Cá hồi đang trở nên nghiện ngập vì nước thải con người đổ ra tự nhiên chứa dư lượng ma túy đá

Thanh Long |

Cái gì đi vào cơ thể người thì sẽ phải đi ra. Nước tiểu của những người sử dụng ma túy chứa đầy ma túy, nó sẽ theo đường cống rãnh đổ thẳng ra thiên nhiên. Hoặc giả ngay cả khi chúng được thu gom và đi qua các nhà máy xử lý nước thải, không có một hệ thống nào hiện nay được thiết kế để phân hủy và t

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 269 triệu người sử dụng ma túy. 750.000 người trong số đó sẽ tử vong vì sử dụng quá liều, mắc bệnh hoặc các tai nạn gián tiếp do ma túy gây ra. Nhưng có một vấn đề vốn thường bị lãng quên trong câu chuyện:

Cái gì đi vào cơ thể người thì sẽ phải đi ra. Nước tiểu của những người sử dụng ma túy chứa đầy ma túy, nó sẽ theo đường cống rãnh đổ thẳng ra thiên nhiên. Hoặc giả ngay cả khi chúng được thu gom và đi qua các nhà máy xử lý nước thải, không có một hệ thống nào hiện nay được thiết kế để phân hủy và trung hòa dư lượng các chất ma túy.

Kết quả là: Khi nước thải của con người đổ ra sông hoặc vùng nước ven biển, ma túy và các phụ phẩm của nó đã phơi nhiễm sang quần thể động vật hoang dã.

Cá hồi đang trở nên nghiện ngập vì nước thải con người đổ ra tự nhiên chứa dư lượng ma túy đá - Ảnh 1.

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Sinh học Thực nghiệm, các nhà khoa học ở Cộng hòa Séc đã điều tra xem methamphetamine hay còn gọi là ma túy đá có thể ảnh hưởng như thế nào đến quần thể cá hồi nâu ở đây.

Thật bất ngờ, họ phát hiện lũ cá cũng có thể bị nghiện.

Cá hồi nghiện ma túy có trong nước thải của con người

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học tới từ Đại học Life Sciences, Praha. Trong đó, họ đã thu thập số liệu để xác định nồng độ methamphetamine ở vùng hạ lưu các nhà máy xử lý nước thải quanh Czechia và Slovakia. Kết quả cho thấy mỗi lít nước ở khu vực này có thể chứa tới 1 microgram methamphetamine.

Sau đó, các nhà khoa học đã mô phỏng điều kiện nước này trong một bể chứa và thả vào 60 con cá hồi nâu (Salmo trutta)- một loài cá hồi hoang dã phổ biến ở Đông Âu. Mục đích là để quan sát hành vi xem chúng có bị nghiện hay không? Kết quả được đem so sánh với nhóm đối chứng gồm 60 con cá hồi nâu khác thả trong bể nước sạch không chứa methamphetamine.

Pavel Horký, tác giả nghiên cứu, một nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Life Science, cho biết: "Tôi rất ngạc nhiên khi những người sử dụng ma túy đá có thể vô tình khiến cá sinh sống trong hệ sinh thái xung quanh họ nghiện methamphetamine".

Trong thí nghiệm của mình, Horký đã quan sát thấy những con cá hồi nâu sống trong bể chứa methamphetamine 8 tuần phát triển các triệu chứng "cai nghiện" chỉ sau 4 ngày được đưa ra khỏi môi trường đó. Cụ thể, chúng ít di chuyển hơn hẳn so với cá hồi nâu sống trong bể nước sạch.

Horký giải thích đây là dấu hiệu của sự lo lắng hoặc căng thẳng - những triệu chứng điển hình của việc cai nghiện ma túy ở người.

Cá hồi đang trở nên nghiện ngập vì nước thải con người đổ ra tự nhiên chứa dư lượng ma túy đá - Ảnh 2.

Và khi các nhà khoa học thả những con cá này vào một dòng nước rẽ nhánh, một từ bể chứa methamphetamine chảy ra và một từ bể nước sạch, những con cá nghiện ma túy đá đã chọn bơi sang dòng nước chứa methamphetamine nhiều hơn.

Horký báo cáo ngay cả khi những hành vi nghiện của cá hồi nâu suy giảm sau 10 ngày cai thuốc, chúng vẫn có dấu hiệu của chứng nghiện trong não bộ. Những con cá trước đó ít di chuyển nhất chính là những con cá có nồng độ methamphetamine trong não cao nhất.

Điều này cho thấy rằng tiếp xúc với ma túy đá có thể gây ra những tác động lâu dài cho cá hồi nâu, tương tự như những gì chúng ta quan sát thấy trên con người.

Tại sao chúng ta phải quan tâm khi lũ cá hồi bị nghiện?

Các nhà khoa học cảnh báo một khi cá hồi bị nghiện methamphetamine hoặc các loại ma túy khác, chúng sẽ có xu hướng tìm đến những đường ống nước thải của con người và sống quẩn quanh ở khu vực đó.

Điều này có thể "phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái nước ngọt nơi mà chúng từng sống", Matthew Parker, một nhà thần kinh học hành vi đến từ Đại học Portsmouth cho biết. Đó là bởi cá hồi vốn là một động vật năng động. Sự di chuyển của chúng giúp phân phối các chất dinh dưỡng trong môi trường, thông qua chất thải của chúng và hoạt động kiếm ăn.

Việc cá hồi bị nghiện ma túy đá, ít di chuyển và chỉ quanh quẩn ở khu vực các ống cống nước thải của con người sẽ làm mất cân bằng sinh thái, khiến nhiều loài sinh vật khác trong chuỗi thức ăn mà nó tham gia bị ảnh hưởng.

Cá hồi đang trở nên nghiện ngập vì nước thải con người đổ ra tự nhiên chứa dư lượng ma túy đá - Ảnh 3.

Ngoài ra, bản thân quần thể cá hồi hoang dã sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất của ma túy. Một khi bị nghiện, các chất như methamphetamine có thể khiến lũ cá mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, chẳng hạn như chán ăn hoặc chán sinh sản.

Chúng cũng có thể bắt đầu thay đổi hành vi tự nhiên, trở nên liều lĩnh, không buồn trốn tránh những kẻ săn mồi.

Tiếp xúc với ma túy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân con cá mà còn cả thế hệ con cái mà chúng sinh ra sau này. Ở cá, chứng nghiện có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Điều này gây ra những tác động lâu dài đối với hệ sinh thái, ngay cả khi sự cố phơi nhiễm các chất gây nghiện đã được khắc phục.

Trên thực tế, nghiên cứu của các nhà khoa học Cộng hòa Séc không phải lần đầu tiên ma túy được tìm thấy trong các hệ sinh thái nước ngọt và ảnh hưởng lên động vật hoang dã. Năm 2019, một nghiên cứu ở Anh báo cáo 15 con sông mà họ lấy mẫu nước có chứa nồng độ cocaine cao ảnh hưởng tới loài tôm.

Cocaine cũng được tìm thấy trong nước của một số con sông ở Châu Âu, nơi có loài cá chình sinh sống. Bản thân loài cá này đã nằm trong sách đỏ, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Nhưng các nhà khoa học quan sát thấy cocaine có thể cản trở quá trình sinh sản của chúng.

Cá hồi đang trở nên nghiện ngập vì nước thải con người đổ ra tự nhiên chứa dư lượng ma túy đá - Ảnh 4.

Ở Ontario, Canada, các nhà khoa học còn quan sát thấy một hiện tượng kỳ lạ. Trong đó, những con cá tuế đực sau khi phơi nhiễm với nồng độ estrogen tổng hợp (một sản phẩm có trong thuốc tránh thai của con người) đã ngừng phát triển tinh hoàn mà thay vào đó tạo ra trứng.

Rõ ràng là các nguồn nước thải của con người đang ảnh hưởng tới hệ sinh thái nước ngọt theo những cách chúng ta không thể ngờ tới.

Con người cần kiểm soát nguồn nước thải của mình

Một sự thật là dư lượng ma túy và cả các loại dược phẩm được kê đơn có thể thoát ra môi trường theo phân và nước tiểu của chúng ta. Do đó, động vật hoang dã có thể đang phơi nhiễm với nhiều loại hóa chất, từ thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm đến cocaine, ma túy đá…

"Có rất nhiều chất gây ô nhiễm đáng lo ngại đang trở thành vấn đề - không chỉ có ma túy bất hợp pháp mà còn cả các loại thuốc kê đơn tiêu chuẩn như thuốc chống trầm cảm", Horký cho biết.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra thuốc chống trầm cảm có thể gây ra một loạt các thay đổi hành vi ở các sinh vật sống dưới nước, khiến chúng trở nên hung hăng hơn, không sợ ánh sáng và các loài động vật săn mồi.

Cá hồi đang trở nên nghiện ngập vì nước thải con người đổ ra tự nhiên chứa dư lượng ma túy đá - Ảnh 5.

Chúng ta thậm chí chưa biết liệu các hóa chất tổng hợp khác, có trong mỹ phẩm, quần áo và chất tẩy rửa, có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người và các loài động vật hoang dã hay không. Do đó, một điều cần làm hiện nay là phải tiếp tục điều tra và đánh giá rủi ro của các hóa chất nhân tạo đối với hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, con người cũng phải siết chặt hoạt động xả thải của mình thông qua việc cải thiện hệ thống lọc trong các nhà máy xử lý nước thải. Các nhà khoa học đề xuất chính phủ phải có chế tài buộc các công ty xử lý nước thải phải có trách nhiệm hơn, để đảm bảo hoạt động của họ không ảnh hưởng đến động vật hoang dã.

Tham khảo Theconversation, Nature

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại