Khó khăn của ca sĩ gốc Việt tại phương Tây
Ca sĩ Y Thanh tên thật là Thôi Cẩm Thành, sinh ra và lớn lên tại Sa Đéc. Cả tuổi thơ ngụp lặn nơi vùng quê đầy ắp phù sa Đồng Tháp đã giúp anh sở hữu một chất giọng vô cùng ngọt ngào.
Không may bố mẹ mất sớm, năm 1986, Y Thanh được bác ruột đưa sang Úc định cư.
Sau khi tốt nghiệp Đại học La Trobe, chuyên ngành quản lý sức khoẻ, Y Thanh đi làm cho các bệnh viện tại đây, nhưng niềm đam mê ca hát luôn cháy bỏng trong người, khiến anh không màng công việc, bỏ dở tất cả để dấn thân theo sở thích của mình.
Tại chương trình Đời nghệ sĩ tuần này, Y Thanh khẳng định, anh luôn biết chủ động tìm kiếm cơ hội cho bản thân dù là nhỏ nhoi. Với niềm đam mê nghệ thuật vô cùng mãnh liệt, anh mong muốn bản thân được học hỏi, trải nghiệm và cống hiến hết mình cho nghề.
Y Thanh chia sẻ, niềm đam mê âm nhạc đã nhen nhóm trong anh ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, gia đình lại không ủng hộ Y Thanh hoạt động nghệ thuật. Ai cũng mong muốn anh sẽ nối nghiệp kinh doanh của gia đình hoặc học thật giỏi để trở thành kỹ sư, bác sĩ. Song, Y Thanh vẫn không chịu từ bỏ mà luôn kiếm tìm những cơ hội cho riêng mình.
Ngoài giờ học trên lớp, Y Thanh dành khá nhiều thời gian cho việc học hát, tập nhảy, diễn xuất. Anh nhiều lần thi tuyển để được tham gia biểu diễn nhạc kịch, nhưng đều bị đánh rớt.
Từ đó, Y Thanh luôn ý thức được rằng, đất diễn cho một chàng trai châu Á nơi đất khách quê người không phải dễ dàng có được. Y Thanh bắt đầu luyện thanh nhạc tại trường Jaanz School of Singing, vũ đạo tại trường Melbourne Dance Academy và Học viện Phim điện ảnh, truyền hình Úc.
Sau bao nỗ lực, anh đã được đón nhận. Lúc này, Y Thanh hoạt động với nghệ danh Ethan Thoi.
Năm 1998, Y Thanh sang Mỹ diễn cho tàu du lịch Dawn Princess được 6 tháng. Sau đó, anh sang Malaysia diễn cho các công ty giải trí và tham gia một show ảo thuật của châu Âu. Cũng tại đây, nam ca sĩ được tham gia show ca nhạc với ngôi sao Hồng Kong Lưu Đức Hoa.
Từng làm việc với nhóm 1088
Trong cộng đồng người Việt tại Úc châu, Y Thanh bắt đầu trở thành tên tuổi được chú ý. Anh được mời tham gia biểu diễn nhiều hơn. Để trở nên quen thuộc và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với công chúng người Việt, nam ca sĩ quyết định đổi nghệ danh từ Ethan Thoi sang Y Thanh và sử dụng cho đến thời điểm hiện tại.
Y Thanh còn may mắn có cơ hội đóng phim ở Úc và phim truyền hình nhiều tập như: Strange Bedfellows, Marshal Law… Cho đến năm 1999, anh quay lại Melbourne và gia nhập ban nhạc Viễn Phương.
Năm 2000, Y Thanh có dịp trở về Việt Nam và gặp gỡ nhạc sĩ Đỗ Quang cùng nhóm 1088. Thời điểm đó, Y Thanh là người biên đạo và tập luyện vũ đạo cho 1088.
Cũng trong dịp này, Y Thanh có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc của nhiều tên tuổi lớn tại Việt Nam như nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Bảo Chấn. Tiếng hát của các ngôi sao thời điểm lúc bấy giờ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Lam Trường,… cũng tác động không nhỏ đến tư duy và thẩm mỹ âm nhạc của nam ca sĩ.
Từ đây, nam ca sĩ ấp ủ ước mơ được trở về Việt Nam hoạt động, phục vụ cho khán giả quê nhà, nhưng vì cuộc sống nên anh vẫn phải quay về Úc.
Đến năm 2004, anh chuyển lên thành phố Sydney làm ca sĩ tự do. Sâu thẳm trong Y Thanh luôn có một sự tự ti nhất định. Anh sợ rằng dòng nhạc, phong cách của mình không được mọi người ủng hộ và đón nhận.
Phải tự mình chạy xe máy, đi dán poster
Một trong những kỷ niệm mà nam ca sĩ không bao giờ quên, đó là vào năm 2007, anh là nghệ sĩ Việt tại Úc vinh dự được mời tham gia vở nhạc kịch quốc tế Miss Saigon. Cứ thế, nghệ sĩ đa tài Y Thanh tham gia ca hát, nhảy múa, đóng phim. Sau một thời gian dài chinh chiến trên thế giới, anh đã quyết định gạt bỏ mọi thứ, quay về Việt Nam lập nghiệp vào năm 2008.
Y Thanh kể lại, anh gặp rất nhiều khó khăn khi trở về Việt Nam hoạt động.
Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Đỗ Quang đã mất, nhóm 1088 cũng tan rã. Anh quyết định tự thân vận động và tìm kiếm cho mình những cơ hội mới từ những điều nhỏ nhất.
Y Thanh bắt đầu tập chạy xe máy, tự mình dán poster lên những trụ điện ven đường với hi vọng hình ảnh, tên tuổi của mình được tiếp cận với công chúng. Thậm chí, anh còn tự tìm đến các cơ sở bán CD, băng đĩa để quảng bá sản phẩm cá nhân.
Để trở nên gần gũi và hợp thị hiếu với khán giả Việt, Y Thanh bắt đầu tham gia nhiều lớp học về tiếng Việt, tiếng nói sân khấu, bỏ thời gian tìm hiểu thị trường âm nhạc Việt Nam. Dù đối mặt với rất nhiều thử thách và khó khăn, nhưng nam ca sĩ vẫn không lúc nào chùn bước.