Bước ngoặt quyết định của phương Tây với Ukraine và lằn ranh đỏ của Nga

Kiều Anh |

Ukraine hiện đã được phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga nhưng những hệ quả của động thái bật đèn xanh mới nhất từ Washington là gì khi tính đến lằn ranh đỏ của Tổng thống Vladimir Putin?

Lằn ranh đỏ của Nga

Ukraine đã tăng cường kêu gọi Mỹ cho phép sử dụng vũ khí để tấn công lãnh thổ Nga vào tháng trước khi các lực lượng của Moscow đạt được thành quả ở Kharkov và Kiev không thể ngăn chặn tên lửa nhắm vào khu vực Đông Bắc này.

Bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Washington phải "thích nghi và điều chỉnh" với cuộc xung đột đã phản ánh lập trường ngày càng mạnh mẽ của nước này trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Bước ngoặt quyết định của phương Tây với Ukraine và lằn ranh đỏ của Nga- Ảnh 1.

Quân đội Ukraine bảo vệ khu vực tiền tuyến chạy qua thành phố biên giới Vovchansk thuộc Kharkov vào tháng 5/2024. Ảnh: Getty

Washington đã hỗ trợ cho Kiev từ các tên lửa Javelin và Stinger đến hệ thống pháo phản lực HIMARS, xe tăng M1 Abrams và các tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất sẽ sớm được các quốc gia khác cung cấp cho Ukraine. Dù vậy, những cuộc tấn công tầm xa, trong đó có cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS phóng từ mặt đất chưa được bàn đến - một dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden vẫn thận trọng để tránh leo thang căng thẳng.

Điện Kremlin đã nhiều lần nhắc đến những lằn ranh đỏ trong cuộc xung đột cũng như đề cập đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có mối đe dọa hiện hữu đến sự tồn tại của nhà nước dù điều này vẫn chưa được định nghĩa cụ thể.

"Sẽ có thời điểm mà với Nga khi những lằn ranh đỏ bị vượt qua thì sau đó dĩ nhiên họ sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng", nhà phân tích Nicolò Fasola - học giả nghiên cứu tại Đại học Bologna nhận định. Theo ông: “Có những ám chỉ chiến lược mà Nga có thể coi là một động thái đáng kể dẫn đến leo thang căng thẳng".

"Nga có thể quyết định tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu khác nhau và có khả năng họ sẽ một lần nữa nhắm vào các tài sản của Ukraine trên lãnh thổ Ba Lan. Hoặc cũng có thể họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật", nhà phân tích Nicolò Fasola cho hay.

Nga sẽ đáp trả thế nào?

Ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Anh nếu những vũ khí của nước này được Ukraine sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.

Matthew Hoh, Giám đốc Eisenhower Media Network (EMN) tập trung vào các vấn đề hòa bình và ngoại giao trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhận định, mối đe dọa này có thể hiện hữu với cả những vũ khí Mỹ.

"Điều này tức là sẽ có những cuộc tấn công vào các cơ sở ở Ukraine, nơi quân đội NATO có lẽ đang huấn luyện cho quân đội Ukraine hoặc hỗ trợ các vị trí chỉ huy", nhà phân tích Matthew Hoh nhận định với Newsweek.

"Điều này có lẽ cũng đồng nghĩa với việc bắn hạ các máy bay chiến đấu và UAV trinh sát của NATO, cũng như phá hủy các phương tiện hậu cần của liên minh này được cho là đang vận chuyển vũ khí và trang thiết bị vào Ukraine".

Theo ông Matthew Hoh: "Mối nguy hiểm lớn là liệu điều gì sẽ xảy ra nếu các vũ khí này từ phương Tây tấn công vào mục tiêu dân sự, chẳng hạn như một trường học của Nga, và sau đó Moscow sẽ đáp trả như thế nào?"

"Tôi không nghĩ Nga sẽ đi xa đến mức tấn công vào các mục tiêu quân sự của phương Tây bên ngoài Ukraine. Theo tôi, Moscow không muốn leo thang căng thẳng như vậy. Tuy nhiên, so với những lợi ích rất nhỏ mà các vũ khí này mang đến, rủi ro chỉ đơn giản là quá lớn".

Phân tích những thông điệp của Điện Kremlin, hãng tin độc lập của Nga Agentstvo vào tháng 10/2023 nhận thấy trong tháng trước đó, các nhà chức trách Nga đã dừng sử dụng các cụm từ "lằn ranh đỏ" và "tấn công các trung tâm ra quyết định" liên quan đến các mối đe dọa với phương Tây và Ukraine.

"Nếu như Tổng thống Putin coi Crimea từng là lãnh thổ của Nga thì lằn ranh đỏ của ông ấy đã bị vượt qua", Zev Faintuch - nhà phân tích tình báo cấp cao tại công ty an ninh Global Guardian đánh giá.

"Các mục tiêu hiện đang bị tấn công ở Crimea sẽ tương tự như các mục tiêu ở Belgorod, Bryansk, Kursk và các khu vực lân cận khác", chuyên gia này nhận định với Newsweek. Những khu vực giáp biên giới này của Nga đang là mục tiêu bị tấn công song Kiev không trực tiếp đứng ra nhận trách nhiệm.

Bom lượn hạng nặng

Sự dịch chuyển chính sách của Washington đồng nghĩa với việc Ukraine có thể nhắm vào quân đội Nga cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, các đơn vị pháo binh, hậu cần và phòng không, hoặc có khả năng là các chiến đấu cơ trên lãnh thổ Nga gần Kharkov.

"Thứ thực sự có thể làm thay đổi cán cân là Nga đưa vào sử dụng bom lượn hạng nặng", ông Faintuch nói. Theo chuyên gia này: “Chúng rẻ, có số lượng lớn và gần như không thể bắn hạ khi chúng được thả. Cách thực tế duy nhất để ngăn chặn những cuộc tấn công này là loại bỏ các máy bay ném bom trên bầu trời hoặc tốt hơn là lúc chúng vẫn đỗ trên mặt đất". Đây là lúc mà các phương tiện của phương Tây sẽ giúp ích.

"Ukraine cần tấn công nơi những quả bom này được triển khai bên trong lãnh thổ Nga. Các chiến đấu cơ sẽ hữu ích cho sáng kiến này", ông Faintuch cho hay.

Trước khi chính sách của Mỹ thay đổi, các nước NATO khác như Ba Lan, Đức và Pháp cho biết Kiev có thể sử dụng vũ khí của họ để tấn công Nga. Roger Hilton, học giả nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia nhận định, quyết định của chính quyền Tổng thống Biden đã được đưa ra bởi tình hình an ninh bấp bênh ở Kharkov.

"Việc không thay đổi chính sách sẽ yêu cầu triển khai nguồn nhân lực khan hiếm và có rủi ro dẫn tới những tổn thất không cần thiết cho Kiev", chuyên gia này nhận định với Newsweek.

Dù vậy, ông cho rằng sự dịch chuyển quan điểm của NATO là một nhân tố bổ sung chứ không phải nhân tố quyết định trong cuộc xung đột ở Ukraine, giữa bối cảnh Washington tránh những quyết định có thể châm ngòi cho Thế chiến III.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại