Cả đời dũng mãnh, thanh danh của "hổ tướng" Mã Siêu vẫn lưu một vết đen ngàn năm khó rửa

Trần Quỳnh |

Chính vết đen này là rào cản lớn nhất trong sự nghiệp của danh tướng họ Mã.

Mã Siêu (176-222), tự Mạnh Khởi, là một danh tướng nổi tiếng dũng mãnh thời Tam Quốc. Ông được xếp vào một trong năm "ngũ hổ tướng" của nhà Thục Hán cùng bốn chiến tướng nức tiếng lúc bấy giờ là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân và Hoàng Trung.

Cuộc đời của vị tướng họ Mã đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật. Nhưng số phận của những người trong gia đình ông lại ít được đề cập tới.

Và sự thực ít ai biết là gia quyến của Mã Siêu đều phải chịu kết cục hết sức bi thảm. Mà nguyên nhân gây ra bi kịch gia tộc ấy lại phần nào bắt nguồn từ chính thái độ của Mã Siêu đối với người thân.

Hai lần bỏ rơi gia quyến: Tiếng xấu đeo bám thanh danh của vị tướng họ Mã

Cả đời dũng mãnh, thanh danh của hổ tướng Mã Siêu vẫn lưu một vết đen ngàn năm khó rửa - Ảnh 1.

Nhắc tới Mã Siêu, hậu thế sẽ nhớ ngay tới vị tướng trên chiến trường chứ ít ai biết đến số phận gia quyến của ông. (Ảnh minh họa).

Tương truyền rằng, Mã Siêu có hai người con trai. Một người tên Mã Thu, người con khác là Mã Thừa không lập được công trạng nào vẻ vang nên ít được chính sử nhắc tới.

Trong hai hậu duệ này, Mã Thu là người phải chịu kết cục hết sức bi thảm, mà chỉ riêng việc sinh ra là con trai Mã Siêu đã trở thành mở màn bất hạnh cho cuộc đời của nhân vật ấy.

Nếu như trên chiến trường, Mã Siêu trong ấn tượng của mọi người hiện lên là một chiến tướng anh tuấn, dũng cảm, thì trong cách đối xử với người thân, nhân vật này lại khó có điểm để khen ngợi.

Năm xưa khi cùng Tào Tháo giao chiến, vị tướng họ Mã đã không màng tới tính mạng của cha ruột là Mã Đằng cùng hơn 200 thân nhân khác. Tới lúc thất bại, ông một mình bỏ chạy, số người nhà này bị sát hại toàn bộ.

Sau này, Mã Siêu đoạt lại Ký Thành nhưng không nhận được sự ủng hộ nên tiếp tục thất bại. Thua trận tại Ký thành đã khiến ông buộc phải chạy về Hán Trung để nương nhờ Trương Lỗ.

Trong quãng thời gian làm việc dưới trướng họ Trương, Mã Siêu đã cưới một người phụ nữ họ Đổng làm thiếp, sinh ra Mã Thu.

Càng về lâu dài, Mã Siêu cảm thấy Trương Lộ không phải là một người có tiền đồ. Ông quyết định theo về với Lưu Bị, bỏ rơi mẹ con Đổng thị và Mã Thu.

Tấn bi kịch của nhà họ Mã: Vợ trở thành chiến lợi phẩm, con trai bị hạ sát

Cả đời dũng mãnh, thanh danh của hổ tướng Mã Siêu vẫn lưu một vết đen ngàn năm khó rửa - Ảnh 3.

Cái giá mà Mã Siêu phải trả cho sự nghiệp của mình chính là thanh danh và tính mạng của thân nhân, gia quyến. (Ảnh minh họa).

Mã Siêu đến nương nhờ Lưu Bị không lâu, Tào Tháo công kích Hán Trung. Trương Lộ bại trận đầu hàng, mẹ con Mã Thu cũng bị bắt làm tù binh.

Mã Siêu từng tạo thành đả kích lớn đối với thế lực của mình nên Tào Tháo hiển nhiên không dễ dàng bỏ qua cho người nhà ông.

Kết quả là người thiếp Đổng thị bị ban cho thuộc hạ của Trương Lộ là Diêm Phố. Cũng từ đây, mẹ của Mã Thu bị coi như vật ban thưởng để mua vui cho kẻ khác.

Sau khi xử lý Đổng thị, Tào Tháo đem Mã Thu giao lại cho Trương Lộ nhằm xem xét thành ý đầu hàng của họ Trương kia. Để chứng minh lòng trung thành, Trương Lộ thẳng tay hạ sát Mã Thu.

Về phần Mã Siêu, dù đã gia nhập tập đoàn chính trị của Lưu Bị, nhưng cái tiếng xấu bội bạc với người thân vẫn mãi đeo bám thanh danh của ông.

Bậc quân chủ là Lưu Bị trong thâm tâm vốn không thích một người sẵn sàng đưa thân nhân, gia quyến của mình vào chỗ chết nên cũng không quá trọng dụng vị tướng họ Mã.

Chìm trong cảnh bất đắc chí, Mã Siêu qua đời ở tuổi 47, còn tấn bi kịch của dòng tộc quan viên họ Mã thời Tam Quốc vẫn mãi lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại