Các cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Liên Xô và Israel

Lê Ngọc |

Mặc dù trên thực tế không bao giờ được công khai, chiến tranh tàn khốc và bí mật Liên Xô - Israel đã kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Họ bắt đầu như những người bạn thân thiết, nhưng kết thúc như kẻ thù cay đắng. Liên Xô đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhà nước Israel hiện đại vào năm 1948 và là một trong những nước đầu tiên công nhận và ủng hộ cuộc chiến vì độc lập của quốc gia này (1947-1949).

Các cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Liên Xô và Israel - Ảnh 1.

Chiếc Mig-21 Không quân Ai Cập. Nguồn: moddb.com

Tuy nhiên, trong vòng xoáy chính trị ở Trung Đông , Liên Xô và Israel đã sớm đứng ở hai chiến tuyến. Trong cuộc xung đột kéo dài giữa Arab - Israel, Liên Xô đã ủng hộ các quốc gia Arab, trong khi Israel được Mỹ ủng hộ.

Cho đến cuối năm 1991, Liên Xô đã hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia Arab và gửi tới đây vũ khí mới nhất cùng hàng nghìn chuyên gia quân sự. Và mặc dù Moscow không bao giờ tuyên bố chiến tranh với Israel, binh lính của hai bên đã chạm trán nhau trên chiến trường không dưới một lần.

Bẫy thòng lọng Không quân Liên Xô

Trong thời kỳ gọi là Chiến tranh tiêu hao (1967-1970), Không quân Ai Cập hoàn toàn vô dụng. Bị áp đảo bởi Israel, Không quân Ai Cập đã không thể bảo vệ được các mục tiêu công nghiệp và năng lượng quan trọng của đất nước khỏi các vụ đánh bom. Không để đồng minh thất thủ, Liên Xô đã đảm trách việc bảo vệ bầu trời Ai Cập, nhưng không thể hiện là tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

Các cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Liên Xô và Israel - Ảnh 2.

Chiếc F-4E Phantom II không quân Israel. Nguồn: wikipedia.org

Các lực lượng phòng không Liên Xô được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không S-75 Dvina, cũng như các phi đội máy bay chiến đấu MiG-21 cùng phi công đã được bí mật phái đến nước này và đóng quân tại Cairo, Alexandria và Aswan. Các máy bay chiến đấu đã được tháo rời tại Liên Xô, và được các máy bay vận tải An-12 bí mật chuyên chở; tại điểm đến, chúng được ghép lại và sơn màu của Không quân Ai Cập.

Các quân nhân đã để lại chứng minh thư của họ, và mặc đồng phục Ai Cập. Trước khi các phi công đi Trung Đông, họ đã được Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Andrei Grechko hướng dẫn: Các đồng chí, đừng quên nếu bị bắn hạ bên ngoài Kênh đào Suez, chúng ta không ai biết ai.

Sở tình báo Israel Mossad ngay lập tức phát hiện ra việc người Nga đến Ai Cập. Lúc đầu, các máy bay chiến đấu MiG-21 của Liên Xô và Phantom, Mirage của Israel đã tránh đụng độ trực tiếp, thăm dò nhau từ xa. Tuy nhiên, khi Liên Xô tấn công và làm hỏng một máy bay tấn công Skyhawk, thì “quý ông lịch sự” kia cũng trở mặt. Không quân Israel quyết định tiến hành Chiến dịch Rimon 20, và nó trở thành một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử hậu Thế chiến II của Không quân Liên Xô.

Ngày 30/7/1970, 12 máy bay chiến đấu Mirage và 4 Phantom của Israel xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ai Cập. Chúng bay ở độ cao thấp nhất và gần nhau nhất có thể. Chiến thuật như vậy cho phép che giấu quân số thực sự, vì thay vì nhiều mục tiêu, đối phương chỉ nhìn thấy một số ít máy bay trên màn hình radar.

Liên Xô đã tung 24 chiếc MiG-21 đánh chặn các máy bay trinh sát (như họ nghĩ), thay vì phải đối mặt 16 máy bay chiến đấu với các phi công giỏi nhất mà Israel tuyển lựa cho nhiệm vụ này. Người Israel có nhiều kinh nghiệm hơn đã tiếp cận con mồi, tấn công từ các hướng khác nhau và bắn hạ 4 máy bay Liên Xô, mà không mất một máy bay nào (có tài liệu viết, chỉ trong 3 phút, Liên Xô mất 5 chiếc Mig-21 - hai chiếc do máy bay Phantoms, hai chiếc do máy bay Mirages và một chiếc do cả hai loại máy bay bắn hạ; Israel mất 1 chiếc).

Vụ việc đã gây sốc cho giới lãnh đạo Liên Xô và ngay lập tức họ đã ngừng các chuyến bay hàng không quân sự trong khu vực.

Bảo vệ Syria

Ai Cập không phải là đồng minh Arab duy nhất của Liên Xô không thể phòng thủ trước Không quân Israel. Nước cũng trông chờ trong tuyệt vọng chiếc ô Liên Xô là Syria, đặc biệt là trong thời gian chiến tranh tàn phá Lebanon - nơi cả người Syria và người Israel đều cùng có lợi ích.

Các đơn vị phòng không Liên Xô cải trang của Syria đã bắn hạ bốn máy bay Israel trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến năm 1982. Người thay đổi trò chơi thực sự là hai trong số các hệ thống tên lửa đất đối không mới nhất S-200 cùng với kíp chiến đấu là những người đã đến Syria với tư cách là “khách du lịch”. Để bao trùm bầu trời ở phía bắc và phía nam Syria, các hệ thống S-200 được bố trí ở Homs và ở Al-Dumayr - gần Damascus.

Có khả năng tiêu diệt bất kỳ máy bay địch hoặc máy bay không người lái nào ở khoảng cách 180km, S-200 ngăn chặn mọi hoạt động của máy bay Israel gần biên giới Syria. Tháng 9/1983, S-200 đã bắn hạ một máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye của Israel, luôn được bảo vệ bởi các máy bay chiến đấu hộ tống, đóng vai trò là sở chỉ huy bay, chỉ thị mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng bom.

Liên Xô và Israel đã đối đầu không chỉ trên bầu trời. Ngày 20/7/1982, một đơn vị đặc nhiệm của Israel đã đổ bộ vào hậu phương Syria, ở khu vực đường Damascus-Beirut, tấn công trụ sở của cố vấn quân sự Liên Xô - nơi cả sĩ quan và nhân viên thông tin của Liên Xô và Syria đóng quân. Người Nga đã buộc phải tham gia chiến đấu với người Israel và giữ các vị trí cho đến khi một đại đội xe tăng Syria đến giải cứu. Kết quả là hai sĩ quan Syria và hai trung sĩ Liên Xô đã thiệt mạng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại