Trước đây, người ta thường tôn vinh Hoa hậu là tượng trưng của sự kết hợp giữa vẻ đẹp bên ngoài và sự tài giỏi, trí đức hơn người.
Từng có thời, các cuộc thi sắc đẹp này được khán giả thế giới đón xem để cổ vũ cho đại diện nước nhà. Tại nhiều nơi, vương miện Hoa hậu cũng được xem là bước đệm vững chắc để các người đẹp trở thành ngôi sao lớn trong showbiz.
Nhưng những năm gần đây, sự hứng thú của khán giả thế giới đối với các cuộc thi Hoa hậu đã giảm sút đáng kể.
Thậm chí ở nhiều nơi, người ta chẳng còn quan tâm đại diện nước mình đi thi Hoa hậu là ai, hay người đó có giành chiến thắng hay không. Hoa hậu khi về nước rồi cũng trở thành những người mẫu bình thường, chứ không thật sự nổi danh trong làng giải trí quốc tế.
Khán giả nhiều nước chẳng còn quan tâm tới Hoa hậu
Trừ một số quốc gia "cuồng Hoa hậu" như Philippines, Venezuela, Colombia và vài nước Nam Mỹ, thì các cuộc thi Hoa hậu, sắc đẹp hiện nay chẳng còn được khán giả thế giới chú ý đến nhiều, đặc biệt là ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Một ví dụ có thể kể ra là khi Hoa hậu Thế giới 2015 - Mireia Lalaguna trở về nước nhà Tây Ban Nha sau đăng quang, chỉ có người thân của cô ra nghênh đón, còn lại thì chẳng có khán giả nào đến sân bay để chào đón người đẹp vừa mang vương miện Hoa hậu Thế giới về cho Tây Ban Nha.
Ngoài người thân trong gia đình, thì chẳng khán giả Tây Ban Nha nào quan tâm tới Hoa hậu Thế giới 2015 để ra sân bay chào đón cô.
Lý do là vì Tây Ban Nha không còn xem trọng những cuộc thi sắc đẹp, nước này bắt đầu tin rằng những cuộc thi như Hoa hậu Thế giới hạ thấp phẩm giá của người phụ nữ.
Vì thế, sự quan tâm của người Tây Ban Nha dành cho những cuộc thi hoa hậu dần giảm đi. Đây là nguyên nhân chiến thắng của Mireia tại Hoa hậu Thế giới gần như không được đề cập trên các mặt báo nước này.
Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Unviverse) được xem là cuộc thi sắc đẹp hàng đầu thế giới. Nhưng đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ hồi đầu năm nay chỉ đạt rating 1,4 và hút 5,2 triệu người theo dõi trên đài Fox của Mỹ.
Con số rating này đã giảm 18% còn lượng người xem thì giảm 16% so với chung kết năm trước đó.
Trong cùng đêm chiếu chung kết Hoa hậu Hoàn vũ, những chương trình truyền hình bình thường của Mỹ như "60 Minutes" đã hút 11,4 triệu người xem, hay phim truyền hình "NCIS: Los Angeles" cũng có tới 11,2 triệu người xem. Tất cả đều ăn đứt số người xem Hoa hậu Hoàn vũ.
Khán giả Mỹ chẳng còn bao nhiêu người bật tivi xem Hoa hậu Hoàn vũ.
Theo The Wrap, rating và lượng khán giả theo dõi chung kết Hoa hậu Hoàn vũ đã giảm liên tục suốt những năm qua. Năm 2015, mặc dù sự cố MC Steve Harvey công bố nhầm người chiến thắng gây rầm rộ truyền thông quốc tế, nhưng rating và số khán giả theo dõi vẫn giảm so với năm trước đó.
Biểu đồ số hộ gia đình xem Hoa hậu ở Mỹ giảm dần qua các năm.
Bị phản đối vì hạ thấp giá trị phụ nữ
Không chỉ bị khán giả lạnh nhạt vì nhàm chán, mà các cuộc thi Hoa hậu cũng bị phản đối vì biến phụ nữ thành những bình hoa di động, mặc áo tắm trình diễn để mọi người nhận xét cơ thể, soi mói ngoại hình.
Nhiều người cho rằng vì những cuộc thi này, mà giá trị người phụ nữ chỉ bị xem là những gương mặt đẹp, những thân hình nóng bỏng không hơn không kém.
Năm 1970, khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Anh, nhiều người thuộc tổ chức bảo vệ nữ quyền đã tổ chức biểu tình, hò hét, ném bom khói và cà chua để thể hiện sự giận dữ.
Họ giơ những biểu ngữ như "Phụ nữ cũng là con người", "Chấm dứt cuộc thi Hoa hậu Thế giới"... Thậm chí các kênh truyền hình Anh đã từ chối phát sóng cuộc thi Hoa hậu Thế giới, khán giả chỉ có thể theo dõi qua mạng.
Năm 2011, khi cuộc thi này lại được tổ chức ở Anh, nhiều người thuộc tổ chức nữ quyền tiếp tục tổ chức biểu tình.
Một phụ nữ tên Jo chia sẻ: "Hãy nhìn những gì đang diễn ra. Xã hội này mong đợi gì từ những cô gái trẻ. Có quá nhiều áp lực đè lên họ: "Tôi trang điểm kỹ càng, tôi muốn mình lúc nào trông cũng thật xinh đẹp". Nhưng tới mức độ phải phẫu thuật thẩm mỹ thì có đáng không".
Ngoài người phụ nữ 70 tuổi này, còn có 100 người khác tham gia biểu tình bên ngoài nơi tổ chức chung kết Hoa hậu Thế giới năm 2011.
"Chúng tôi không xấu xí, cũng không xinh đẹp. Chúng tôi phẫn nộ".
Đăng quang Hoa hậu cũng không nổi bằng ca sĩ, diễn viên, người mẫu
Vì chẳng còn ai quan tâm đến Hoa hậu, nên một thực tế là sau khi đăng quang, các Hoa hậu trên thế giới đều dần chìm vào quên lãng.
Nhắc đến những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng như Taylor Swift, Angelina Jolie, mọi người cũng đều nhớ tên, biết mặt. Nhưng liệu mấy ai có thể kể tên được Hoa hậu Hoàn vũ hay Hoa hậu Thế giới đăng quang gần đây nhất?
Một ví dụ có thể kể đến là Olivia Culpo - Hoa hậu Hoàn vũ 2012. Với lợi thế là người Mỹ, nên sau khi đăng quang, cô được truyền thông Mỹ nhắc đến nhiều hơn các Hoa hậu Hoàn vũ khác. Nhưng đến nay, khán giả phương Tây chỉ nhớ đến cô nhờ từng là bạn gái Nick Jonas.
Đối với công chúng, Olivia giờ chỉ là một diễn viên, người mẫu hạng xoàng, đóng trong 2-3 bộ phim kinh phí thấp và được 2 triệu người theo dõi trên Instagram - con số siêu tí hon so với những IT girl mạng xã hội như Selena Gomez (129 triệu) hay Kylie Jenner (99 triệu).
Đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2012, nhưng Olivia Culpo hiện chỉ là sao rất nhỏ tại Hollywood.
Ví dụ khác là Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Iris Mittenaere. Tưởng như thắng một cuộc thi lớn như thế thì phải nổi tiếng lắm.
Nhưng hiện giờ Iris chỉ có 1,2 triệu người theo dõi trên Instagram và 78 nghìn người theo dõi trên Twitter, chứng tỏ chẳng ai trên thế giới thật sự... quan tâm cô Hoa hậu Hoàn vũ này là ai.
Không chỉ các nước Âu Mỹ, mà nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chẳng còn đoái hoài đến các cuộc thi Hoa hậu. Hai Hoa hậu Hàn Quốc đăng quang gần đây nhất như Kim Jin Sol và Kim Ha Eun giờ cũng không còn ai nhớ nổi tên như các diễn viên, idol đình đám.
Nhắc đến người đẹp Hàn Quốc, bạn nhớ đến Kim Tae Hee, Song Hye Kyo, nhưng có biết Kim Jin Sol và Kim Ha Eun là ai?
Những trường hợp hiếm hoi Hoa hậu trở thành ngôi sao nổi tiếng
Tất nhiên, cũng có một số ngoại lệ Hoa hậu trở thành ngôi sao nổi tiếng, như Aishwarya Rai - "Hoa hậu đẹp nhất mọi thời đại" đã trở thành một diễn viên, người mẫu rất thành công tại quê nhà Ấn Độ.
Cô đoạt nhiều giải thưởng danh giá và là người Ấn Độ đầu tiên trở thành thành viên ban giám khảo tại LHP quốc tế Cannes.
Aishwarya Rai là trường hợp hiếm hoi trở thành siêu sao sau khi đăng quang Hoa hậu Thế giới.
Một trường hợp nổi tiếng khác là Gal Gadot - Hoa hậu Israel 2004. Song, điều đáng nói là cái danh Hoa hậu chẳng phải thứ giúp Gal nổi tiếng, mà sự thật là công chúng nhớ đến cô qua các bộ phim bom tấn Hollywood "Wonder Woman", "Fast & Furious".
Còn chuyện Gal là Hoa hậu, thì phải sau khi tìm hiểu về cái cô đóng phim "Wonder Woman", người ta mới biết.
Gal Gadot nổi tiếng với công việc đóng phim Hollywood, chứ người ta chẳng để ý cô là Hoa hậu hay không.
Những trường hợp tương tự như Priyanka Chopra (Hoa hậu Thế giới 2000), Halle Berry (Á hậu Mỹ 1986), Michelle Pfeiffer (Hoa hậu Orange County 1978), Lynda Carter (Hoa hậu Thế giới Mỹ 1972), Oprah Winfrey (Hoa hậu Black Tennessee 1971), Vanessa Williams (Hoa hậu Mỹ 1984) cũng đều đi lên nhờ công việc diễn xuất, dẫn chương trình tại Hollywood.
Nhắc đến tên của các ngôi sao này, khán giả phương Tây chỉ nhớ đó là những minh tinh điện ảnh nổi tiếng, còn cái danh Hoa hậu trong quá khứ của họ chỉ là "hữu danh vô thực".
Người đẹp không còn đi thi Hoa hậu
Với thực trạng Hoa hậu bị lạnh nhạt, người đẹp ở các nước lớn giờ chẳng còn đi thi Hoa hậu, mà đổ xô đi làm người mẫu, diễn viên. Điều này có thể nhận thấy qua nhan sắc của các Hoa hậu đăng quang tại Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong... những năm gần đây.
Dù họ là người chiến thắng một cuộc thi sắc đẹp, nhưng so sánh với nhan sắc của các ngôi sao trong showbiz thì quả là sự chênh lệch lớn.
Nhan sắc một Hoa hậu Mỹ từng đăng quang.
Và nhan sắc các ca sĩ, siêu mẫu nổi tiếng của Mỹ.
Hoa hậu Hong Kong Lôi Trang Nhi bị chê răng hô và kém sắc.
Ảnh Lôi Trang Nhi trước khi thi Hoa hậu Hong Kong lại càng cho thấy "người phụ nữ lẽ ra đẹp nhất Hong Kong" có nhan sắc rất tầm thường.
Những giai nhân đẹp thật sự của Hong Kong như Chung Hân Đồng giờ đều đi làm ca sĩ, diễn viên.
Gần đây nhất, nhan sắc của người chiến thắng Hoa hậu Trái đất - 1 trong 4 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới - cũng khiến dân tình "cạn lời". Chẳng lẽ "người đẹp nhất Trái đất" chỉ đến thế này?