Với nhiều người, khi đã sống đến tuổi 70, trải qua phần lớn cuộc đời, đã chứng kiến bao nhiêu sóng gió thì việc có tiền hay không, không còn là điều quan trọng nhất. Thay vào đó một số người càng lớn tuổi lại càng thích tụ tập họ hàng, người thân. Họ cho rằng đó là cách tận hưởng quãng thời gian cuối đời đồng thời duy trì sự thân thiết, gắn bó với mọi người.
Nhưng điều đó có thực sự đúng đắn?
Sau khi náo nhiệt qua đi, những gì còn lại chỉ là sự im lặng và cảm giác mất mát. Khi đã ngoài 70 tuổi, dù giàu có đến đâu cũng đừng mời họ hàng đến nhà tụ tập ăn uống. Đó không phải là keo kiệt mà là sự khôn ngoan trong cuộc sống. Bởi lẽ ở độ tuổi đó rồi, người ta không cần phải dùng những bữa ăn để lấy lòng người khác.
Sự sôi động của bữa ăn không thể đổi lấy tình cảm chân thành
Việc mời đám đông họ hàng đến dự tiệc nhìn bề ngoài có vẻ sôi động nhưng thực chất lại ẩn chứa nhiều rắc rối cảm xúc. Vấn đề của ông Trương là một ví dụ điển hình.
Ông Trương kinh doanh từ khi còn trẻ và tích lũy được một khối tài sản đáng kể. Sau khi nghỉ hưu, ông luôn thích mời người thân đến nhà dự tiệc mỗi dịp lễ Tết chỉ để duy trì sự náo nhiệt.
Một năm nọ, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình, ông Trương mời khoảng 50 người thân đến nhà hàng dự tiệc. Để bữa tiệc thêm phần long trọng, ông tổ chức rất hào phóng, mâm cỗ có nhiều sơn hào hải vị.
Bữa tiệc còn chưa kết thúc, ông Trương đã nghe thấy một vài người lẩm bẩm sau lưng mình: “Ông Trương chỉ thích khoe khoang, có tiền là tuyệt vời lắm sao? Tiêu tốn nhiều tiền cho tiệc mừng thọ như vậy chỉ để được chúng ta tung hô à?”.
Nghe những lời này, ông Trương không khỏi chùng xuống. Ban đầu ông chỉ muốn bày tỏ sự nhiệt tình của mình thông qua bữa tiệc, không ngờ cái nhận lại chỉ là sự khinh bỉ và bàn tán không hay ho gì.
Lòng người lạnh lẽo, lời mời không được trân trọng
Trên MXH có một câu nói thế này: “Nếu bạn mời ăn tối, người ta sẽ tươi cười. Nếu bạn nói mình không có tiền, người ta sẽ quay mặt nhanh hơn giở một trang sách” . Câu nói này cũng không ngoại lệ với một bộ phận người thân, họ hàng.
Một số người, bình thường có thể không liên lạc nhưng nghe nói bạn đãi tiệc liền lập tức trở nên nhiệt tình. Đằng sau sự nhiệt tình chưa chắc là sự quan tâm đến bạn mà chỉ là hứng thú với những món ăn ngon trên bàn tiệc.
Ông Lưu có một người cháu họ xa. Bình thường người này không bao giờ đến thăm ông nhưng mỗi khi ông chiêu đãi khách lại luôn có mặt đầu tiên.
Trong một bữa tiệc cách đây không lâu, ông Lưu muốn nhân cơ hội này để trò chuyện vui vẻ với cháu, xây dựng mối quan hệ thân thiết. Ai ngờ từ đầu đến cuối bữa tiệc, người này chỉ có 2 trạng thái: cắm mặt vào điện thoại hoặc ăn uống, đến câu chúc mừng chủ nhà cũng không có.
Ăn xong người này còn gói một túi đồ ăn rồi quày quả đi về. Loại tình thân này không chỉ khiến người ta “cảm lạnh” mà còn thấy nực cười.
Mối quan hệ giữa người với người phải dựa trên sự đồng cảm từ trái tim đến trái tim, không thể kết nối bằng những bữa ăn. Và như thế thì có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng vô ích.
Tình cảm chân thành không bao giờ được duy trì bằng những bữa tiệc
Nhà văn Yishu từng nói: “Lòng người ấm áp hay lạnh lẽo, phải đến một độ tuổi nhất định mới nhìn thấu”.
Sau nhiều năm từng trải, bạn sẽ nhận ra rằng những người thực sự tốt với bạn không bao giờ cần được mời ăn cơm để duy trì mối quan hệ. Và những mối quan hệ cần dùng đến bữa ăn để duy trì sẽ rất mong manh.
Suy cho cùng, khi về già, những người thực sự quan tâm đến bạn có thể chỉ là một vài đứa con hoặc vài người bạn cũ chân thành, không phải đám đông họ hàng chỉ náo nhiệt bên bàn ăn. Tiền có thể tiêu nhưng tình cảm không hề rẻ. Tình cảm thực sự là khi bạn cần giúp đỡ sẽ có người giơ tay kéo bạn lên chứ không phải là uống thêm vài ly rượu.
Sau 70 tuổi, nên tiêu tiền một cách khôn ngoan
Ở tuổi 70, sức khỏe tốt là điều quan trọng nhất.
Thay vì chi tiền để đãi những người họ hàng không mấy thân thiết thì hãy dùng nó để cải thiện chất lượng cuộc sống. Mua một chiếc giường êm ái, mua thực phẩm chức năng lành mạnh, tiết kiệm để tự trả viện phí khi chẳng may bị bệnh,... tất cả những điều này có giá trị hơn nhiều so với bữa tiệc ồn ào.
Dì Giang là một cụ bà thông thái. Vào bữa tiệc mừng 75 tuổi của mình, bà không tổ chức tiệc mà chỉ ăn tối đơn giản với những người thân yêu nhất. Bà nói: “Khi người ta già đi, điều họ mong muốn không phải là náo nhiệt mà là bình yên trong tâm hồn. Tôi thà sống lặng lẽ còn hơn tiêu tiền để mua sự sôi động giả tạo”.
Cuộc sống càng đơn giản sẽ càng hạnh phúc
Nhiều người lớn tuổi thường cho rằng chỉ khi người thân quây quần bên nhau thì mới gọi là gia đình hạnh phúc. Thực ra, hạnh phúc đúng nghĩa không đến từ những buổi tụ tập mà đến từ một trái tim an yên.
Sau 70 tuổi, việc dành thời gian và sức lực cho những người yêu thương mình, cho những người xứng đáng quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Vì vậy đến cuối đời, học cách trân trọng thời gian và tiền bạc của mình, học cách tránh xa những mối quan hệ bề ngoài sôi nổi nhưng bên trong giả dối mới là điều có lợi nhất cho bạn.
(Nguồn: Baidu)