Tháng 5/2023, các thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất một bộ luật mới, yêu cầu các nhà sản xuất ô tô tích hợp đài AM trên tất cả ô tô mới. Đài AM được coi như một công nghệ lỗi thời, nhưng lại là giải pháp dự phòng hoàn hảo để chính phủ liên lạc với người dân trong trường hợp xảy ra thiên tai làm mất tín hiệu điện thoại. Hơn nữa, AM cũng có vùng phủ sóng rộng hơn FM, nên phù hợp sử dụng để liên lạc với các khu vực hẻo lánh.
Radio từng là hình thức giải trí chính trên ô tô trước khi màn hình giải trí trung tâm xuất hiện
Vì lý do đó, đây là giải pháp hiệu quả hàng đầu để giữ liên lạc giữa chính phủ và người dân. Cũng vì vùng phủ sóng rộng, mạng lưới hạ tầng tháp/trạm sóng cho AM cũng thưa thớt hơn, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí so với hạ tầng tháp/trạm sóng cho FM.
Thế nhưng, ngoài trường hợp khẩn cấp, đài AM không mấy khi được sử dụng trên ô tô hiện đại. Rất nhiều nhà sản xuất ô tô gần đây đã loại bỏ công nghệ này trên các mẫu xe mới để giảm chi phí, ví dụ như Volkswagen, Peugeot hay Tesla. Ngay cả khi giữ lại đài radio, các hãng cũng chọn đài FM.
Hiện vẫn chưa có phương thức liên lạc nào đơn giản nhưng hiệu quả và tiết kiệm ở tầm xa hơn sóng AM
Mỹ - thị trường tiêu thụ gần 20 triệu ô tô mỗi năm - yêu cầu tích hợp đài AM như một trang bị bắt buộc gây ảnh hưởng không nhỏ tới bài toán kinh tế của các nhà sản xuất ô tô đang kinh doanh tại quốc gia này. Ô tô mới ra mắt từ năm 2025 đa số là ô tô điện, và loại xe này bị tác động tiêu cực bởi sóng AM.
Nếu muốn trang bị đài AM lên ô tô điện, mỗi nhà sản xuất sẽ phải chi thêm 50-70 USD trên mỗi chiếc ô tô điện để bảo vệ mô-tơ trước ảnh hưởng của sóng radio. Con số trên chưa tính tới chi phí mô-đun radio tích hợp lên xe.
Theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Ô tô Mỹ, tổng số tiền mà các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ phải bỏ ra nếu bộ luật trên được thông qua rơi vào tầm 3,8 tỷ USD, tương đương 92,5 nghìn tỷ đồng, chỉ vì một sự bổ sung tưởng chừng như nhỏ nhặt này.