Các công ty Mỹ trên con đường rời bỏ Trung Quốc

Khánh Ngọc |

Tổng thống Trump đã làm náo loạn Phố Wall khi ông yêu cầu các công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhưng thực tế, từ trước đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện các bước trong kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang.

Vào ngày 23/8, ông Trump đã viết lên Twitter, ra lệnh cho các công ty Mỹ nhanh chóng tìm kiếm một nơi thay thế cho Trung Quốc cũng như bắt đầu sản xuất sản phẩm tại chính nước Mỹ. Để làm như vậy, ông đã trích dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) - được thông qua vào năm 1977 để đối phó với "một mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hay nền kinh tế của Mỹ". Mối đe dọa mà Tổng thống nhắc đến khiến các nhà đầu tư "đứng ngồi không yên", chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc hơn 600 điểm.

Thứ Sáu tuần trước, ông Trump đã tiếp tục gây áp lực với General Motors vì sự hiện diện rộng rãi ở Trung Quốc và đặt câu hỏi liệu nhà sản xuất ô tô này có chuyển hoạt động sang Mỹ hay không.

Không có tổng thống Mỹ nào viện dẫn luật pháp như một đòn bẩy trong tranh chấp thương mại, chưa nói đến việc cắt đứt quan hệ thương mại với một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Thật vậy, trong thế kỷ qua, chính quyền Mỹ đã chủ yếu triển khai IEEPA để truy tố tội buôn bán ma túy hoặc khủng bố tài chính thông qua các biện pháp trừng phạt hoặc hình phạt kinh tế khác.

Không rõ ông Trump sẽ thực hiện chỉ thị này như thế nào, hoặc dưới thẩm quyền của cơ quan nào. Nếu ông làm mạnh hơn nữa, các công ty có thể gặp những rắc rối và dẫn đến kiện tụng. Ngay cả khi đó, cũng không chắc tòa án sẽ phán quyết như thế nào. Một số nhà phân tích cho rằng luật pháp cho phép tổng thống Mỹ thực hiện một số hành động hạn chế các công ty kinh doanh tại Trung Quốc, bằng cách ngăn chặn các khoản đầu tư trong tương lai, nhưng điều này không cho phép chính quyền Trump ra lệnh cho họ di dời.

Kế hoạch kinh doanh thay đổi

Các công ty Mỹ đã bắt đầu thực hiện các bước để đa dạng hóa sản xuất trong bối cảnh căng thẳng bùng nổ trong năm qua, nhưng lệnh mới nhất này buộc vô số ngành công nghiệp phải vật lộn với sự bất ổn thương mại leo thang.

Sau mức áp thuế 15% lên hàng loạt hàng hoá Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9, Tổng thống Trump cho biết sẽ tăng mức thuế hiện tại đối với 250 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 1/10. Bị đè nặng bởi tranh chấp thương mại kéo dài trong năm qua, Trung Quốc đã không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và hiện chỉ đứng ở vị trí thứ ba.

Rất ít công ty đang lên kế hoạch chuyển toàn bộ hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Điều này chứng minh rằng các "ông lớn" của Mỹ về công nghiệp và công nghệ đang phụ thuộc vào cơ sở sản xuất của Trung Quốc như một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của họ. Trung Quốc vẫn sản xuất khoảng 25% tổng số hàng hóa sản xuất trên toàn thế giới - một phần do khó khăn trong việc tìm kiếm đủ lực lượng nhân công ở những quốc gia khác.

Có nhiều sự tương đồng với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia gần đây đã thu hút sự chú ý, trở thành điểm đến tiềm năng cho các công ty Mỹ tìm nguồn cung ứng thay thế. Nhiều công ty đã chuyển thành công một số sản phẩm đến những nước này, nhưng nhiều công ty cũng gặp trở ngại bởi sự khan hiếm chuỗi cung ứng đặc thù và tình trạng thiếu lao động (ở Campuchia, hơn 40% tất cả hàng hóa được kiểm tra trong quý trước không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm tra).

Lấy ví dụ về Boeing - nhà sản xuất máy bay có trụ sở tại Seattle này không "cam tâm" từ bỏ thị trường Trung Quốc trong một sớm một chiều khi mới mở nhà máy cho máy bay phản lực 737 Max vào cuối năm ngoái. Việc di chuyển sản xuất cũng có thể khiến Boeing có nguy cơ phải nhượng lại "đất" cho đối thủ Airbus, đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc. Boeing ước tính sẽ đem lại hơn 1 tỷ USD/năm cho kinh tế Trung Quốc. Công ty đã giao 200 máy bay 737 Max mới cho hãng hàng không Trung Quốc Xiamen vào mùa thu năm ngoái.

Apple là một ví dụ điển hình khác. Hầu hết các sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ này được sản xuất tại Trung Quốc và nhà cung cấp lớn nhất Foxconn sản xuất phần lớn Iphone tại 29 nhà máy ở tỉnh Trịnh Châu. Tổng cộng, khoảng 50% nhà cung cấp của Apple có trụ sở tại Trung Quốc, tăng 5% chỉ trong bốn năm qua. Phải mất nhiều năm để Apple rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn và có thể dọn đường cho các đối thủ như Samsung lấn sang thị phần của mình. Apple từng thất bại trong việc sản xuất máy tính cao cấp tại Mỹ do thiếu nhà cung cấp linh kiện phù hợp.

Tuy nhiên, Apple vẫn yêu cầu các nhà cung cấp lớn của mình đánh giá chi phí cho việc di chuyển từ 15% đến 30% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ở Đông Nam Á. Bởi vì đồng hồ thông minh và tai nghe không dây AirPod hiện phải đối mặt với mức thuế 15%, trong khi thuế đối với iPhone có thể có hiệu lực vào ngày 15/12.

Các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ đang nối gót Apple. Các nhà sản xuất máy tính HP Inc. và Dell Technologies dự định chuyển 30% công suất sản xuất máy tính xách tay ra khỏi Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, Google đang chuyển sản xuất điện thoại Pixel, thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ năm ở Mỹ, sang Việt Nam, sớm nhất là vào mùa thu này. Google cũng có kế hoạch chuyển sản xuất phần lớn lượng phần cứng cho thị trường Mỹ sang Việt Nam.

Đối với hàng trăm công ty Mỹ, đáng chú ý là các thương hiệu bán lẻ như Starbucks, "dứt áo ra đi" khỏi Trung Quốc là một điều khó mà thực hiện được. Gregory Johnson, CEO của O’Reilly Automotive, cho biết hãng cung cấp phụ tùng xe hơi này đang tìm kiếm nơi có nguồn cung ứng thay thế, nhưng không thể thay đổi trong ngày một ngày hai vì chưa nơi nào đủ năng lực đáp ứng như Trung Quốc.

Các công ty Mỹ trên con đường rời bỏ Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhưng chiến tranh thương mại leo thang đang "thuyết phục" một số lượng lớn các công ty đa quốc gia của Mỹ - ngoại trừ các công ty công nghệ lớn - chuyển sản xuất sang các nước ít bị áp thuế, như Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và thậm chí trở lại Mỹ.

Cụm từ "Made in China" đã mất đi giá trị

Ngay cả trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu vào năm ngoái, một số nhà máy sản xuất đã bắt đầu rời khỏi Trung Quốc do kinh tế tăng trưởng chậm, chi phí lao động tăng và các quy định môi trường chặt chẽ nơi đây.

Trong tháng qua, áp lực càng tăng lên cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Để thích ứng với một sân chơi ngày càng biến động, các doanh nghiệp đang có những định hướng mới về chuỗi cung ứng.

Trong một cuộc khảo sát hàng năm được thực hiện vào tháng Sáu bởi Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc, gần 30% trong số 220 công ty tham gia khảo sát cho biết họ đã hoãn hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư vào Trung Quốc hoặc Mỹ do bất ổn định thương mại. Mặc dù chỉ có 13% có kế hoạch cụ thể chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, nhưng con số này đã tăng đều đặn từ 10% vào năm 2018 và 8% vào năm 2017. Sự thay đổi có thể rõ rệt hơn khi cuộc khảo sát tiến hành vào thời điểm các quan chức ở Bắc Kinh và Washington bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường ưu tiên của hầu hết các công ty được khảo sát. Trong số các công ty quyết định giảm đầu tư mới, 60% cho biết do chi phí tăng hoặc sự bất ổn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Hơn nữa, các doanh nghiệp Mỹ đưa ra một viễn cảnh ảm đạm về triển vọng dài hạn của họ ở Trung Quốc: 14% số doanh nghiệp được hỏi bi quan về môi trường kinh doanh Trung Quốc trong vòng 5 năm tới, so với 9% vào năm trước.

Các công ty công nghiệp, bán lẻ đi tìm vùng đất mới

Các lĩnh vực khác nhau phải đối mặt với những thách thức khác nhau và quy mô khác nhau của sự bất ổn định.

Trong một thập kỷ trở lại đây, các nhà sản xuất đồ chơi, giày và hàng may mặc cũng dần chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các công ty này chịu ảnh hưởng bởi sự hội tụ của các yếu tố, đáng chú ý nhất là mức lương công nhân trung bình tăng 8 lần kể từ năm 2004. Mức bồi thường sản xuất trung bình mỗi giờ ở Trung Quốc là 4,12 USD, so sánh với 1,59 USD ở Ấn Độ.

Các công ty Mỹ trên con đường rời bỏ Trung Quốc - Ảnh 2.

Công nhân nhà máy gia công giày ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Nhiều nhà bán lẻ đang "đau đầu" tìm nguồn cung mới do sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và các thị trường cung ứng chi phí cao khác.

Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro đã chuyển hướng kinh doanh ra khỏi Trung Quốc từ năm 2012, tiên phong cho ngành bán lẻ quy mô rộng hơn. Hasbro đã tìm thấy những cơ hội tuyệt vời ở Việt Nam, Ấn Độ và các vùng lãnh thổ khác như Mexico, thậm chí là quay lại Mỹ.

Hasbro không phải là nhà bán lẻ duy nhất có kế hoạch chuyển phần lớn hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc trong tương lai gần.

Một nhà bán lẻ khác là công ty may mặc đồ trẻ em Carter có trụ sở tại Atlanta cũng đang đẩy nhanh việc chuyển sản phẩm từ Trung Quốc sang Mỹ, từ 26% năm ngoái xuống còn 20% trong năm nay.

Rời khỏi Trung Quốc, nhưng không quay về Mỹ

Trong khi ngày càng có nhiều công ty sắp xếp lại hoạt động, mở rộng thị trường ra toàn cầu, chỉ có 3% kế hoạch chuyển hoạt động tại Trung Quốc về Mỹ, theo một cuộc điều tra kinh doanh gần đây.

Nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ cao, Việt Nam đang chứng tỏ là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ ​​tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong quý II/2019, vượt xa mức tăng trưởng 6,2% của Trung Quốc. Năm ngoái, Việt Nam đã đón đầu hoạt động sản xuất so với những nền kinh tế lớn khác ở châu Á, theo IHS Markit. Đơn xin cấp phép đầu tư nước ngoài tăng 26% trong nửa đầu năm 2019 so với một năm trước.

Nhà bán lẻ quần áo Chico, nhà sản xuất nước hoa Sensient Technologies, nhà cung cấp phụ tùng ô tô Genuine Parts và nhà sản xuất máy móc công nghiệp Ingersoll-Rand đều đang "để ý" đến Việt Nam.

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng sẽ sớm tăng trưởng.

iRobot, công ty đứng sau máy hút bụi robot Roomba, đang lên kế hoạch chuyển những dòng robot đời đầu sang Malaysia, dự kiến sẽ sản xuất ở đó từ cuối năm nay.

Hãng thời trang Steven Madden có trụ sở tại Long Island City bắt đầu chuyển sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia vào năm 2015. Campuchia dự kiến sẽ sản xuất 30% tổng lượng sản phẩm cho công ty vào cuối năm nay.

Về phần mình, Fastenal - công ty gia công, phân phối phụ tùng kim loại có giá trị thị trường 17 tỷ USD cho biết dù đã tăng giá sản phẩm nhưng cũng không đủ để bù đắp chi phí thuế quan và lạm phát liên quan. Fastenal đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan vào mùa thu năm ngoái.

Mexico cũng thu hút nhiều sự chú ý từ các công ty phụ tùng ô tô và công nghệ. Juniper Networks và Microchip Technology đều đã chuyển sản xuất tới đây, nhằm bù đắp chi phí thuế quan liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại