Các địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần quyết liệt

TH |

Các địa phương đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; nhằm chia sẽ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đây là một chủ trương chính sách lớn, nhân văn của Đảng và Nhà nước, với diện đối tượng rộng, lớn nhất từ trước tới nay.

Để triển khai kịp thời Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận bổ sung dự toán năm 2020 cho UBND 23 quận, huyện với tổng số tiền hơn 332,326 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (theo quy định tại điểm 5, 6, 7 Mục II Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ). .

UBND Thành phố cũng chấp thuận bổ sung dự toán năm 2020 cho Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố, UBND 24 quận huyện với số tiền 305,946 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ cho 101.982 người lao động gặp khó khăn (gồm người bị dừng việc, mất việc, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giáo viên mầm non ngoài công lập).

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố đã tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.

Mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh đề ra là các gói hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, nội dung, đối tượng hỗ trợ; không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực...

Tại thành phố Hà Nội, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng được thành phố triển khai theo 2 đợt.

Đến nay, việc chi trả đợt 1 cho các nhóm đối tượng là người có công; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đã cơ bản hoàn thành, còn một vài trường hợp chưa nhận do đang ở xa. Quá trình chi trả bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, được người dân đánh giá cao.

Việc rà soát 5 nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng đợt 2 đang được các ngành, địa phương nỗ lực triển khai, làm căn cứ đề xuất hỗ trợ. Đó là nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do); người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh cá thể; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP; tổ chức gần 50 hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 của UBND thành phố Hà Nội.

Là tỉnh đặc biệt khó khăn nên dự kiến tổng số người thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ là rất lớn.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng theo phương châm đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối, không trục lợi, không lạm dụng chính sách.

Đến nay, thành phố Ðiện Biên Phủ hiện là 1 trong 3 địa phương trong tỉnh hoàn thành việc rà soát, thống kê số lượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách và đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách với 5.642 người, tổng số hỗ trợ hơn 4,2 tỷ đồng.

Thành phố thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu rà soát, thống kê cũng như công khai danh sách tại các nhà văn hóa thôn, bản và ban công tác mặt trận khu dân cư giám sát thực hiện.

* Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 20/5, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng, chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

Trong đó, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người. Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người.

Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tới thời điểm ngày 20/5 là 17,5 ngàn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng).

Các địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần quyết liệt - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại