Sau 4 lần thất bại, chính trị gia 67 tuổi tự nhận mình là "sói đơn độc" đã được đảng Dân chủ Tự do (LDP) bầu trở thành thủ tướng kế nhiệm.
Ông Ishiba tiếp quản vai trò lãnh đạo LDP khi sự ủng hộ của dư luận dành cho đảng này giảm mạnh trong 2 năm qua vì bê bối liên quan đến Nhà thờ Thống nhất và quỹ đen .
Cựu bộ trưởng quốc phòng bước vào Quốc hội năm 1986, sau một sự nghiệp ngắn trong ngành ngân hàng . Ông từng bị Thủ tướng sắp mãn nhiệm Fumio Kishida gạt sang một bên, và trở thành tiếng nói bất đồng chính kiến trong đảng.
Ông Ishiba phản đối các chính sách về tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân và chỉ trích chính sách không cho phép các cặp vợ chồng sử dụng họ riêng của mình.
"Tôi coi đây là trận chiến cuối cùng của mình", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba phát biểu vào tháng trước, khi ông phát động chiến dịch tranh cử tại ngôi đền thờ Thần đạo ở tỉnh Tottori, nơi cha ông là thống đốc và cũng là nơi ông Ishiba bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, vào thời kỳ đỉnh điểm của nền kinh tế bong bóng.
"Tôi sẽ mang lại một nước Nhật Bản sôi động, nơi mọi người có thể sống với nụ cười", ông nói.
Ông Ishiba hứa sẽ chuyển một số bộ và cơ quan chính phủ ra khỏi thủ đô Tokyo để giúp hồi sinh các vùng đất đang “hấp hối” của Nhật Bản. Ông cũng đề xuất thành lập một cơ quan giám sát việc xây dựng nơi trú ẩn khẩn cấp trên khắp Nhật Bản để phòng chống thiên tai.
Cô đơn trong đảng
Những quan điểm thẳng thắn của ông, bao gồm việc cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản kêu gọi ông Fumio và các thủ tướng khác từ chức, khiến ông Ishiba bị nhiều thành viên trong LDP ghét. Mối thù đó khiến ông Ishiba khó giành được 20 đề cử mà ông cần từ các nghị sĩ đồng nghiệp để đủ điều kiện trở thành ứng cử viên tranh cử vị trí chủ tịch đảng lần này.
Phó Chủ tịch LDP Taro Aso, người vẫn đứng đầu nhóm 54 thành viên trong LHP, cũng không thích ông Ishiba.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động, ông Ishida đã giành được cả sự ủng hộ của ông Kishida và ông Aso. Ông Ishiba cho biết muốn tiếp tục các chính sách kinh tế cơ bản của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Kishida và thậm chí đã có cuộc gặp ông Aso vào tối qua để thuyết phục chính trị gia kỳ cựu ủng hộ.
Dù không được lòng đồng nghiệp trong đảng, ông Ishiba vẫn luôn xuất hiện trước công chúng trong thời gian không còn làm việc trong chính phủ. Ông đăng nhiều bài trên mạng xã hội và YouTube để chia sẻ suy nghĩ về nhiều vấn đề, từ tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản đến mì ramen.
Kết quả là ông Ishiba đã vượt qua được vòng bỏ phiếu đầu tiên, để bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai với Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi. Cuối cùng, ông Ishiba đánh bại đối thủ mong muốn trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của quốc gia nơi đàn ông đóng vai trò thống trị.
Ông Ishiba thừa nhận việc ông không chấp nhận thỏa hiệp đã khiến ông mâu thuẫn với các đồng nghiệp của mình.
"Tôi chắc chắn đã làm tổn thương cảm xúc của nhiều người, gây ra những trải nghiệm khó chịu và khiến nhiều người phải chịu đựng. Tôi thành thật xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của mình", ông nói trong bài phát biểu trước các nghị sĩ LDP tại trụ sở đảng ngày 27/9.
NATO phiên bản châu Á
Được coi là chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia, ông Ishiba ủng hộ Nhật Bản quyết đoán hơn và giảm phụ thuộc vào đồng minh Mỹ về quốc phòng. Giới phân tích cho rằng lập trường đó có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với Washington.
Trong chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo LDP, ông Ishiba kêu gọi Nhật Bản đi đầu trong nỗ lực thành lập "NATO phiên bản châu Á" - ý tưởng nhanh chóng bị Washington bác bỏ vì quá vội vàng. Tại Okinawa, nơi tập trung hầu hết lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, ông Ishida cho biết ông sẽ tìm cách giám sát chặt chẽ hơn các căn cứ mà Mỹ sử dụng.
Ông Ishiba tin rằng “liên minh Mỹ - Nhật Bản có vai trò rất quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ… Nhật Bản không có lợi ích gì khi mở rộng năng lực quân sự chỉ để làm hài lòng Mỹ”, ông nói tại một sự kiện gần đây.
Ông cho rằng “Mỹ không bảo vệ Ukraine vì nước này không phải là thành viên NATO là điều thực sự đáng sợ. Cũng rất đáng lo ngại khi chúng ta không có hệ thống an ninh tập thể tại Đông Á. Tôi sẽ cố gắng hết sức để thiết lập một hệ thống như vậy”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ishiba cũng muốn Washington tôn trọng tiếng nói của Nhật Bản về cách sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Á.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters , ông Ishiba chỉ trích phản ứng dữ dội của chính trường Mỹ đối với nỗ lực của Nippon Steel nhằm mua lại hãng thép Mỹ U.S. Steel. Ông nói rằng việc các chính trị gia Mỹ coi Nhật Bản như mối đe dọa an ninh quốc gia là điều không công bằng. Thủ tướng Kishida tránh bình luận về vấn đề này trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Tuy nhiên, ông Ishiba đã làm dịu một số lập trường chính sách khiến ông bất đồng quan điểm với các đồng nghiệp trong đảng, đáng chú ý nhất là tuyên bố ông sẽ duy trì hoạt động của một số lò phản ứng ở Nhật Bản, dù trước đây ông phản đối năng lượng hạt nhân và ủng hộ năng lượng tái tạo.
Là một người bảo thủ về tài chính, ông hứa sẽ tôn trọng sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong quyết định chính sách tiền tệ.
"Các chính trị gia không cần phải là bạn thân, miễn là chính sách và lập trường chính trị của họ phù hợp", ông Ishiba nói trong video đăng trên YouTube tuần này.