Sắc lệnh mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ban hành sắc lệnh nhằm cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty có liên quan tới quân đội Trung Quốc, cho rằng việc đầu tư như vậy sẽ mang lại rủi ro lớn cho an ninh quốc gia.
Sắc lệnh này áp dụng với 31 công ty Trung Quốc mà Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là có liên kết với quân đội Trung Quốc. Danh sách này bao gồm những công ty công nghệ, công ty sản xuất và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, bao gồm tập đoàn truyền thông China Mobile, Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc, Huawei, tập đoàn Sinochem, công ty công nghệ Hikvision Hàng Châu, Tổng công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc, tập đoàn Inspur và Tổng công ty Công nghiệp Hàng không của Trung Quốc.
Ông Trump cho rằng các khoản đầu tư của người Mỹ vào các công ty này đang giúp Trung Quốc hoàn thiện các tham vọng quân sự. "Trung Quốc đang lợi dụng ngày càng nhiều nguồn lực của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa quân đội, tình báo và các cơ quan an ninh khác của Trung Quốc. Đây là hành vi đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Mỹ và lực lượng Mỹ ở nước ngoài," ông Trump tuyên bố.
Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1 tới, cấm việc mua cổ phiếu của các công ty Trung Quốc hoặc đầu tư vào các thị trường có những công ty nói trên. Tuy nhiên, lệnh này cho phép nhà đầu tư Mỹ có thời hạn tới ngày 11/11/2021 để rút vốn hoặc cổ phiếu có liên quan tới các công ty này.
Theo New York Times, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách "kết hợp quân sự - dân sự", tận dụng tài nguyên từ công ty nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân để hỗ trợ hoạt động tình báo và quân sự.
Chiến lược này đã khiến nhiều nhà lập pháp và chính trị gia tại Washington đề ra các biện pháp đối phó với công ty Trung Quốc, bất kể những công ty này có chính thức thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc hay không.
Peter Navarro, Giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất của Nhà Trắng, cho biết: “Nguồn vốn của Mỹ không nên được sử dụng để tài trợ cho việc chế tạo vũ khí nhằm chống lại Mỹ hay buộc quân đội Mỹ rời khỏi châu Á”.
Mỹ - Trung tách rời
Sắc lệnh này đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Washington nhằm vào các mối quan hệ tài chính giữa các nhà đầu tư tư nhân Mỹ và các tổ chức tài chính Trung Quốc. Hành động của ông Trump còn thể hiện một bước nữa trong nỗ lực "tách rời" các liên kết kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm trị giá hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc trong nỗ lực chặn nhập khẩu và khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Tuy vậy, thị trường tài chính của hai nước vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau.
Việc này đã bắt đầu thay đổi trong bối cảnh chính quyền ông Trump giám sát chặt chẽ các mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, bao gồm cả các liên kết tài chính.
Hồi tháng 5, một quỹ hưu trí liên bang đã tạm dừng kế hoạch đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc do áp lực của Quốc hội Mỹ. Tháng 8 vừa qua, một hội đồng chính phủ đã khuyến nghị buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ trừ khi những công ty này cho phép cho các cơ quan quản lý Mỹ tiếp cận hồ sơ tài chính của họ.
Sắc lệnh được đưa ra dựa trên cơ sở pháp lý của Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, cho phép tổng thống có thẩm quyền lớn trong việc điều chỉnh chiến lược thương mại nhằm đối phó với các mối đe dọa bất thường đối với Mỹ. Ông Trump cũng đã dựa vào thẩm quyền này để cấm các dịch vụ truyền thông xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc.
Các chuyên gia thương mại hiện đang suy đoán liệu ông Trump có thể đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong những tháng cầm quyền cuối cùng tại Nhà Trắng hay không. Trong khi đó, phía ông Trump vẫn chưa nhận thua cuộc, cho rằng sẽ chiến thắng và tiếp tục chức tổng thống trong nhiệm kỳ 2.