Người ủng hộ Israel nhiệt thành
Theo hãng truyền thông Al Jazeera, tân Ngoại trưởng Anh David Cameron trước đây từng gọi Dải Gaza là "trại tù" và ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho bất đồng Israel - Palestine, nhưng ông cũng là người ủng hộ Israel nhiệt thành.
Ông Cameron được Thủ tướng Rishi Sunak bổ nhiệm hôm 13/11 trong cuộc cải tổ hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đất nước.
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron vừa được bổ nhiệm làm tân Ngoại trưởng Anh một cách bất ngờ. Ảnh: Reuters
Ngày 9/10, khi Israel tuyên bố phong tỏa "toàn bộ" Gaza và tấn công dải đất này để trả đũa cuộc đột kích bất ngờ hai ngày trước đó của nhóm vũ trang Hamas, ông Cameron đã đưa ra tuyên bố ủng hộ Israel.
"Tôi hoàn toàn đoàn kết với Israel vào thời điểm thử thách nhất này và hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng và Chính phủ Vương quốc Anh về sự ủng hộ kiên định và rõ ràng của họ", ông Cameron viết trên mạng xã hội X, đồng thời đăng hình quốc kỳ màu xanh trắng của Israel.
Theo Al Jazeera, vào cuối tuần qua, hàng trăm ngàn người biểu tình đã tuần hành ở London để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở Gaza.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cách chức Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman ngày 13/11 sau khi bà cáo buộc cảnh sát quá khoan dung với những người biểu tình ủng hộ Palestine và đưa ra những bình luận được mô tả là "kích động".
Ông Sunak thay thế Bộ trưởng Nội vụ Braverman bằng Ngoại trưởng James Cleverly, trước khi bất ngờ công bố ông Cameron là người thay thế vị trí của ông Cleverly.
Ben Whitham - giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London (SOAS) - cho biết, mặc dù được cho là sẽ đưa ra "giọng điệu hòa giải hơn" nhưng ông Cameron không có thiện cảm với người Palestine trong cuộc xung đột.
Giáo sư Whitham nói với Al Jazeera: "Chắc chắn, giống như bất kỳ chính trị gia cấp cao nào của đảng Bảo thủ, ông ấy nhìn chung sẽ đứng về phía Israel và quyền được cho là của nước này để thực hiện cuộc tấn công ở Gaza".
Giáo sư Whitham đánh giá việc bổ nhiệm ông Cameron làm Ngoại trưởng Anh cũng nhằm mục đích "hàn gắn một số chia rẽ trong đảng Bảo thủ".
"Ông ấy được coi là có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác kinh tế chiến lược ở Trung Đông", bao gồm cả mối quan hệ cá nhân đang phát triển với giới lãnh đạo Ả Rập Saudi - ông Whitman chỉ ra.
"Nhìn nhận Trung Đông rất giống với ông Netanyahu"
Theo Al Jazeera, trong nhiệm kỳ Thủ tướng Anh từ năm 2010 đến năm 2016, ông David Cameron đã chỉ trích các khu định cư "bất hợp pháp" của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng và việc phong tỏa Dải Gaza.
"Gaza không thể và không được phép tiếp tục là một trại tù", ông Cameron nói trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2010.
Tuy nhiên, do người Palestine ở Gaza được hưởng lợi từ lệnh ngừng bắn thoáng qua tạm thời ngăn chặn một trong những vụ bắn phá nguy hiểm nhất ở vùng đất này vào năm 2014, đảng Bảo thủ của ông Cameron đã từ chối lời kêu gọi kiểm tra lại giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel nếu giao tranh tiếp tục.
David Cameron gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại London vào năm 2011. Ảnh: AP
Tờ Haaretz của Israel đã trích dẫn tình tiết này trong số những lý do khiến ông Cameron trở thành Thủ tướng Anh thân cận với Israel nhất từ trước đến nay.
"Về nhiều mặt, ông ấy nhìn nhận Trung Đông rất giống với ông Netanyahu", Haaretz viết, đề cập đến Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu.
Theo Al Jazeera, kể từ tháng trước, Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần từ chối lệnh ngừng bắn ở Gaza và tuyên bố sẽ quét sạch Hamas "khỏi mặt đất" trong một chiến dịch tấn công trên không và trên bộ nhằm vào Gaza, khiến hơn 11.200 người thiệt mạng.
Trong khi đó, ông Cameron cũng là người ủng hộ việc sử dụng "sức mạnh quân sự" của Anh để đánh bại các nhóm được coi là "khủng bố" ở Trung Đông.
Theo Al Jazeera, vào năm 2014, khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tìm cách thành lập một "đế chế" ở Iraq và Syria, ông Cameron đã cảnh báo rằng phương Tây sẽ phải đối mặt với việc có một nhà nước "cực đoan" ở biên giới Địa Trung Hải nếu IS thành công trong các mục tiêu của mình.
Chính phủ của ông Cameron đã đồng ý mở rộng các cuộc không kích vào Syria từ Iraq.
Giáo sư Whitham nhận định: "Cameron đã chứng tỏ rằng ông ấy rất quan tâm đến việc can thiệp quân sự vào khu vực".
"Tôi không muốn suy đoán liệu ông ta có tham gia vào 'dàn đồng ca' ủng hộ Israel và có khả năng coi Hamas là một phần mở rộng của IS hay không. Điều đó sẽ phụ thuộc vào đường lối mà Thủ tướng Sunak lựa chọn và ông Cameron sẽ phải tuân theo đường lối đó."