Chính phủ Indonesia đã quyết định duyệt chi 2 tỷ USD để đặt mua 5 chiếc máy bay vận tải A-400M Atlas hiện đại để nâng cao khả năng vận chuyển binh sĩ và khí tài quân sự, những nguồn tin từ Bộ Quốc phòng và Chính phủ nước này đã xác nhận với Tạp chí quốc phòng hàng đầu thế giới IHS Jane's (Anh) hôm 18 tháng 1 năm 2017.
Các máy bay mới sẽ bao gồm các biến thể vận tải và đa dụng và sẽ được trang bị cho các phi đội máy bay vận tải số 31 và 32 thuộc Không quân Indonesia (Tentara Nasional Indonesia - Angkatan Udara: TNI-AU's).
Thương vụ này đã được Ủy ban Quốc phòng, Tình báo và Ngoại giao (Komisi I) thuộc Hạ viện Indonesia chính thức bật đèn xanh hồi giữa tháng 1 năm 2017 và kèm theo điều khoản bắt buộc 3 chiếc sau cùng sẽ được lắp ráp tại Công ty quốc doanh PT Dirgantara của Indonesia ở Bandung.
IHS Jane's cũng cho biết, hợp đồng cũng sẽ có điều khoản cho phép các kỹ sư, thợ kỹ thuật của Indonesia được học tập, nghiên cứu quy trình lắp ráp, chế tạo những cấu phần chính của dòng máy bay vận tải A-400M hiện đại, bao gồm cánh, thân vỏ trong quá trình sản xuất 2 chiếc đầu tiên ở Seville, Tây Ban Nha.
Máy bay vận tải A-400M.
Trước đó, vào giữa năm 2016, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu lần đầu tiên tiết lộ rằng chính phủ nước này quan tâm tới việc đặt mua máy bay vận tải A-400M để tăng cường khả năng không vận tầm xa, trọng tải lớn của Không quân nước này.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó ông Bộ trưởng đã từ chối thông tin cụ thể về số lượng bao nhiêu chiếc sẽ được ký hợp đồng.
Theo thông số kỹ thuật được công bố bởi Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus, A-400M có trọng tải tối đa 37 tấn với khoang chứa hàng có thể tích tới 340m3 đối với cấu hình đảm bảo hậu cần. Máy bay cũng có thể chở được 116 binh sĩ hoặc lính dù với đầy đủ vũ khí trang bị, bố trí ngồi trên 4 dãy ghế dài đối với cấu hình chở quân.
Khi mang tải tối đa 37 tấn, A-400M có tầm bay tới 3.300km (tương đương 1.780 hải lý). Với trọng tải 25 tấn, dòng máy bay này có thể cất hạ cánh trên những đường băng cực ngắn, chỉ 750m, kể cả những đường băng có kết cấu đơn giản bằng đất nện.
Được biết, trong biên chế của Lực lượng Không quân vận tải Indonesia hiện đang có 17 chiếc C-130, 10 chiếc C-235, 12 chiếc C-295 (trong đó có 3 chiếc C-295 AEW cảnh báo sớm đang đặt mua), 9 chiếc C-212.
Máy bay vận tải C-295 của Không quân Indonesia.
Ngoài ra, họ còn đang vận hành 6 máy bay VIP gồm 1 Boeing 737-200, 1 Boeing Business Jet (BBJ 2), 4 Fokker F28, cùng 5 máy bay tuần thám biển Boeing 737-400, Boeing 737 2X9,...
Như vậy, với việc đặt mua A-400M, Không quân vận tải Indonesia đã có một bước tiến nhảy vọt, trở thành quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á sở hữu dòng máy bay vận tải tối tân này.
Và trong tương lai gần, thậm chí họ còn có thể chế tạo, nhân bản thêm nhiều biến thể máy bay loại này hơn nữa khi yêu cầu đối tác (Airbus) phải chuyển giao công nghệ để lắp ráp và tiến tới sản xuất từ A-Z những chiếc A-400M "Made in Indonesia".
Biết đâu, trong 7-10 năm tới, chính Indonesia một khi đã làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất A-400M, sẽ chào bán dòng máy bay này tới những quốc gia thứ 3, giống như họ đã làm rất thành công với dòng máy bay vận tải C-235 và C-295 cũng nhờ được chuyển giao công nghệ.
Tất nhiên, để làm được điều đó, họ phải được Airbus bật đèn xanh, hoặc chỉ định như một nhà thầu lắp ráp máy bay theo các hợp đồng mà Airbus ký với các khách hàng để tránh sự cạnh tranh trực tiếp và phân phối nguồn lực hợp lý để có lợi thế so với các đối thủ khác trên thế giới.