Sự sụt giảm là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy rằng cuộc biểu tình chống chính phủ đang tàn phá các bộ phận của nền kinh tế địa phương.
Lượng khách du lịch tới Hồng Kông đã giảm 40% vào tháng vừa rồi so với một năm trước, Bộ trưởng Tài chính Paul Chan cho biết, và đây mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2003, khi Hồng Kông đang vật lộn với virus SARS chết người.
Du khách và người mua sắm đang bị cuốn vào các cuộc đụng độ, mà một trong số đó mang tính chất bạo lực, khiến các ga tàu điện ngầm phải đóng cửa trong nhiều giờ liền. Những người đi đường đang phải tiếp xúc trực tiếp với hơi cay và xịt vòi rồng.
Theo cảnh báo của các quan chức, nhiều tháng biểu tình kết hợp với tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, và sự tăng trưởng yếu đi của Trung Quốc đang đe dọa sẽ đẩy nền kinh tế Hồng Kông rơi vào suy thoái.
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn báo hiệu rằng động thái gần đây của Chính phủ - kể cả việc thu hồi một dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc để xét xử - đã thất bại trong việc dập tắt phong trào chống đối của toàn thành phố.
Lượng khách du lịch tới Hồng Kông đã sụt giảm mạnh trong tháng 8 vừa qua, mức giảm mạnh nhất kể từ T5/2003 – thời điểm diễn ra đại dịch chết người SARS (Nguồn: WSJ)
"Các sự kiện xã hội trong vài tháng qua, đặc biệt là các hoạt động bạo lực liên tục, tắc nghẽn sân bay và đường phố, đã hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh trước đây của Hồng Kông - một thành phố an toàn, một trung tâm thương mại, hàng không và tài chính", ông Chan chia sẻ trong một bài blog đăng vào Chủ nhật. "Nó cũng đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế địa phương, với tác động lên các ngành du lịch, bán lẻ và khách sạn là nghiêm trọng nhất. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là triển vọng trong tương lai gần không có dấu hiệu đảo chiều", ông bổ sung thêm.
Du lịch, bán lẻ và khách sạn đã bị ảnh hưởng trực tiếp, và một số cuộc họp cũng như chuyến công tác đã bị hoãn lại hoặc phải chuyển đến các địa điểm khác. Ở một số quận, tỷ lệ lấp đầy của khách sạn giảm hơn một nửa, mặc dù giá đã giảm tới 70%, ông cho biết.
Ecco, một thợ đóng giày và bán lẻ người Đan Mạch, trước đây đã được lên kế hoạch để có một khóa đào tạo toàn công ty tại Hồng Kông vào tháng 11. Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp ở Hồng Kông, công ty buộc phải chuyển khóa học sang Thái Lan.
Du lịch là một ngành trụ cột của nền kinh tế Hồng Kông, với đóng góp khoảng 5% cho tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2016 và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 250.000 lao động.
Hãng hàng không Hồng Kông, Cathay Pacific Airways Ltd., cho biết họ đã chuẩn bị tâm lý cho một "cú sốc" doanh thu trong tháng 8 vừa qua bởi lưu lượng khách tới vào thành phố đã suy giảm đáng kể.
Mike Johnson, chuyên gia tư vấn 30 tuổi tại New York, đã lên kế hoạch đến Hồng Kông vào tháng 8 cùng bạn gái. Nhưng các bài báo về những cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến anh hủy chuyến đi.
Các cuộc biểu tình đã gây biến động nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Doanh số bán lẻ và chi tiêu cho tiêu dùng đã giảm. Hình ảnh hàng dài khách du lịch xếp hàng bên ngoài các nhà hàng ăn đã biến mất.
Giá nhà đất đã giảm và thị trường chứng khoán diễn biến xấu đi. Xếp hạng của Fitch đã hạ bậc tín dụng Hồng Kông vào thứ Sáu, bởi tình trạng bất ổn đã thử thách mối quan hệ giữa thành phố này với Trung Quốc, và làm tổn hại danh tiếng của chính nó.
Một cuộc khảo sát về các doanh nghiệp tư nhân được IHS Markit công bố tuần trước cho thấy hoạt động mua hàng ở Hồng Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử 21 năm qua.
Các sự kiện cũng phải gánh chung kết cục không tốt đẹp này. Người phát ngôn của Hội chợ đồng hồ Hồng Kông, một tổ chức công nghiệp thường niên tự nhận là hội chợ đồng hồ lớn nhất thế giới, cho biết chỉ có 18.000 người tham dự tại triển lãm thương mại tuần trước, mức thấp nhất trong bảy năm qua và giảm khoảng 15% so với năm ngoái.
William Shum, người sáng lập và giám đốc điều hành của Memorigin, một thương hiệu đồng hồ cao cấp, cho biết doanh số của ông tại Hồng Kông đã giảm khoảng 50% từ khi các cuộc biểu tình diễn ra. Ông cho rằng sự sụt giảm này đến từ khách du lịch, đặc biệt đến từ Trung Quốc - những khách hàng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số bán hàng phân khúc đồng hồ cao cấp của ông.
Ông Shum cho biết đây là sự suy giảm tồi tệ nhất trong doanh số bán hàng ở Hồng Kông mà ông từng chứng kiến. Sự sụt giảm đã thúc đẩy ông xem xét đến nhiều cơ hội hơn ở nước ngoài, bao gồm cả Nhật Bản, nơi ông nhận thấy nhu cầu về giờ giấc luôn là thiết yếu.
"Từ lâu, Hồng Kông đã đóng một vai trò quan trọng trong giao dịch quốc tế, nhưng khi các cuộc biểu tình bùng nổ, khách hàng nước ngoài đã không còn mặn mà với thành phố này nữa", ông Shum cho biết.