Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Thanh Sơn - giám đốc khu Ramsar Láng Sen cho biết, đây là chuyện chưa từng có và rất khó hiểu. Vì cá lù đù là loài cá nước mặn, sống ở biển ven bờ hoặc vùng cửa sông. Trong khu khu Ramsar Láng Sen nằm sâu trong Đồng Tháp Mười.
Theo ông Sơn, từ Láng Sen, con đường gần nhất từ biển cá có thể bơi vào là theo sông Vàm Cỏ Tây, qua các dòng kênh nhỏ, dài hơn 150 km và chỉ toàn... nước ngọt. Ông Trương Thanh Sơn nói ông cũng không hiểu bằng cách nào cá lù đù có thể bơi từ biển vào vùng lõi Đồng Tháp Mười như vậy.
Anh Nguyễn Linh Em – nhân viên khu Ramsar Láng Sen, người đã giăng lưới bắt được con cá lù đù này - cho biết, con cá có bề ngang ba ngón tay, dài hơn 10 cm, hiện vẫn được lưu mẫu tại khu đất ngập nước Láng Sen.
Anh Linh Em cho biết đã bắt được nhiều con cá lù đù ở nhiều lần giăng lưới khác nhau tại khu Ramsar Láng Sen trong mấy ngày gần đây.
Cũng theo anh Linh Em, không chỉ cá lù đù mà một số loài thực vật chịu mặn như dừa nước, bồn bồn... cũng đã xuất hiện tại khu Ramsar Láng Sen. Trong khi cách đây vài năm, anh Linh Em từng cố gắng trồng dừa nước tại Láng Sen nhưng không thành công.
Theo anh Linh Em, các chỉ số quan trắc về môi trường nước tại khu Ramsar Láng Sen vẫn chưa thấy dấu hiệu bất thường về độ mặn. Tuy nhiên việc các loài nước mặn và một số thực vật chịu mặn xuất hiện tại đây là một hỏi cần có lời giải đáp về việc biến đổi sinh cảnh tại khu vực này.
Theo Wikipedia, Cá lù đù hay cá đù có tên khoa học là Sciaenidae, Thlà một họ cá thuộc bộ Cá vược (Perciformes) sống ngoài biển và phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, có diện tích trên 5000 ha là bồn trũng nội địa rộng lớn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An, là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười.
Tại đây có 156 loài thực vật hoang dã thuộc 60 họ; 149 loài động vật có xương sống thuộc 46 họ, trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt các loài thủy sản nước ngọt rất phong phú.