Biểu tượng của OpenAI và ChatGPT. Ảnh: AFP/TTXVN
Các công ty trên thế giới đang cân nhắc làm cách nào sử dụng ChatGPT hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các công ty an ninh và nhiều công ty khác lo ngại rằng chương trình chatbot này có thể dẫn tới những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Khoảng 28% người được hỏi trong thăm dò trên cho biết họ thường sử dụng ChatGPT trong công việc, trong khi chỉ 22% cho biết sếp của mình cho phép dùng các công cụ như vậy.
Khoảng 10% cho biết sếp của mình cấm mọi công cụ AI, trong khi 25% không biết liệu công ty có cho phép sử dụng công nghệ này hay không.
Thăm dò trên được thực hiện từ ngày 11 - 17/7, với 2.635 người trưởng thành trên khắp nước Mỹ và có sai số 2%.
ChatGPT đã trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử kể từ khi được ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng này tạo ra cả những sự phấn khích nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo, khiến “cha đẻ” OpenAI rơi vào cuộc tranh cãi với các nhà quản lý, đặc biệt là ở châu Âu, nơi việc thu thập dữ liệu lớn của công ty này đang khiến các cơ quan quản lý quyền riêng tư lên tiếng.
OpenAI từ chối bình luận khi được hỏi về tác động của việc người lao động sử dụng ChatGPT, nhưng đảm bảo với các đối tác của mình rằng dữ liệu của họ sẽ không được sử dụng để đào tạo chatbot hơn nữa, trừ khi họ cho phép.
Khi mọi người dùng ứng dụng Bard của Google thì ứng dụng này sẽ thu thập dữ liệu như bài viết, địa điểm và nhiều thông tin khác. Công ty cho phép người dùng xóa hoạt động đã qua khỏi các tài khoản của mình và yêu cầu dỡ bỏ những nội dung đã được đưa vào AI.
Tháng 6 vừa qua, hãng tin Reuters cho biết tập đoàn Alphabet đã khuyến cáo nhân viên của mình về cách dùng các chatbot như Bard, nhưng đồng thời quảng bá cho chương trình này trên toàn cầu. Google cho biết dù Bard có thể tạo các gợi ý mã không mong muốn, nhưng ứng dụng này giúp ích cho các nhà lập trình. Họ khẳng định đang hướng đến sự minh bạch về các giới hạn của công nghệ này.
Một số công ty thừa nhận đang sử dụng ChatGPT và các nền tảng tương tự, trong khi vẫn duy trì cảnh giác. Người phát ngôn của Coca-Cola cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm và tìm hiểu cách để AI có thể tăng hiệu quả hoạt động”. Theo người phát ngôn trên, Coca-Cola cũng tạo phiên bản ChatGPT nội bộ và đang có kế hoạch sử dụng AI để tăng hiệu quả và năng suất của đội nhóm.
Trong khi đó, Giám đốc Tài chính (CFO) của công ty sản xuất đường lớn nhất thế giới Tate &Lyle, ông Dawn Allen cho biết công ty đang thử nghiệm ChatGPT và đã “tìm ra cách để sử dụng công nghệ này an toàn”. Theo ông, công ty có nhiều nhóm khác nhau quyết định họ muốn sử dụng ChatGPT như thế nào sau một loạt thực nghiệm. Có nên dùng ứng dụng này vào quan hệ với nhà đầu tư không? Có nên dùng trong quản lý thông tin không? Dùng như thế nào để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn?...
Trong khi đó, một nhân viên của công ty sản xuất hàng tiêu dùng P&G cho biết: “ChatGPT bị cấm hoàn toàn trên hệ thống văn phòng của công ty”. P&G hiện chưa bình luận gì về việc này.
Ông Paul Lewis, phụ trách an ninh thông tin tại công ty an ninh mạng Nominet, cho biết các công ty có lý khi lo lắng vì “thông tin không hoàn toàn được bảo vệ”. Tuy nhiên, ông cho rằng “việc cấm hoàn toàn cũng không phải là cách bảo vệ, mà cần đi từng bước thận trọng”.