Vào ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc khóa đào tạo cán bộ trẻ và trung niên tại trường đảng đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Vương Hỗ Ninh, Chủ nhiệm văn phòng trung ương ĐCSTQ Đinh Tiết Tường, Trưởng ban tuyên giáo trung ương ĐCSTQ Hoàng Khôn Minh, Trưởng ban tổ chức trung ương ĐSTQ Trần Hy đồng tham dự lễ khai mạc.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình yêu cầu đội ngũ quan chức trẻ phải có tinh thần đấu tranh và khả năng đấu tranh, bởi ông cho biết, những rủi ro mà ĐCSTQ phải đối mặt ngày càng trở nên phức tạp và thậm chí là những tình huống hiểm nguy không thể lường trước được.
"Rủi ro mà chúng ta [Trung Quốc] đối mặt không phải xảy ra trong ngắn hạn mà là lâu dài, ít nhất nó sẽ song hành đến khi Trung Quốc thực hiện được mục tiêu 100 năm thứ hai - năm 2049, đúng 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc phát biểu: "Hiện tại và trong tương lai, sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn không ngừng tích lũy, thậm chí nhiều thách thức rủi ro tập trung thấy rõ. Các cuộc đấu tranh lớn sẽ không hề ít và ngày càng phức tạp, bao trùm lên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng nền văn minh sinh thái, xây dựng quốc phòng và xây quân đội, vấn đề Hồng Kông, Macau và Đài Loan, công tác ngoại giao, xây dựng đảng".
"Các cán bộ lãnh đạo cần có kiến thức uyên bác để chỉ cần thấy ngọn cỏ dao động là biết hươu qua, thông lay gió thổi biết hổ tới, lá xanh sang màu biết thu đã về, phải có phán đoán khoa học về những rủi ro tiềm ẩn, biết rủi ro xuất phát từ đâu, hình thức biểu hiện là gì, xu hướng phát triển như thế nào, cần đấu tranh thì phải đấu tranh", ông nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, "đấu tranh" đã trở thành một từ xuất hiện với tần suất dày đặc trong các tài liệu và bài phát biểu quan trọng của ĐCSTQ. Trong báo cáo của Đại hội toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ năm 2017, từ "đấu tranh" đã xuất hiện tới 23 lần.