộ nhờ một nghiên cứu đột phá.
Dấu tích của một đại dương cổ đại
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, nguồn gốc của hố trọng lực này bắt nguồn từ cái chết của một đại dương cổ đại có tên Tethys, từng tồn tại giữa hai siêu lục địa Laurasia và Gondwana khoảng 180 triệu năm trước. Khi siêu lục địa Gondwana tách rời, lớp vỏ đại dương của Tethys trượt xuống dưới mảng kiến tạo Á-Âu, chìm sâu vào lớp manti của Trái Đất.
Quá trình này kéo dài hàng triệu năm, và đến khoảng 20 triệu năm trước, những mảnh vỡ từ lớp vỏ Tethys chìm xuống đáy manti đã đẩy lớp vật liệu có mật độ cao lên từ một "bong bóng magma" khổng lồ bên dưới châu Phi – được gọi là "African blob". Bong bóng magma này, cao gấp 100 lần đỉnh Everest, bị thay thế bởi các dòng magma có mật độ thấp hơn, làm giảm khối lượng tổng thể của khu vực và tạo ra hiện tượng giảm lực hấp dẫn.
Hố trọng lực ở Ấn Độ Dương không chỉ là nơi có mực nước biển thấp nhất mà còn là một trong những hiện tượng hiếm hoi giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cấu trúc phức tạp của lớp manti. Các nhà nghiên cứu hiện đang sử dụng dữ liệu động đất để xác nhận sự tồn tại của những dòng magma mật độ thấp bên dưới khu vực này. Họ cũng đang phát hiện rằng Trái Đất không chỉ có một "bong bóng magma" mà còn chứa nhiều khối vật chất bất thường nằm sâu trong lòng manti, bao gồm cả những mảnh vật chất mà trước đây được cho là đã biến mất.
Đáng chú ý, hiện tượng tương tự cũng được phát hiện trên sao Hỏa, nơi các nhà khoa học tìm thấy các "khối vật chất lạ" với đủ hình dạng và kích thước nằm sâu dưới bề mặt hành tinh. Những phát hiện này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử Trái Đất mà còn mở ra cánh cửa nghiên cứu cấu trúc bên trong của các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.