Sắp tới đây, ca sĩ Katy Perry sẽ có mặt tại Việt Nam để tham dự và trình diễn tại Lễ trao giải VinFuture Prize 2023. Đây là một sự kiện lớn, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng và rất nhiều khán giả đang chờ đợi nữ ca sĩ xuất hiện vì cô được xem như một biểu tượng âm nhạc đương đại.
Một biểu tượng nghệ thuật – văn hóa trong âm nhạc đại chúng đương đại với nhiều giá trị nhân sinh tích cực
Katy Perry thường được nhớ đến như một ngôi sao nhạc Pop hàng đầu thị trường âm nhạc USUK trong giai đoạn 2010, với nhiều bài hit đình đám và lượng khán giả đông đảo. Sự nổi tiếng, ăn khách và sức ảnh hưởng của Katy Perry là điều không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Katy Perry cũng là một biểu tượng văn hóa âm nhạc đại chúng, đại diện tiêu biểu cho trường phái nghệ thuật Camp trong nhạc Pop, mang đậm tính nữ quyền và chứa đựng nhiều giá trị trong trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại nói chung, nghệ thuật tiêu thụ đại chúng nói riêng.
Katy Perry là đại diện tiêu tiểu cho nghệ thuật Camp
Để hiểu được phong cách nghệ thuật độc đáo và giàu ý nghĩa văn hóa của Katy Perry, cần nhắc đến những người thần tượng mà cô chịu ảnh hưởng như Madonna, Freddie Mercury, Cher, Bjork, The Beatles… Tất cả họ đều là những huyền thoại âm nhạc có tầm ảnh hưởng đến đến văn hóa âm nhạc đại chúng. Mỗi người đều có một phong cách, sự nghiệp riêng nhưng đều chung một đặc điểm.
Âm nhạc của họ không đơn thuần chỉ là giọng hát cùng các giai điệu. Đó là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, bao gồm cả văn học, thời trang, hội họa…
Ở những nghệ sĩ này, hình ảnh, phong cách thể hiện qua MV, sân khấu luôn được coi trọng không kém gì âm nhạc. Tất cả các yếu tố đó hòa quyện vào nhau để cùng xây dựng nên chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh, nhất quán, giàu ý nghĩa, tác động xã hội và là cả một mã văn hóa, chi phối tới đời sống tinh thần của công chúng. Bản thân người nghệ sĩ là một biểu tượng nghệ thuật nhất quán chứ không chỉ đơn giản là ca sĩ cầm mic lên hát.
Và các nghệ sĩ đó đều có phong cách âm nhạc, xây dựng hình ảnh mang tính tiên phong cho chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như các dấu ấn nghệ thuật tiêu thụ đại chúng đậm nét Âu Mỹ. Nói cách khác, họ là những nhân tố quan trọng giúp hình thành bộ mặt văn hóa nhạc Pop đương đại. Cần nhấn mạnh rằng, đây là văn hóa chứ không chỉ là âm nhạc.
Chịu ảnh hưởng từ những huyền thoại mình ngưỡng mộ, Katy Perry cũng tự hướng bản thân đến hình mẫu nghệ sĩ độc lập hơn là một ca sĩ cầm mic đơn thuần. Cô thường tự sáng tác, lựa chọn trang phục, quyết định phong cách, MV, sân khấu và nội dung âm nhạc cho mình. Dù đi theo dòng mainstream, nhưng Katy Perry luôn cho công chúng thấy hình ảnh một nghệ sĩ đích thực.
Âm nhạc của Katty Perry có sự nhất quán từ ca từ, nội dung tới hình ảnh, phong cách trình diễn. Cô được xem là một đại diện tiêu biểu của trường phái nghệ thuật Camp trong âm nhạc đại chúng.
Nghệ thuật Camp là một phong cách và cảm nhận thẩm mỹ mang tính châm biếm và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các trào lưu nghệ thuật đại chúng hậu hiện đại. Mỹ học của Camp phá tan các khái niệm của chủ nghĩa hiện đại về những cái được coi là nghệ thuật hay sự phân biệt giữa nghệ thuật cao cấp và nghệ thuật bình dân, bằng cách đi ngược lại những thuộc tính nghệ thuật như vẻ đẹp, giá trị và gu thẩm mỹ, tiếp nhận kiểu thấu hiểu và tiêu thụ mới. Đó là thứ "mỹ học coi cái xấc xược là lý thú".
Trong khi nghệ thuật cao cấp đòi hỏi vẻ đẹp và giá trị, camp cần sự táo bạo, sống động và sôi nổi. Nó trở thành một phong cách, lối sống, giải trí, giống như nghệ thuật hiện sinh chủ nghĩa vào thập niên 60.
Những dấu ấn của Camp có thể thấy rõ ở âm nhạc Katy Perry, khi cô sử dụng nhiều màu sắc sặc sỡ, những lối phục trang, trang điểm hài hước, cầu kỳ, lòe loẹt theo style Drag Queen, gây ấn tượng trong từng chi tiết nhỏ, đánh vào thị giác người xem và chuộng hình ảnh tiệc tùng, sôi động, hội hè…
Cô luôn cương điệu hóa mọi thứ đề hấp dẫn công chúng, đồng thời châm biếm, tấn phong hạ bệ (một phương thức thực thi nghệ thuật trong văn học hiện thực). Katy Perry hầu như không sử dụng những chi tiết mang tính cao cấp, sang trọng, quý phái mà lại tạo trend từ các chi tiết nhỏ nhặt, đời thường, tự thổi cho chúng sự sang trọng, vẻ đẹp riêng, cái được gọi là "Little Chic". Chẳng hạn, cách Katy đưa bánh kẹo, đồ ăn lên trang phục để tạo ra cả một trend thời trang high fashion đã cho thấy rõ thành công của cô với Camp.
Các sản phẩm âm nhạc của Katy Perry cũng mang nhiều tính châm biếm xã hội, giai cấp và hướng tới nữ quyền, giới tính, xóa nhòa mọi ranh giới. Nữ ca sĩ dành nhiều sự quan tâm đến cộng đồng LGBT và đấu tranh cho quyền lợi của họ thông qua các sản phẩm âm nhạc cô thực hiện (ở nhiều chi tiết nhỏ và cả ở tổng thể lớn). Vì vậy, Katy Perry cũng được xem như một Gay Icon trong văn hóa âm nhạc đại chúng, tiếp nối nhiều tiền bối.
Các MV và sân khấu trình diễn của Katy Perry luôn được đầu tư công phu về dàn dựng, ánh sáng, đồ họa cao và áp dụng những cộng nghệ tân tiến nhất. Cô không muốn chỉ lên hát cho xong mà còn biến sân khấu trở thành sàn tiệc của chính mình và khán giả.
Với Katy Perry, mỗi buổi trình diễn là một buổi vũ hội với sự sôi động, náo nhiệt, bắt mắt về hình ảnh, âm thanh, ánh sáng và khiến khán giả như được hòa mình vào không gian đó để chơi đùa. Cái mà Katy Perry muốn là chính khán giả cũng phải tự cởi bỏ giới hạn bản thân, rũ bỏ những e ngại, rụt rè vốn đang bị kìm kẹp bởi định kiến xã hội để cùng hòa vào cuộc chơi. Ở cuộc chơi đó không có phân biệt màu da, giới tính, giai cấp, giàu nghèo, chỉ còn lại những con người sôi nổi, sẵn sàng cháy hết mình và tỏa sáng như chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời.
Vì vậy, Katy Perry cũng chủ yếu sử dụng những dòng nhạc sôi động như Pop, Rock, Dance, EDM, Electro, Disco… làm nguyên liệu sáng tác và chế biến chúng thành các nhạc phẩm hiện đại, catchy.
Giá trị lớn nhất trong nghệ thuật của Katy Perry là tính tích cực, vui vẻ, giàu năng lượng, nâng đỡ tinh thần con người, giúp khán giả tìm lại chính mình, vượt qua giới hạn bản thân để tìm đến cuộc sống tự do. Cô chia sẻ với Marie Claire: "Tôi cảm thấy phép màu bí mật giúp tôi lột tả bản thân rõ ràng hơn chính là dũng khí để trở nên tổn thương, chân thật và chính xác. Tôi nghĩ rằng mọi người có thể trở nên dễ tiếp cận hơn khi bản thân họ đang bị tổn thương".
Một giọng hát độc đáo
Katy Perry không đi theo hướng vocalist, diva, divo nên không mạnh về vocal, cũng không phải kiểu ca sĩ có giọng hát nội lực, show off được nhiều kỹ thuật. Nhưng cô có một âm sắc giọng độc đáo, dễ nhận biết và gây ấn tượng với công chúng.
Katy Perry bẩm sinh thuộc type giọng mezzo soprano nhưng lại thiên về sáng mảnh hơn nên nhiều người nhầm cô là một light lyrico sopeano.
Quãng giọng của Katy Perry trải dài từ D3 tới A5 (giọng thật) và lên tới E6 (giả thanh). Cô phát triển mạnh ở quãng trung cận cao, với những note belting A4, Bb4 đẹp, dày, nội lực, powerful, hào sảng, nghe rất đã tai. Nữ ca sĩ chọn cho mình cách belting non vibrato, hạn chế ngân rung để tống hết lực giọng ra ngoài và phù hợp với phong cách âm nhạc của mình, hiện đại, trẻ trung, không nhuốm màu truyền thống cũ kỹ. Đó cũng là một lối hát thể hiện tư duy phá cách của Katy Perry trong nghệ thuật Camp.
Chest voice của Katy Perry rất khỏe và mạnh, lên cao tới C5, C#5, D5 có độ nổ, mở vòm, hát theo lối chesty nhiều hơn balance mixed. Tuy nhiên, cô thường chỉ hát đẹp tới D5 và strain khi lên E5 trở đi. Nhưng với cữ giọng của nữ trung, những gì Katy Perry làm được cũng là trọn vẹn. Dù vậy, khả năng vượt passagio để lên cao của Katy vẫn khá ổn khi cô lên tới G5 và thậm chí là A5. Giả thanh của Katy không phát triển nên cô ít khi sử dụng dù lên được khá cao.
VinFuture là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh các nghiên cứu khoa học, phát minh và sáng chế đổi mới công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ, nhằm đóng góp vào giải quyết các thách thức chung của nhân loại.
Sau 3 năm tổ chức, số lượng các đề cử tăng gấp 3 lần (từ 599 đề cử mùa đầu lên 1.389 mùa thứ ba, 2013) cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho VinFuture.