Ngày 13/11, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố tỷ phú doanh nhân Elon Musk sẽ lãnh đạo 'Bộ Hiệu quả Chính phủ' (tên tiếng Anh viết tắt là DOGE) - một vị trí mà ông Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, đó là trao cho Elon Musk quyền giám sát toàn diện việc chi tiêu của chính phủ.
Động thái này được ông Donald Trump công bố vào thứ Ba. Ông đưa ra thời hạn là ngày 4/7/2026 để bộ này hoàn tất công việc của mình.
Theo đó, Elon Musk sẽ lãnh đạo bộ này cùng với doanh nhân người Mỹ gốc Ấn Độ Vivek Ramaswamy. Tên viết tắt của Bộ (DOGE) này tình cờ lại trùng hợp với một loại tiền điện tử liên quan đến Elon Musk.
"Cùng nhau, hai người Mỹ tuyệt vời này sẽ mở đường cho Chính quyền của tôi phá bỏ bộ máy quan liêu của Chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các Cơ quan Liên bang - yếu tố thiết yếu cho phong trào 'Cứu nước Mỹ'" - Ông Trump cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Đài NBC News (Mỹ) thông tin.
Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết thêm, bộ DOGE sẽ tồn tại "bên ngoài Chính phủ Mỹ", đồng thời thể hiện tham vọng lớn khi nói rằng bộ này giúp mang lại "sự thay đổi mạnh mẽ" và so sánh tham vọng của bộ này với tham vọng của 'Dự án Manhattan'.
"DOGE có khả năng trở thành 'Dự án Manhattan' của thời đại chúng ta", ông Trump nói.
Vậy 'Dự án Manhattan' mà ông Trump nói đến là gì? Và vì sao ông lại so sánh DOGE với dự án hồi thế kỷ 20 này của Mỹ?
Dự án Manhattan - Chương mới trong lịch sử Mỹ hồi thế kỷ 20
Dự án Manhattan (Manhattan Project) là một chương trình tuyệt mật của Mỹ nhằm chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới trong Thế chiến II (1939-1945).
Kết quả của nó có tác động sâu sắc đến lịch sử: Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân sau đó đã thay đổi hoàn toàn trật tự chính trị thế giới theo những cách vẫn còn rõ ràng cho đến ngày nay.
Hàng ngàn nhà khoa học, bao gồm nhà vật lý lý thuyết J. Robert Oppenheimer - "cha đẻ của bom nguyên tử", đã tham gia Dự án Manhattan. Sau khi có được cái gật đầu từ các nhà khoa học, họ và gia đình ngay lập tức được bố trí ở các căn cứ quân sự bí mật tại những địa điểm xa xôi, hẻo lánh.
Manhattan Project đã trực tiếp dẫn đến sự ra đời của hai quả bom nguyên tử (bí danh Little Boy và Fat Man) được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945, kết thúc Thế chiến II và khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, Bulletin of the Atomic Scientists cung cấp con số.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1938. Ba nhà hóa học làm việc trong một phòng thí nghiệm ở Berlin (Đức) đã có một khám phá làm thay đổi tiến trình lịch sử: Họ đã phân tách (phân hạch) thành công nguyên tử uranium. Năng lượng giải phóng sau sự phân tách này xảy ra là rất lớn - đủ để cung cấp năng lượng cho một quả bom.
Nhưng trước khi vũ khí như vậy có thể được chế tạo, nhiều vấn đề kỹ thuật phải được khắc phục.
Khi nhà bác học Albert Einstein biết rằng người Đức có thể thành công trong việc giải quyết những vấn đề này, ông đã cùng nhà vật lý người Hungary Leo Szilard viết một lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt để bày tỏ mối quan ngại của mình.
Bức thư năm 1939 của Einstein đã giúp khởi xướng nỗ lực của Mỹ trong việc chế tạo bom nguyên tử. Vào tháng 12/1941, chính phủ Mỹ bí mật khởi động Dự án Manhattan, một dự án khoa học và quân sự nhằm phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Công binh Lục quân Mỹ đã thành lập Khu Kỹ sư Manhattan vào tháng 6/1942 để che giấu quá trình phát triển bom nguyên tử trong chiến tranh, do đó nỗ lực táo bạo này có tên là “Dự án Manhattan”.
Sau năm 1942, Dự án Manhattan là nỗ lực được công nhận của phe Đồng minh nhằm chế tạo bom nguyên tử. Dự án này chủ yếu sử dụng quặng uranium từ một mỏ ở nơi hiện là Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi được giữ bí mật hoàn toàn với người Đức.
Manhattan Project được tiến hành tại Mỹ, chủ yếu tại ba thị trấn tuyệt mật: (1) Oak Ridge (thuộc bang Tennessee) là nơi uranium được làm giàu cho đến khi đủ tính phóng xạ để phân hạch hạt nhân; (2) Hanford (bang Washington) là nơi các lò phản ứng chuyển đổi uranium thành plutonium, một loại nhiên liệu hạt nhân thậm chí còn mạnh hơn; và (3) Los Alamos (bang New Mexico) nơi Oppenheimer làm Giám đốc phòng thí nghiệm Los Alamos chế tạo bom nguyên tử thử nghiệm.
Ngoài ra còn có hàng chục địa điểm nhỏ hơn. Và các quan chức Mỹ đã nỗ lực hết sức để giữ bí mật mọi thứ. Bí mật với ngay cả những người trực tiếp tham gia dự án.
Nhà sử học về Thế chiến II Alexandra Levy cho biết, hầu hết trong số hơn 600.000 người tham gia Dự án Manhattan - bao gồm hàng nghìn nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên làm việc trên vũ khí, cũng như công nhân xây dựng và những người duy trì ba thị trấn bí mật - đều không hiểu mục đích cuối cùng của công việc (là chế tạo bom hủy diệt) mà họ đang làm hàng ngày.
Dự án Manhattan đạt đến đỉnh cao trong cuộc thử nghiệm Trinity ở bang New Mexico vào ngày 16/7/1944 - lần nổ đầu tiên của vũ khí hạt nhân (quả bom mang tên Gadget), đưa thế giới bước vào bình minh của kỹ nguyên nguyên tử. Vào thời điểm đó, Mỹ đã chi khoảng 2,2 tỷ đô la - tương đương khoảng 37 tỷ đô la Mỹ ngày nay.
National Park Service thuộc Bộ Nội vụ Mỹ bình luận, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Dự án Manhattan đã thành công trong sứ mệnh tạo ra vũ khí nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Trong thời gian này, khoa học hạt nhân đã tiến triển với tốc độ cấp số nhân. Những khám phá mới đã được thực hiện liên tiếp. Dự án Manhattan đã tạo ra hàng trăm bằng sáng chế cho cả các nhà khoa học và kỹ sư nội bộ và nhiều nhà thầu tham gia.
Manhattan Project cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức và luân lý giữa các nhà khoa học và công dân—những câu hỏi vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Hơn 200.000 người đã chết tính đến cuối năm 1945 do hậu quả trực tiếp/gián tiếp của 2 vụ đánh bom nguyên tử.
Tựu chung lại, di sản mà Dự án Manhattan thời thế kỷ 20 rất lớn. Nó là một chương vô cùng quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, mở ra kỷ nguyên hạt nhân, xác định cách thức chiến tranh tiếp theo - Chiến tranh Lạnh, sẽ diễn ra và đóng vai trò là mô hình tổ chức đằng sau những thành tựu đáng chú ý của "khoa học lớn" của Mỹ trong nửa sau thế kỷ 20.
Có lẽ, ông Donald Trump đang muốn "tạo ra một chương mới" quan trọng trong lịch sử Mỹ thời thế kỷ 21 với DOGE? Hãy chờ xem mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào!
Vivek Ramaswamy là ai?
Vivek Ramaswamy, 38 tuổi, là một chính trị gia người Mỹ gốc Ấn Độ và là một doanh nhân công nghệ. Ông tốt nghiệp với bằng cử nhân ngành sinh học tại Đại học Harvard, sau đó là bằng luật tại Đại học Yale. Ông là tác giả của cuốn sách 'Woke, Inc.: Inside Corporate America's Social Justice Scam' trong đó ông lập luận rằng chính trị không có chỗ trong kinh doanh. Ông là người sáng lập ra một công ty chăm sóc sức khỏe của Mỹ, Roivant Sciences.
Tham khảo: NBC News, NDTV, Scientific American, National Park Service