Các đại gia công nghệ thế giới tìm đến Việt Nam

Hoàng An |

Nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam...

Khi Mỹ tuyên bố áp hàng rào thuế quan lên các sản phẩm và hàng hóa Trung Quốc, nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Điều này góp phần thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam – quốc gia đang trên đường trở thành đại bản doanh của những nhà sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị cao cấp khác.

Mặc dù vậy, theo tờ The New York Times, trước tiên các nhà sản xuất Việt Nam cần phải làm tốt hơn trong việc chế tạo các lớp nhựa nhỏ trên các sản phẩm tai nghe.

Theo ông Vũ Hữu Thắng, đại diện Công ty công nghệ Bắc Việt ở Bắc Ninh – nhà sản xuất các bộ phận nhựa nhỏ cho máy in Canon, nhạc cụ của Korg và phụ kiện điện thoại di động của Samsung, công ty này khó có thể cạnh tranh lại với các nhà cung cấp Trung Quốc. Lí do là bởi, doanh nghiệp này phải mua tới 70-100 tấn vật liệu nhựa nhập khẩu mà phần lớn là từ Trung Quốc mỗi tháng.

"Nhà cung cấp của Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc. Khi chúng tôi mua nguyên liệu, nó đã đắt hơn 5-10% so với ở Trung Quốc. Và thị trường Việt Nam quá nhỏ, để lôi kéo các nhà sản xuất nhựa đặt nhà máy ở đây", ông Thắng nói với The New York Times.

Một số công ty dường như ít mặn mà hơn với việc duy trì hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi các danh mục điện thoại thông minh, máy chơi game video và các sản phẩm yêu thích khác của người tiêu dùng có khả năng nằm trong danh sách áp thuế quan tiếp theo của ông Trump, các nhà sản xuất thiết bị đặc biệt đang cảm thấy áp lực khi phải tìm những nơi mà lương người lao động vẫn được duy trì ở mức thấp để sản xuất hoặc hoàn thiện sản phẩm của họ.

Apple đã tìm đến Việt Nam và Ấn Độ khi công ty này tăng cường tìm kiếm các cách thức để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Nintendo đã tăng tốc chuyển đổi sản xuất bảng điều khiển Switch sang Việt Nam từ Trung Quốc, theo Panjiva, một công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng.

Công ty điện tử Đài Loan Foxconn, một nhà lắp ráp iPhone lớn cho biết hồi tháng 1 rằng, họ đã mua quyền sử dụng đất ở Việt Nam và đã bơm 200 triệu USD vào một công ty con của Ấn Độ. Các đối tác khác của Đài Loan và Trung Quốc với Apple đã chỉ ra rằng họ cũng đang xem xét tăng cường hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo The New York Times, Việt Nam chưa thể thay thế Trung Quốc như một trung tâm sản xuất chỉ sau một đêm. Chi phí cho đất đai để xây dựng nhà xưởng vẫn còn khá đắt và các hệ thống kho bãi có sẵn vẫn đang thiếu. Tuyển dụng đủ được đội ngũ quản lý và nhân viên lành nghề cũng là một thách thức tiềm năng khác.

"Mặc dù lực lượng lao động của đất nước này vẫn đang tăng lên một triệu người mỗi năm nhưng người ta đang nói về tình trạng thiếu lao động rồi", ông Frederick R. Burke, Giám đốc điều hành Văn phòng luật Baker McKenzie tại Tp.HCM chia sẻ.

Việt Nam cũng chưa có nhiều các mạng lưới các công ty sản xuất linh kiện, bộ phận và vật liệu chuyên dụng như các nhà sản xuất có thể yêu cầu ở Trung Quốc. Bà Trần Thu Thủy, đại diện Công ty HTMP - công ty chuyên sản xuất khuôn kim loại mà các nhà máy sử dụng để sản xuất nhựa và các bộ phận đúc, cho biết, tất nhiên là rất vui nếu được làm việc với Apple.

Một ngày nào đó, HTMP có thể có thể chế tạo khuôn cho thân máy tính xách tay bằng kim loại. Nhưng bà Thủy cũng cho biết rằng công ty mình sẽ phải cải thiện bằng nhiều cách thức trước khi ngày đó thực sự đến. "Danh sách những thứ phải cải thiện là rất dài", bà Thủy nói.

Tuy nhiên, trước đó Việt Nam đã là "người khổng lồ" trong ngành công nghiệp sản xuất giày dép, quần áo và các loại hàng hóa thâm dụng lao động khác. Nike và Adidas hiện sản xuất một nửa số giày thể thao của họ tại Việt Nam. Khi các nhà máy mọc lên, Chính phủ Việt Nam đã cam kết cải thiện đường sá, cảng và nhà máy điện. Hà Nội cũng đã ký thỏa thuận với các chính phủ trên thế giới để giảm thuế quan, bao gồm cả thỏa thuận đạt được vào tháng trước với EU...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại