Hai lý do khiến TQ liên tục bành trướng trên Biển Đông

Thi Anh |

Theo The Diplomat (Nhật Bản), chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông đã bộc lộ dã tâm, cũng như điểm yếu của nước này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ráo riết lấp đất, lấn biển và bồi đắp đảo trái phép trên biển Đông. Khu vực mà nước này xây lấn trái phép đã lên tới 12km2. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự.

Phân tích mô hình đầu tư và thương mại của Trung Quốc, Diplomat chỉ ra 2 động cơ chính khiến Trung Quốc bám chặt lấy chiến lược "đắp đảo" trên biển Đông của mình. Đó là tham vọng thương mại và yếu kém về hàng hải.

"Đế chế" thương mại của Trung Quốc, được thiết lập bằng mối quan hệ giao thương với châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Tuy nhiên, mối quan hệ này lại liên kết khá yếu.

Hai lý do khiến TQ liên tục bành trướng trên Biển Đông - Ảnh 1.

Đường thủy - tuyến thương mại trọng yếu.

Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận, nhưng điều đó lại bộc lộ những thách thức an ninh to lớn. Từ xưa, Trung Quốc vốn đã được coi là "nước lớn" nhưng lực lượng hải quân của nước này lại không hề mạnh, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim vào thế kỷ 15, khi đội quân của Trịnh Hòa giong buồm tới châu Phi.

Sau này, tới thời kỳ hiện đại, Trung Quốc cũng bại trận trước thuyền chiến phương Tây. Và bây giờ, khi đã là một cường quốc trong khu vực, Trung Quốc vẫn phải chấp nhận một thực tế: Biên giới hàng hải đều chịu sự chi phối và kiểm soát của các thế lực nước ngoài.

Tình trạng này khiến các hoạt động đầu tư, giao thương khổng lồ của Trung Quốc trở nên sơ hở trước hải quân nước ngoài - tình thế làm Bắc Kinh không khỏi lo ngại. Và Bắc Kinh quyết định tập trung hiện đại hóa, nâng cấp năng lực hải quân, đồng thời tìm cách thiết lập một kết nối trên biển nhằm bảo vệ tuyến hàng hải mà nước này phụ thuộc rất lớn.

Đó là các đá, các đảo trên biển Đông.

Nói một cách đơn giản, việc Trung Quốc đầu tư xây dựng tiền đồn trên Biển Đông bắt nguồn từ nỗi lo sợ mất quyền kiểm soát tuyến thương mại trọng yếu. Nước này đang cố gắng đảm bảo một hạ tầng hàng hải để bảo vệ lợi ích thương mại từ biển Đông cho tới Djibouti, nơi Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên.

Liệu xung đột có bùng phát?

Rõ ràng, hành động ngang ngược của Trung Quốc đã khiến các nước có tranh chấp nói riêng và các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung phải lo ngại. Căng thẳng trong khu vực sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng nguy cơ bùng nổ toàn diện còn mờ nhạt.

Có thể nói, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tìm cách "giữ thăng bằng trên dây", vừa duy trì lợi ích chiến lược về kinh tế, vừa tránh để căng thẳng bùng phát thành xung đột.

Dù nuôi dã tâm thống trị tuyến đường hàng hải trọng yếu của thế giới nhưng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng trả giá bằng mối quan hệ với các quốc gia láng giềng và viễn cảnh đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Vì thế, khả năng Bắc Kinh chiếm thêm đảo trong khu vực là không cao. Nước này sẽ chỉ tập trung mở rộng và xây dựng kiên cố những nơi đã chiếm đóng bất hợp pháp từ trước.

Tất nhiên, những sự kiện này sẽ làm ảnh hưởng tới nỗ lực quảng bá hình ảnh "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc và vị thế của một đối tác "vì sự phát triển ở Đông Nam Á".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại