Cô Cathy Yau, 36 tuổi, đã ở trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông 11 năm nhưng vừa xin thôi việc vào tháng 7. Yau chấp nhận rủi ro khi chỉ trích công khai giới cảnh sát đặc khu.
Đầu mùa hè năm nay, Yau được điều tới Thư viện Trung tâm Hồng Kông với nhiệm vụ theo dõi người biểu tình khi họ đang tập trung trong Công viên Victoria. Yau nhớ lại một cuộc tuần hành đặc biệt, vào ngày 16.6, những người biểu tình hô vang “cảnh sát bẩn thỉu” như hét vào mặt Yau khi họ đi ngang qua. Thay vì phẫn nộ, Yau lại thấy đồng cảm với sự tức giận của họ, và ngay lúc đó cô bắt đầu cảm thấy mình có thể đang “chọn sai vị trí”.
“Là một sĩ quan cảnh sát được đào tạo, tôi biết những gì họ đang làm không hoàn toàn hợp pháp”, cô Yau nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nhưng tôi cũng đánh giá cao cách họ hiểu rằng nếu điều tồi tệ đến, họ sẵn sàng hy sinh bản thân - triển vọng tương lai hoặc thậm chí là cuộc đời của họ”.
Khi căng thẳng leo thang đến tháng 6 và các sĩ quan bắt đầu sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình, Yau nói cô ngày càng thất vọng. “Tôi đã đi đến nơi làm việc mà không mặc cảnh phục (vì e ngại người biểu tình) và cuối cùng tôi đã nghĩ "Còn gì để luyến tiếc bộ cảnh phục này?”, Yau bày tỏ quan điểm mà cô nói đang trở nên phổ biến hơn trong lực lượng cảnh sát.
“Tôi cảm thấy như chính quyền đang nấp đằng sau lực lượng cảnh sát”, cô nói. “Nhiều nhân viên cảnh sát là công dân Hồng Kông bình thường khi chúng tôi cởi cảnh phục sau giờ làm việc. Chúng tôi đều là công dân Hồng Kông, nhưng chính quyền dường như chỉ quan tâm rằng có máu trên đường phố”.
Vào ngày 10.7, cô quyết định đã đến lúc phải ra đi. Cô nhét lá thư từ chức dưới cánh cửa phòng cấp trên. Mười ngày sau khi Yau từ chức, cô đã chứng kiến trên video trực tuyến cảnh một nhóm côn đồ mặc áo trắng đánh người biểu tình trong nhà ga xe lửa Yuen Long trong khi các cảnh sát viên - đồng nghiệp cũ của cô - không thể ngăn chặn được bạo lực.
Đó là cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên tôi từng thực hiện trong đời, Yau (ảnh trên) nhớ lại. Cảnh tượng thật kinh khủng và làm cô vô cùng thất vọng.
Đứng trong căn hộ nhỏ bé của mình, Yau mở ra xem lại tờ giấy chứng nhận mà cô nhận được khi tuyên thệ với tư cách là một sĩ quan cảnh sát vào năm 2008. Mảnh giấy đó làm cô cảm thấy buồn vui lẫn lộn, sau những gì Yau đã thấy vào mùa hè này.
Yau nói cô cảm thấy khó chịu khi đề cập đến việc cảnh sát sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình. Có lẽ thật khó khăn khi họ không tuân theo mệnh lệnh; nhưng đáng ra họ có thể chọn hành động khác.
Sau khi Yau công khai câu chuyện của mình, một số sĩ quan đã tìm đến cô, xin lời khuyên về cách họ có thể học theo cô. Một người nói với cô rằng anh ta lo lắng cho sự an toàn và hạnh phúc của con gái mình. Một người khác nói với cô rằng anh ta đã bị cấp trên nghi ngờ và đã họ đã đòi anh phải làm rõ lập trường chính trị của mình.
Yau nói cô muốn tham gia Hội đồng thành phố vào tháng 11. “Tôi quyết định cần một nền tảng mới để làm những gì tôi muốn làm”, cô nói. “Tất cả đều thuộc về việc có một chính quyền phục vụ người dân của họ một cách siêng năng và yêu thương người dân của họ hay không. Mọi người thật ra rất đơn giản. Họ không muốn đi ra ngoài và biểu tình”.
Hiện cả thế giới đều quan tâm sát sao đến tình hình tại Hồng Kông và bày tỏ hy vọng tình hình tại đặc khu này sớm ổn định trở lại. Trong bối cảnh khủng hoảng đó, vai trò của lực lượng an ninh với cách hành xử của họ vô cùng quan trọng.
Trong cuộc họp báo ngày 15.6, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định: "Chính phủ Trung ương lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ cảnh sát trong việc trừng phạt theo luật các thủ phạm, đồng thời bảo vệ luật pháp và trật tự an ninh xã hội ở Hồng Kông".