Sự kiện lực lượng Hamas bất ngờ tấn công cộng đồng người Israel gần khu vực dải Gaza hôm 7/10 đã châm ngòi cho một trong những cuộc đụng độ vũ trang đẫm máu nhất ở khu vực suốt nhiều năm qua. Đáp trả hành động trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ khiến Hamas trả giá và phát động một chiến dịch tấn công toàn diện nhằm vào lực lượng này với tuyên bố sẽ “quét sạch Hamas”.
Tuy nhiên, theo tờ Foreign Policy, sau 16 năm nắm quyền, Hamas đã xây dựng được tầm ảnh hưởng nhất định ở dải Gaza. Theo đó, các chuyên gia trong khu vực đã đặt câu hỏi về khả năng Israel “quét sạch” toàn bộ nhóm chiến binh này. Ngay cả khi Israel thành công trong việc lật đổ Hamas, cuộc xung đột cũng sẽ để lại khoảng trống về mặt quản lý và chính trị cũng như một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quy mô không tưởng tại dải Gaza. Theo cơ quan Y tế địa phương do Hamas điều hành, tính đến ngày 3/11, hơn 9.000 người thiệt mạng ở Gaza. Liên hợp quốc cho biết, trong số những người thiệt mạng có hơn 3.500 trẻ em.
Đơn vị xe tăng của Israel ở dải Gaza. (Ảnh: Getty)
Điều gì sẽ đến với dải Gaza sau xung đột cũng là một vấn đề được thế giới quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, Israel gần như không chia sẻ về các kế hoạch đối với dải đất này cũng như 2,1 triệu cư dân sinh sống tại đây. Một số nhà phân tích đã so sánh tình hình ở dải Gaza với tình hình tại Afghanistan và Iraq trước đây.
Tờ Foregin Policy dẫn nguồn các chuyên gia bao gồm các nhà ngoại giao, cựu quan chức tình báo của Mỹ và Israel, các học giả Palestine và các nhà quan sát trong khu vực, cho biết số viễn cảnh về tình hình tại Gaza hậu xung đột. Theo đó, sẽ có rất nhiều việc cần thực hiện, bao gồm tái thiết khu vực và giải quyết các vấn đề về mặt chính trị.
Vấn đề tái thiết dải Gaza
Các nhà lập pháp cánh hữu của Israel đã đưa ra ý tưởng sáp nhập các phần của dải Gaza song quan chức cấp cao nước này không có mong muốn tái chiếm Gaza sau xung đột.
Nhiều khả năng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ngắn hạn tại dải Gaza. Mục đích của sự việc này có thể là để ngăn chặn các lực lượng được coi là tàn dư của Hamas, cũng như ổn định tình hình hậu xung đột.
Tờ Haaretz của Israel cũng cho biết các nhà lãnh đạo quân sự Israel đã vạch ra kịch bản tạm thời, trong đó họ sẽ giám sát đời sống và tình hình an ninh khu vực, đồng thời đang xem xét việc điều chuyển nhân sự từ đơn vị Điều phối viên Hoạt động của Chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ - đơn vị quân đội giải quyết các vấn đề dân sự ở vùng lãnh thổ Bờ Tây, tới đảm nhiệm các vai trò tạm thời ở Gaza.
Ngay khi xung đột kết thúc, nhu cầu nhân đạo và tái thiết Gaza sẽ rất lớn. Các bệnh viện và nhà xác trong khu vực hiện rơi vào tình trạng quá tải. Nguồn cung nhiên liệu cần thiết để vận hành máy phát điện của bệnh viện và nhà máy xử lý nước sạch đã cạn kiệt sau ba tuần bị Israel bao vây.
Về lâu dài, các chuyên gia dự đoán khả năng xuất hiện liên minh gồm các quốc gia Ả Rập - có thể bao gồm các bên ký kết Hiệp định Abraham với Israel - đóng vai trò là một lực lượng tạm thời, giúp lấp đầy khoảng trống an ninh và quản trị ở Gaza. Liên minh này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc.
Ông Ami Ayalon, cựu giám đốc cơ quan tình báo nội địa Israel Shin Bet, cho biết: “ Tôi cho rằng nhiều khả năng binh sĩ từ Ai Cập, Jordan và Ả Rập Xê-út cùng cộng đồng quốc tế có thể hiện diện tại khu vực để kiểm soát an ninh trong một giai đoạn. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út có thể chi số lượng tiền lớn giúp tái thiết khu vực”.
Tuy nhiên, ông Ayalon lưu ý, nếu cuộc xung đột đẫm máu tiếp tục kéo dài, sự tham gia của các nước Ả Rập vào quá trình tái thiết có thể sẽ khó khăn hơn.
Riêng việc tái thiết dải Gaza là thách thức tương đối lớn, có thể tiêu tốn chi phí tới hàng tỷ USD. Trong bối cảnh xung đột bùng phát liên tục giữa Israel và Hamas trong thập kỷ qua, Gaza gần như luôn trong tình trạng cần được tái thiết. Những nỗ lực xây dựng lại nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị phá hủy đã bị cản trở do các nhà tài trợ chưa thực hiện cam kết, trong khi lực lượng Hamas kiểm soát vật liệu xây dựng ở khu vực.
Makovsky, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá: “Tái thiết là quá trình rất quan trọng, đòi hỏi nhiều thứ”.
Việc tái thiết dải Gaza hậu xung đòi hỏi nhiều yếu tố, bao gồm khoản tiền lớn, lên tới hàng tỷ USD. (Ảnh: Getty Images)
Cục diện Gaza thời 'hậu Hamas'
Tương lai chính trị ở dải Gaza hậu Hamas là một vấn đề nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Nếu Hamas chính thức bị loại bỏ sau 16 năm nắm quyền ở khu vực, ứng viên có thể thay thế lực lượng này có thể là chính quyền Palestine (PA), cơ quan đang điều hành khu vực Bờ Tây. Chính quyền Palestine đã được thành lập sau tiến trình hòa bình Oslo vào giữa những năm 1990, với hy vọng đặt nền móng cho một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.
Tuy nhiên, Foreign Policy đánh giá đây không phải kịch bản tốt nhất cho khu vực này.
Đầu tiên, về mặt lịch sử, PA đã bị Hamas trục xuất khỏi Gaza vào năm 2007 và khó có khả năng chấp nhận ý tưởng quay trở lại sau khi Hamas bị Israel lật đổ. Ông Zaha Hassan, thành viên của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình quốc tế, người thực hiện nghiên cứu tập trung vào hòa bình Palestine - Israel, cho biế t: “Chính quyền Palestine không muốn bị coi là người dựa vào xe tăng của Israel và giành lại dải Gaza”.
Thứ hai, về tính hợp pháp, PA đã không tổ chức bầu cử tổng thống kể từ năm 2005, khi ông Mahmoud Abbas, hiện 87 tuổi, đắc cử lần đầu tiên. Đại đa số người Palestine coi PA là một cơ quan chìm trong tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả. Quan hệ hợp tác an ninh của PA với Israel ở Bờ Tây cũng bị nhiều người Palestine hoài nghi.
Tiếp theo, PA cũng được cho là không đủ năng lực để tiếp quản khu vực này. PA đã gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ người dân Palestine ở Bờ Tây khỏi các cuộc tấn công từ người Israel định cư. Năng lực của PA nhiều năm qua vốn đã bị nhiều người nghi ngờ. Vậy nên, khả năng họ có thể cai quản 2 triệu người ở dải Gaza cũng không được đánh giá cao.
Ông Lowenstein, cựu đặc phái viên của Mỹ, cho biết để chính phủ Palestine có thực quyền cần phải có các cuộc bầu cử mới, các nguồn lực quan trọng và “thay đổi thái độ với người Israel”.
Cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất của người Palestine vào năm 2006 đã mang lại chiến thắng gây sốc ở Gaza cho Hamas. Ông Lowenstein nói thêm, các cuộc bầu cử mới cho Chính quyền Palestine có thể bao gồm các cam kết về chống bạo động như một phương tiện để ngăn chặn cuộc bầu cử của các nhóm cực đoan. Nhưng các cuộc bầu cử vốn không thể đoán trước được kết quả, Israel cùng các đối tác có thể phải tôn trọng những kết quả không có lợi cho họ.
Nhà nghiên cứu Elgindy, đến từ Viện Trung Đông, nhận xét: “Chính trị không phải một thứ có thể được thiết lập từ bên ngoài”.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh ông ủng hộ thỏa thuận hòa bình và thành lập một nhà nước Palestine độc lập tại khu vực xung đột. Trước cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, hy vọng về một thỏa thuận như vậy vốn đã bị bỏ quên. Giải pháp hai nhà nước giữa người Israel và người Palestine cũng đã bị các bên liên quan phớt lờ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá đây là cách khả thi duy nhất để giải quyết xung đột và ổn định tình hình ở dải Gaza.