Buýt nhanh - văn hóa hình thành từ sự... trả giá

Nguyễn Nga |

Khi nào phải trả giá trực tiếp cho những sai lầm, người ta mới buộc phải thay đổi thói quen...

Những chiếc buýt nhanh BRT vừa xuất hiện trên phố Láng Hạ, Lê Văn Lương chưa đủ hai ngày đã lập tức trở thành tâm điểm của dư luận. Mà nói chính xác hơn, là tâm điểm hứng chịu búa rìu dư luận.

Lướt nhanh trên mạng facebook hay trên những tờ báo điện tử lớn nhất có thể thấy hàng trăm, hàng nghìn bình luận nghi ngờ tính khả thi của dự án buýt nhanh Hà Nội.

Người ta bỉ bai khi nhắc tới dự án hơn 1 nghìn tỷ đồng mà chỉ kéo giảm vỏn vẹn 5 phút so với buýt thông thường, người ta giận dữ khi phải nhường một làn đường cho những chiếc xe sơn màu xanh hy vọng.

Rồi những tấm biển cấm rẽ trái mới mọc lên như trêu ngươi, khiến đám đông phải đi vòng thêm vài chục phút. Những vệt sơn được vẽ thêm, trên đó sẽ có hàng đoàn người buộc phải vượt qua đường len chân vào nhà chờ xe buýt.

Trong khói bụi, mệt mỏi, ức chế của đám đông ùn tắc, thật khó mong dư luận thứ tha cho những phiền toái “tặng thêm” ấy.

Nhiều người lên facebook tuyên bố muốn ném dự án buýt nhanh vào sọt rác hay mong nó vỡ trận để mọi sự không xáo trộn.

Tôi cũng chen chân trong đám đông đi và về trên tuyến đường này mỗi ngày, lại có một tâm thế khác.

Tôi hồi hộp chờ ngày buýt nhanh chính thức vận hành.

Không phải để chứng minh 30 chiếc buýt nhanh không phải là liều thuốc tiên trị dứt ngay căn bệnh tắc đường mãn tính; Cũng không phải để tìm sự thắng thua với chúng bạn xem dự án thất bại hay thành công.

Tôi có một mong muốn khác: Được trải nghiệm cảm giác người Hà Nội tuân thủ phân luồng, phân làn như thế nào? Hay nói cách khác, tôi muốn một phép thử cho cái gọi là văn hóa giao thông của người Hà Nội.

Tôi tin với dự án trị giá tới 1.100 tỷ đồng, Hà Nội sẽ phải làm tới cùng để đảm bảo những chiếc xe buýt nhanh được đi theo đúng phương án thiết kế. Sẽ không có chuyện "đầu voi, đuôi chuột", lắp kẻ biển báo, phân làn rồi để đấy.

Tôi muốn được chứng kiến sự nghiêm minh của pháp luật sẽ buộc người ta đi ra đường như một kẻ có văn hóa. Chứ không phải là thứ văn hóa hô hào kêu cho sang miệng nhưng sẵn sàng vứt bỏ bất cứ lúc nào nếu thiếu bóng dáng CSGT.

Mới đây nhất, tại một hội thảo về văn hóa giao thông, một luật sư thẳng thắn đề nghị hãy tập trung thay đổi hành vi tham gia giao thông trước khi kêu gọi xây dựng văn hóa giao thông.

Vì muốn thay đổi hành vi giao thông, tạo nên thói quen tham gia giao thông đúng luật cho người dân, sẽ có rất nhiều việc cụ thể phải làm, từ sửa biển báo cho dễ hiểu, dễ tuân thủ cho đến xử phạt nghiêm minh.

Chỉ khi nào phải trả giá trực tiếp cho những sai lầm, người ta mới buộc phải thay đổi thói quen.

Nếu như CSGT không bỏ qua vi phạm, nếu hành vi xấu của mỗi người có khả năng trở thành đối tượng của báo chí, mạng xã hội, chắc chắn họ sẽ bỏ thói quen lấn làn, vượt đèn đỏ, đỗ xe gây tắc đường...

Khi ấy văn hóa giao thông mới thực sự hiện diện với đầy đủ thuộc tính của nó, thay vì hô hào sự tự giác.

Với riêng tôi, nếu Hà Nội dành được một làn đường cho buýt nhanh, nếu người dân sợ bị phạt mà không dám lấn làn xe buýt, không dừng đỗ vô tội vạ từ Kim Mã tới Yên Nghĩa, thì dù buýt nhanh vẫn... chạy chậm hơn dự kiến, Hà Nội vẫn ghi điểm.

Nếu không ai chịu mất gì để thay đổi, dù chỉ một làn đường cho xe buýt, chục phút đi đường vòng hay một thói quen xấu, thì đường phố Hà Nội 10 năm nữa vẫn tắc mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại