Serbia: Muốn tiền của phương Tây nhưng "không dám buông tay" Nga

Thi Anh |

Serbia đang chật vật giữ thế cân bằng trong quan hệ với EU, NATO và liên minh chính trị kéo dài hàng thế kỷ với Nga.

Bị hấp dẫn bởi phương Tây

Belgrade đang bị hấp dẫn bởi phương Tây, cộng đồng vẫn luôn tìm cách lôi kéo nước này về phe mình, kể từ sau khi Slobodan Milosevic bị lật đổ năm 2000. Hiện, Serbia đang là ứng viên cho vị trí thành viên của Liên minh châu Âu EU. Còn khối này là đối tác thương mại hàng đầu của Belgrade.

Serbia cũng đang âm thầm tiến về phía NATO mặc dù phần lớn người Serbia vẫn còn khá dè dặt với mối quan hệ này. Serbia là một trong số ít các quốc gia Balkan không nằm trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhưng vào năm 2006, nước này đã gia nhập chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO sau khi duy trì trạng thái trung lập về quân sự và đến 2015, Belgrade đã ký kết Kế hoạch Hành động Quan hệ Đối tác Cá nhân - mức độ hợp tác cao nhất giữa NATO và một quốc gia không có ý định gia nhập tổ chức.

"Serbia tỏ ra quan tâm tới mối quan hệ đối tác với NATO. Mối quan hệ giữa 2 bên đang phát triển. Lợi ích dành cho Serbia cũng gia tăng", Gordon Duguid, Phó Đại sứ Mỹ tại Serbia nhận định.

Tuy nhiên, trên thực tế, Serbia hành xử khá thận trọng.

"Serbia không thể theo NATO hoàn toàn. Nước này sẽ chỉ duy trì mức độ hợp tác tối đa với tổ chức, mà không thay đổi tư cách thành viên", ông Genady Sysoev, phóng viên tờ Kommersant của Nga, chuyên gia về chính sách của Moskva cho biết.

Mối quan hệ không thể buông bỏ

Rõ ràng, Belgrade không muốn làm tổn hại tới mối quan hệ bằng hữu với Nga, quốc gia từng sát cánh bên mình. Belgrade chia sẻ nhiều truyền thống với Nga và phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moskva.

Serbia: Muốn tiền của phương Tây nhưng không dám buông tay Nga - Ảnh 1.

Serbia phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Như một minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên, năm 2012, Belgrade cho phép Moskva thiếp lập một căn cứ ở thành phố miền Nam Nis, nhằm phục vụ công tác phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp như cháy rừng hoặc lũ lụt.

Belgrade cũng không đồng tình với hành động cấm vận Nga của phương Tây. Nước này đã rất cẩn trọng, tránh động chạm tới đồng minh lâu năm.

Kể từ năm 2000, ông Vladimir Putin, ở cả cương vị Tổng thống và Thủ tướng, đã nhiều lần tới thăm Serbia. Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic và Thủ tướng Aleksandar Vucic cũng đã tới Moskva công du vài dịp. Theo sau đó là các hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn.

Trong khi đó, năm 2015, quân đội Serbia đã tham gia vào 197 hoạt động với NATO và 370 hoạt động song phương khác với các nước thành viên của tổ chức. Chỉ 36 hoạt động trong số đó được tổ chức với Nga. Trong số 21 cuộc tập trận huấn luyện đa quốc gia, chỉ có 2 lần có sự tham gia của Nga.

Một quan chức quốc phòng của Serbia tuyên bố: "Nga vẫn là một đối tác. Chúng tôi sẽ không gia nhập NATO nhưng con đường của chúng tôi hướng về phía Tây".

Mặc dù sợ đánh mất nguồn đầu tư và viện trợ của phương Tây nhưng các chính trị gia Serbia cũng không muốn công khai thừa nhận và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với NATO, bởi họ không muốn gây hiềm khích với những người ủng hộ Nga hoặc bất mãn với NATO.

Rất nhiều người Serbia không có thiện cảm với tổ chức này sau chiến dịch không kích 1999, khiến lực lượng Serbia bị đẩy ra khỏi Kosovo.

"Họ sợ thứ hạng của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu đề cập tới NATO, bởi tổ chức này không được nhiều người (Serbia) coi trọng", Milan Karagaca, một chuyên gia của Trung tâm Chính sách Nước ngoài của Belgrade cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại