Các chiêu trò “báo chốt” 141 và CSGT mới của cư dân mạng

Hà My |

Sau vụ việc xử phạt một đối tượng thường xuyên báo điểm chốt thông qua nhóm Facebook, nhằm qua mặt lực lượng chức năng, cộng đồng mạng ngày càng tinh vi hơn khi dùng các câu thơ hay mật mã, ám hiệu… để thông báo địa điểm tổ tuần tra 141 và CSGT đang làm nhiệm vụ.

Ngày 25/6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP Hà Nội đã xử lý một trường hợp thường xuyên báo “chốt” trên mạng xã hội Facebook.

Để tranh nén, những ngày gần đây, cộng đồng mạng tiếp tục có những hành động cực kì tinh vi về việc thông báo vị trí các tổ công tác 141, Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên địa bàn thành phố. Thay vì ghi rõ địa chỉ, tên đường thì giờ các tài khoản mạng xã hội sử dụng thơ, mật mã hay đặc biệt còn dưới dạng đuổi hình bắt chữ.

Các chiêu trò “báo chốt” 141 và CSGT mới của cư dân mạng - Ảnh 1.

Với bài đăng dưới dạng đuổi hình bắt chữ trên nhằm chỉ địa điểm “hồ Hoàng Cầu”.

Các chiêu trò “báo chốt” 141 và CSGT mới của cư dân mạng - Ảnh 2.

Sử dụng thơ để báo chốt.

Trong nhóm facebook “Tránh chốt – Thông báo chốt 141 và Giao thông” có hơn 3 nghìn thành viên. Nội dung của nhóm tràn ngập những chia sẻ được cư dân mạng gọi là “báo chốt”. Điều đáng quan ngại là hầu hết các bài viết đều nhận được lượt tương tác khủng, lên đến hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt bình luận.

Theo một số tài khoản mạng xã hội, mục đích các bài đăng là “không xấu”, bởi giúp thành viên trong nhóm biết được vị trí của tổ công tác để khi tham gia giao thông có thể tránh được việc bị cơ quan chức năng xử phạt khi có vi phạm. Một số khác cho rằng, những bài viết như vậy đôi khi mang lại phút giây thư giãn bởi khiến người đọc tò mò, suy nghĩ.

Tuy nhiên, việc báo chốt của các nhóm trên mạng xã hội lại tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Lực lượng 141 có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông; kiểm tra các phương tiện giao thông khả nghi tàng trữ vũ khí, ma tuý và các tài sản nghi do tội phạm mà có.

Nếu như các thành phần sử dụng rượu bia, tàng trữ chất kích thích hay thậm chí là tội phạm truy nã sau khi biết được địa điểm hoạt động của tổ công tác, chắc chắn họ sẽ tìm cách đi đường khác để tránh cơ quan chức năng. Đây chính là hệ luỵ cho xã hội và có thể là nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Hiện nay vẫn còn nhiều nhóm kín và riêng tư trên facebook về việc “báo chốt”. Người dân, đặc biệt là các bạn trẻ cần nhận thức rõ vai trò của tổ công tác, Cảnh sát giao thông là nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội để từ đó chấm dứt hành động “báo chốt” dưới mọi hình thức.

Căn cứ điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại