Lương hưu
Theo Đạo luật Cựu Tổng thống, các tổng thống Mỹ được hưởng lương hưu sau khi rời nhiệm sở, hiện là 210.700 USD/năm. Dù đạo luật này được lập ra sau câu chuyện về cuộc sống hậu Nhà Trắng của cựu Tổng thống Harry Truman, người đầu tiên được hưởng lương hưu theo luật là cựu Tổng thống Dwight Eisenhower. Các cựu Tổng thống Barak Obama, George W. Bush, Bill Clinton và Jimmy Carter hiện đều được nhận lương hưu này.
Phát biểu trước công chúng
Nhiều cựu tổng thống Mỹ thường xuyên có các bài phát biểu trước công chúng và mỗi lần làm vậy họ đều được trả thù lao lớn. Theo một đăng tải năm 2017 của tờ Los Angeles Times, ông Obama được trả tới 400.000 USD cho một lần diễn thuyết. Trong khi đó, khoản thù lao diễn thuyết cho cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush lần lượt là 200.000 USD và 700.000 USD (đã điều chỉnh theo lạm phát).
Bán sách
Xuất bản sách sau khi rời Nhà Trắng là việc phổ biến với nhiều cựu tổng thống Mỹ và bản quyền sách mang lại cho họ khoản thu nhập khổng lồ.
Năm 2017, ông Obama và vợ Michelle Obama ký hợp đồng sách với nhà xuất bản Penguin Random House với tổng giá trị hơn 60 triệu USD, theo Financial Times. Cựu tổng thống Mỹ đã xuất bản hai cuốn sách với Penguin Random House, trong đó có hồi ký "Dreams from My Father: A Story of Race and Inheritance" (Tạm dịch: Những giấc mơ từ Cha tôi: Câu chuyện về Chủng tộc và Kế thừa).
Theo AP, đầu năm 2019, bà Michelle Obama xuất bản cuốn hồi ký "Becoming" (Tạm dịch: Chất Michelle), còn ông Obama cũng xuất bản cuốn sách "A Promised Land" (Tạm dịch: Miền đất hứa).
Trước ông Obama, kỷ lục thuộc về cựu Tổng thống Bill Clinton với các hợp đồng trị giá khoảng 14 triệu USD (khoảng 21 triệu USD hiện tại) sau khi rời Nhà Trắng, theo Vox. Ông George W. Bush cũng nhận được khoảng 10 triệu USD nhờ xuất bản sách.
Trang Page Six mới đây dẫn nguồn tin giấu tên thân cận với Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang được nhiều hãng truyền hình và xuất bản săn đón. Theo nguồn tin, ông Trump có thể sẽ ký các thỏa thuận viết sách hoặc sản xuất truyền hình trong trường hợp bị thua trong cuộc chiến pháp lý liên quan tới phiếu bầu. Giá trị các hợp đồng truyền thông và xuất bản này có thể lên tới 100 triệu USD, nguồn tin cho biết.
Bản quyền thương hiệu
Cũng giống như những người nổi tiếng trong giới giải trí, các cựu chính khách cũng ký hợp đồng sử dụng hình ảnh với các thương hiệu.
Năm 2018, gia đình ông Obama ký hợp đồng với Netflix để hợp tác sản xuất nội dung cho nền tảng dịch vụ phát trực tuyến video này. Thương vụ đã cho ra đời hai bộ phim tài liệu "American Factory" và "Crip Camp", nhận được nhiều đánh giá tích cực. Trong đó, "American Factory" thậm chí còn thắng một giải Oscar.
Năm 2019, Spotify công bố hợp đồng với hãng Higher Ground Productions để sản xuất 9 tập podcast (chương trình phát thanh) do bà Michelle Obama dẫn chương trình với sự tham gia của nhiều khách mời, trong đó có cả ông Obama, theo The Verge.
Trong khi đó, ông Bill Clinton cũng ký một hợp đồng với hãng truyền thông iHeartMedia để sản xuất một chương trình podcast dự kiến ra mắt vào năm 2021. Đây là thương vụ podcast thứ hai của ông Clinton với hãng này..
Tham gia doanh nghiệp
Việc tham gia doanh nghiệp thường phổ biến hơn ở giới cựu nghị sĩ Mỹ, nhưng đôi khi các cựu tổng thống cũng đảm nhận vị trí trong hội đồng quản trị hoặc chức danh khác tại các doanh nghiệp.
Theo tờ Washington Post, ông Clinton được trả 18 triệu USD khi đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng danh dự cho một trường học. Từ năm 2002-2009, ông cũng làm cố vấn cho nhà đầu tư Ron Burkle và được trả hơn 12 triệu USD trong suốt khoảng thời gian này, theo Wall Street Journal.