Các “bà đầm thép” trong cuộc đua vào vị trí Thủ tướng Anh

Tuệ Minh |

Hai ứng viên dẫn đầu cho vị trí thay thế Thủ tướng Anh David Cameron sắp tới đều là “phái đẹp”, những người phụ nữ dám phá vỡ các rào chắn nhưng lại thể hiện những quan điểm hoàn toàn khác nhau.

Sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức vào mùa thu tới do tác động của cuộc trưng cầu dân ý Brexit, hai ứng viên chính cho vị trí này đã lộ diện, đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Theresa May, người bỏ phiếu ở lại và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Andrea Leadsom, đại diện cho chiến dịch rời khỏi EU.

Dù người chiến thắng là ai, họ cũng sẽ phải giải quyết những khó khăn thời kỳ hậu Brexit và cả hai ứng viên này đều cho thấy những quan điểm hoàn toàn khác biệt.

Theo bà Theresa May, Vương quốc Anh không nên viện đến Điều 50, Hiệp ước Lisbon để quyết định cách thức rời khỏi Liên minh châu Âu trước cuối năm nay.

Tôi không nghĩ rằng có thể đưa ra một thời hạn cụ thể nào bởi điều quan trọng là chúng ta thực hiện theo một lộ trình đúng đắn và chúng ta có một thỏa thuận hợp lý cho nước Anh. Vì vậy, tôi mới nói rằng chúng ta không nên viện dẫn tới Điều 50 ngay lập tức”, bà May cho biết.

Bộ trưởng Nội vụ Anh khẳng định rằng việc đàm phán Brexit cần phải được soạn thảo và đưa ra trước khi cần đến Điều 50, bởi sau đó việc thay đổi về cơ bản là không thể thực hiện được.

Đối thủ của bà, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Andrea Leadsom, ngược lại, cho rằng Vương quốc Anh nên tiến hành theo Điều 50 sớm nhất có thể. Bà khẳng định việc làm này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới các doanh nghiệp và góp phần sớm ổn định kinh tế Anh.

Bà nhận định: “Điều mà tôi tin tưởng là chúng ta cần phải thực hiện theo Điều 50. Chúng ta cần nắm lấy cơ hội, đó không chỉ là việc Anh rời khỏi EU mà còn tạo cho kinh tế Anh một nền tảng chắc chắn.

Đó là thông điệp chúng ta cần phải gửi đến thế giới: “Anh là một nền kinh tế mở, hãy đến với Anh để đàm phán các hiệp định tự do thương mại sớm nhất có thể”.

Tiến trình đàm phán và thời kỳ hậu Brexit chắc chắn sẽ là điểm mấu chốt trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Thủ tướng Anh thời gian sắp tới, ví dụ như bà Leadsom hay Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, đều cho rằng lãnh đạo tiếp theo cần phải là người ủng hộ rời đi, trong khi những người chỉ trích khác, bao gồm bà May, lại thể hiện quan điểm nước Anh không chỉ cần một “nhà lãnh đạo Brexit” mà là một người có thể “chèo lái” đất nước hoạt động hiệu quả trong mọi lĩnh vực.

Trước đó, theo BBC, vào cuối tuần qua, hàng nghìn người hôm nay tập trung biểu tình quanh London để phản đối quyết định Anh rời Liên minh châu Âu. Cuộc biểu tình mang tên “Tuần hành vì châu Âu” được kêu gọi thông qua mạng xã hội.

Những người tham gia biểu tình cầm các tấm biển với dòng chữ “Bremain” với ý nói nước Anh ở lại EU hay “Chúng tôi yêu EU” và đi vòng quanh thủ đô London.

Người dân Anh ngày 23/6 tổ chức bỏ phiếu về việc nước này có nên rời khỏi EU hay không. Kết quả cho thấy phe chọn rời EU, hay Brexit, chiến thắng với 51,9% số phiếu ủng hộ. Thủ tướng Anh David Cameron, lập trường ủng hộ ở lại EU, tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại