Sáng 13/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, số người chết và mất tích do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã lên đến 40 người.
Trong số 28 người chết, có 22 người bị lũ cuốn trôi, 3 thuyền viên viên do tàu gặp sự cố trên biển và 3 người bị điện giật (Quảng Bình 2 người, Quảng Trị 8 người, Thừa Thiên- Huế 5 người, Quảng Nam 6 người, Kon Tum 2 người, Đà Nẵng 1 người, Quảng Ngãi 1 người, Gia Lai 1 người, , Đắk Lắk 1 người, Lâm Đồng 1 người.
Hiện vẫn còn 12 người mất tích, trong đó có 8 người do lũ cuốn trôi, 4 thuyền viên trên biển (Quảng Trị 5 người, Thừa Thiên-Huế 1 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Nam 2 người, Gia Lai 1 người.
Mưa lũ cũng làm trên 131.000 nhà bị ngập, hư hỏng. Hiện gần 600 ha lúa, gần 4.200 ha hoa màu bị ngập, vùi lập, gần 5.600 ha thuỷ sản bị thiệt hại…
Về giao thông, hiện có 137 điểm Quốc lộ, gần11,6 km đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập (Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế).
Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình).
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục ứng phó với tình hình mưa lũ có thể kéo dài
Theo cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 70mm; riêng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ chiều nay mưa giảm dần. Tuy nhiên, từ ngày 14-16/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, từ 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng kéo dài trong những ngày tới.
Đặc biệt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình); Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, TX. Quảng Trị, TP. Đông Hà (Quảng Trị); Quảng Điền, Phong Điền, TP Huế, TX. Hương Thủy, Hương Trà (Thừa Thiên -Huế); Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, TP Tam Kỳ (Quảng Nam).
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 7, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chanh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương cho biết, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam đã có đề xuất hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia 6.500 tấn gạo, trong đó Quảng Bình 3.000 tấn; Quảng Trị 1.500 tấn; Thừa Thiên- Huế 1.000 tấn và Quảng Nam 1.000 tấn. Ngoài ra, các địa phương cũng cần 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mỳ tôm và các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Theo ông Thành, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7 và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, trong đó đến hệ thống tàu thuyền đang neo đậu, nhất là tàu vận tải, tàu neo đậu ở khu vực cửa sông.
Các địa phương lưu ý tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đã đầy nước.
Ông Thành cũng lưu ý việc hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đề phòng mưa lũ dài ngày, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu, có khả năng bị chia cắt.