Mới đây, VTC News nhận được đơn thư phản ánh của ông Trần Tữ Oai (phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; hiện sinh sống tại ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) liên quan đến hành trình xin công nhận liệt sỹ cho cả 7 người thân bị giặc Pháp sát hại.
7 người thân bị giặc Pháp sát hại trong 1 ngày
Trong đơn thư gửi VTC News, ông Trần Tữ Oai cho biết, ông là con của ông Trần Tuy (SN 1923). Gia đình có ông, bà, cha và 4 cô đều tham gia cách mạng từ tháng 8/1945.
Theo đó, ông nội ông Oai là ông Trần Văn Liếu (cán bộ hoạt động bí mật ở xã Cam Giang); bà nội Nguyễn Thị Lụt (cán bộ phụ nữ xã Cam Giang); bố Trần Tuy (du kích xã Cam Giang); cô ruột Trần Thị Dơi (làm công tác giao liên tại xã Cam Giang); các cô ruột Trần Thị Bướm, Trần Thị Cháu, Trần Thị Một (đều là thanh niên cứu quốc canh gác cho xã Cam Giang chống địch càn). Tất cả 7 người thân kể trên của gia đình ông Oai đều bị giặc Pháp sát hại vào ngày 10/1/1954.
Theo ông Oai, ông nội của ông trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cứu nước đã sử dụng nhà riêng để làm cơ sở hoạt động cách mạng.
Gia đình đã đào hầm bí mật ngay trong nhà để che giấu cán bộ, du kích và vũ khí cho lực lượng cách mạng để chống lại công cuộc bình định của thực dân Pháp.
Trong một trận càn của địch, ông Trần Tuy (bố ông Oai) là du kích tham gia chiến đấu bị địch bắt và bắn chết ở Ruộc Cù Dăng.
Tại nhà, những người thân còn lại của ông Oai đã che giấu cho bộ đội và du kích trong hầm bí mật. Sau đó, khi giặc Pháp lục soát phát hiện trong nhà có hầm bí mật và lựu đạn còn sót lại nên đã bắt cả nhà ông để tra tấn.
Nhưng với tinh thần cách mạng kiên trung, cả gia đình kiên quyết không khai nên đã bị thực dân Pháp nổ súng sát hại.
Dã man hơn, thực dân Pháp còn đốt nhà và ném xác những người thân của ông Oai vào lửa rồi mới chịu bỏ đi. Sự việc thương tâm này đều được những người hoạt đồng cách mạng thời ấy biết đến.
Làm 7 hồ sơ nhưng chỉ được công nhận 1
Năm 1984, ông Trần Tữ Oai theo tiếng gọi của chính quyền nên đã đăng ký vào Đồng Nai để khai hoang, lập nghiệp. Cuộc sống thời kỳ ấy khó khăn nên câu chuyện cả gia đình ông bị giặc Pháp sát hại cứ thế bị chìm vào quên lãng.
Mãi đến năm 1999, ông Trần Tữ Oai mới bắt đầu làm hồ sơ đề nghị nhà nước suy tôn liệt sỹ cho 7 người trong gia đình đã ngã xuống vì nhiệm vụ cách mạng.
Tất cả hồ sơ của ông Trần Tữ Oai đều đã được UBND phường Đông Giang (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) xét duyệt và trình lên Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH), TP Đồng Hà nhưng lại bị cơ quan này bác bỏ với lý do chưa đủ cơ sở của những người làm chứng.
Không đồng ý với lý do trên của Phòng LĐTB&XH TP Đông Hà, năm 2001, ông Trần Tữ Oai và UBND phường Đông Giang tiếp tục làm hồ sơ để suy tôn liệt sỹ cho 7 người trên. Tuy nhiên, các hồ sơ lại bị Phòng LĐTB&XH bác bỏ lần thứ 2.
Qúa bức xúc, ông Trần Tữ Oai tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi đến các cơn quan có thẩm quyền. Sau vài năm kiên trì làm đơn khiếu nại, Phòng LĐTB&XH TP Đông Hà mới tập trung xem xét đề nghị suy tôn liệt sỹ cho những người trong gia đình ông Oai.
Tuy nhiên, quá trình xem xét hồ sơ, Phòng LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị chỉ công nhận ông Trần Tuy (cha ruột ông Oai) là liệt sỹ và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngày 20/7/2010.
6 trường hợp còn lại không được suy tôn liệt sỹ với lý do không đủ chứng cứ xác minh.
Cơ quan chức năng nói gì?
Sau khi nắm bắt được thông tin trên của Phòng LĐTB&XH TP Đồng Hà, suốt 7 năm qua, ông Trần Tữ Oai đã làm đơn thư gửi đến nhiều cơ quan có thẩm quyền như Cục Người có công – Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị, Phòng LĐTB&XH TP Đông Hà.
Thậm chí, ông Oai còn làm đơn cầu cứu gửi Chính phủ; Quốc Hội và Tỉnh ủy Quảng Trị…
Tuy nhiên, đến nay 6 người thân còn lại của ông Oai bị giặc Pháp sát hại ngày 10/1/1954 vẫn chưa được xem xét, công nhận liệt sỹ.
Cụ thể, theo báo cáo số 69/BC – ĐĐBQH ngày 15/8/2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, sau khi nhận được đơn thư của ông Trần Tử Oai, ngày 24/2/1014 UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn số 345/UBND – VX giao Sở LĐTB&XH chủ trì phối hợp với UBND TP Đông Hà xem xét, giải quyết.
Ngày 18/4/2014, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị đã có công văn số 611/SLĐTBXH-NCC báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị về kết quả giải quyết đơn thư của ông Trần Tữ Oai.
Qua xác minh các nhân chứng chứng cung cấp, Sở kết luận gia đình ông Liễu (ông nội ông Oai) là cơ sở cách mạng. Ngày 10/1/1954 địch về lục soát và phát hiện gia đình có căn hầm bí mật nên đã bắn chết cả nhà.
Trường hợp cả nhà ông Liễu bị địch bắn chết nhân dân điều biết. Tuy nhiên, không có nhân chứng nào khẳng định 6 người trong gia đình ông Liễu được giao nhiệm vụ.
Do đó, Hội đồng chính sách phường Đông Giang xác định 6 trường hợp nêu trên không đủ căn cứ đề nghị công nhận liệt sỹ.
Còn theo công văn số 178 – CV/VPTU ngày 18/03/2016 của Tỉnh ủy Quảng Trị gửi ông Trần Tử Oai thì lý do 6 người thân trong gia đình ông không được xét công nhận liệt sỹ là do Hội đồng Chính sách phường Đông Giang (TP Đông Hà) không đủ cơ sở đề nghị cấp trên công nhận liệt sỹ theo quy định.
Cũng liên quan đến sự việc của ông Trần Tữ Oai, mới đây nhất ngày 5/6/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản số 2391/UBND – VX gửi Văn phòng Trung ương Đảng.
Theo nội dung của văn bản này thì trường hợp của 6 người thân trong gia đình ông Trần Tữ Oai không được Hội đồng Chính sách phường Đông Giang, thành phố Đông Hà thống nhất đề nghị xét là liệt sỹ.
Đồng thời, Bộ LĐTB&XH cũng trả lời đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị về các trường hợp nêu trên không được công nhận liệt sỹ vì không thuộc diện theo thông tư số 05/2013/TT BLĐTBXH ngày 15/3/2013 của Bộ LĐTB&XH; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT – BLĐTBXH – BQP ngày 22/10/2013 của Liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, thông tin với PV VTC News, ông Oai cho rằng, ông không đồng tình với kết luận của các văn bản nêu trên. Bởi lẽ, sự hy sinh của những người thân trong gia đình ông trong kháng chiến chống Pháp là hoàn toàn có thật.
Điều này đã được các cán bộ hoạt động cách mạng thời kỳ ấy làm giấy xác nhận. Cụ thể là các ông Hà Thành (SN 1930, nguyên trưởng ban quân báo xã Cam Giang); ông Nguyễn Luật (tức Lụt; SN 1922, nguyên xã đội phó dân quân du kích xã Cam Giang); ông Nguyễn Đức Luật (SN 1926, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Cam Giang); ông Trần Tạo (SN 1927, nguyên chính trị viên, phó đại đội C.340 – Bộ đội địa phương huyện Cam Lộ).
Trong di tích lịch sử truyền thống làng Đình Tổ đã ghi rõ công lao cách mạng và sự hy sinh anh dũng của những người thân trong gia đình ông Oai. Cùng với đó, gia đình ông cũng được Chính phủ công nhận và cấp bằng gia đình vẻ vang.
Hơn nữa, ông Oai cũng băn khoăn việc Bộ LĐTB&XH không công nhận liệt sỹ cho 6 trường hợp trong gia đình ông do không thuộc diện trong thông tư số 05/2013/TT BLĐTBXH ngày 15/3/2013 của Bộ LĐTB&XH; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT – BLĐTBXH – BQP ngày 22/10/2013 của Liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng là chưa khách quan.
Bởi lẽ, những hồ sơ ông Oai lập để nghị công nhận cho các người thân trong gia đình có từ trước khi các thông tư kể trên được ban hành.
Ông Oai cũng cho rằng, việc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị nói Hội đồng Chính sách phường Đông Giang không thống nhất đề nghị xét là liệt sỹ cho 6 người thân của ông là không đúng.
Ông Oai cũng cho biết hiện vẫn còn các văn bản mà UBND phường Đông Giang gửi cấp trên về việc đề nghị suy tôn liệt sỹ cho 6 người thân của ông vào các năm 1999, 2001 và 2010.
Căn cứ vào đơn thư của công dân, Báo Điện tử VTC News kính đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đưa sự việc của gia đình ông Trần Tữ Oai ra xem xét lại một lần nữa để có câu trả lời chính xác nhất.
Đồng thời, kính đề nghị Cục Người Có Công – Bộ LĐTB&XH vào cuộc làm rõ sự việc này.