Nhiều hành khách đến bến Bạch Đằng nhưng không mua được vé đi buýt sông vì đã bán hết
Khách chủ yếu đi để trải nghiệm
9h sáng 9/12, PV Báo Giao thông có mặt tại bến Bạch Đằng (Q.1) để mua vé đi buýt đường sông về Linh Trung (Thủ Đức).
Gần 100 hành khách khác có mặt ở khu vực này với thái độ rất thất vọng. Anh Bùi Đức Chiến (Q.Tân Bình) cho biết tranh thủ ngày thứ bảy đưa vợ con đi trải nghiệm buýt đường sông.
Thế nhưng, khi đến nơi, nhân viên thông báo đã hết vé các chuyến đi buổi sáng. “Các chuyến buổi sáng đều đã hết vé, giờ chỉ còn vé chuyến 14h30, anh chị muốn đi thì mua vé bây giờ”, nhân viên nói.
Rất nhiều hành khách đến bến Bạch Đằng nhưng không mua được vé đành thất vọng ra về. “Nói là buýt mà chỉ có vài chuyến thế này còn gì là buýt.
Tôi từ Tân Phú lên đây tưởng mua vé dễ dàng như xe buýt, giờ không có vé phải ra về, coi như mất buổi sáng”, bác Tưởng (65 tuổi) tỏ ra thất vọng.
Người mua không được vé thất vọng ra về, người mua được vé hí hửng lên tàu rồi cũng gặp cảnh oái oăm. Anh Nguyễn Văn Trường cùng bạn gái tỏ ra hứng khởi khi mua được 2 vé đi chuyến 9h.
Thế nhưng, bước xuống tàu anh Trường mới biết đến bến Linh Đông (Thủ Đức) phải đến 13h chiều mới có chuyến trở lại bến Bạch Đằng.
“Cứ tưởng có tàu về liền thì đi một vòng cho biết, giờ đợi 3 tiếng đồng hồ không biết phải làm gì ở Thủ Đức, chắc là bắt xe buýt về lại”, anh Trường than thở.
Bác Phùng Trọng Luật có nhà ở quận 2 nên ra bến Bình An mua vé đón buýt đường sông chuyến 9h45 để trải nghiệm. Lần đầu tiên đi buýt sông, bác Luật nhận thấy phương tiện sạch sẽ, rộng, thủy thủ đoàn lịch sự, tiếp đón ân cần.
“Mong rằng chủ đầu tư duy trì được hình ảnh này, nhiều người biết và đi buýt sông hơn để giảm tải cho đường bộ. Về lâu dài, nên có vé tháng như xe buýt để thu hút khách.
Thời gian quay vòng cũng nên rút ngắn lại. Đến Linh Đông lúc 10h30 mà phải chờ tới 13h mới có chuyến về lại Bạch Đằng thì hơi lâu, không thuận tiện cho người đi làm. Tốt nhất khoảng 1 tiếng hoặc 45 phút có một chuyến quay vòng”, bác Luật nói.
Tàu buýt sông |
Sẽ điều chỉnh một số bất cập
Thống kê của Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư dự án buýt sông, trong những ngày qua trung bình mỗi ngày buýt sông phục vụ gần 1.000 khách.
Trong khi đó, lượng hành khách thực tế muốn đi trải nghiệm buýt sông còn lớn hơn nhiều nhưng không đáp ứng được.
Tuy nhiên, lượng khách trong những ngày qua cho thấy chủ yếu là người dân đi trải nghiệm một lần cho biết, còn lượng khách đi theo lộ trình tuyến thường xuyên để đi làm, công tác thay cho phương tiện đường bộ vẫn chưa nhiều.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật cho rằng, đây là điều bình thường bởi buýt sông là một hình ảnh mới nên mọi người đều muốn trải nghiệm.
Sau một thời gian, người dân sẽ quen dần, những người đi thường xuyên sẽ có lựa chọn cho lộ trình của mình.
Lý giải về việc vì sao phải hơn 3 tiếng đồng hồ mới có chuyến tàu quay đầu ở bến Linh Đông, ông Toản cho biết, đây là tuyến buýt đường sông nên phải chạy theo lộ trình đã lên chứ không phải phục vụ riêng cho một nhóm hành khách chỉ muốn đi đến rồi quay về.
Hành khách muốn đi buýt sông phải tìm hiểu lộ trình trước để thuận tiện cho công việc.
Một số ý kiến cũng cho rằng, loại tàu buýt sông có diện tích khá rộng nhưng chỉ cho chuyên chở 75 hành khách theo các ghế nên hơi ít.
Trong khi, đây là tuyến buýt, lượng khách lên xuống thường xuyên theo các bến dọc tuyến nên cần xem xét cấp thêm một số vị trí hành khách đứng như xe buýt.
Ông Toản cho biết, tàu chỉ được đăng kiểm 75 ghế nên phải chở đúng quy định, nếu sau này có sự điều chỉnh về đăng kiểm sẽ tính toán lại. “Chúng tôi lấy tiêu chí an toàn là hàng đầu, sau đó mới tính đến các yếu tố khác”, ông Toản nói.
Cũng trên lộ trình qua 5 điểm đón trả khách, cứ mỗi lần tàu cập bến, thủy thủ đoàn phải lên các điểm đại diện Cảng vụ ĐTNĐ để làm thủ tục cập, rời bến khá mất thời gian.
Ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ TP.HCM, cho biết đã nhận thấy những bất cập này, sau 3 tháng thí điểm sẽ có báo cáo để trình Sở GTVT kiến nghị UBND TP có sự thay đổi, chỉ cần làm thủ tục ở hai đầu bến là được.
Tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) có chiều dài 10,8km từ bến Bạch Đằng (Q.1) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (Thủ Đức).
Sau 10 ngày miễn phí, từ ngày 5/12, chủ đầu tư bắt đầu bán vé 15.000 đồng/người, hành trình mỗi chuyến khoảng 1 giờ qua 5 điểm đón trả khách.
Theo kế hoạch, tuyến buýt sông số 1 có 5 tàu, mỗi tàu 75 hành khách. Hiện, chỉ mới đưa vào hoạt động 3 tàu, trong đó có 2 chiếc chạy thường xuyên, 1 chiếc dự phòng.