Bước ngoặt của Viettel ở Myanmar trong thế “4 không”

L.T |

Tới Myanmar với tâm thế “không có đường lùi” rồi trở thành ngôi sao trong ngành viễn thông, Viettel đã tạo ra kỳ tích tại vùng đất phật ngay trong năm đầu tiên kinh doanh. Thế nhưng, năm 2019, một lần nữa họ bị đặt vào thế “4 không”, và phải tạo nên bước ngoặt quyết định cho mình.

Năm 2019, Mytel – công ty của Viettel tại Myanmar – bước vào năm thứ 2 kinh doanh với những biến động lớn. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chính sách của nước sở tại thay đổi với loạt yêu cầu "4 không": Không còn ưu đãi 70% cho nhà mạng mới gia nhập, không còn được khuyến mại nạp thẻ cho thuê bao, không duy trì chính sách kích hoạt ưu đãi cũ cho khách hàng, không giữ giá sàn cũ (tăng lên).

Cùng với đó, Mytel phải đối mặt với việc bị hạn chế cấp đầu số mới, bị đối thủ tấn công về pháp lý, gây cản trở về kinh doanh và những thách thức về thiên tai, lũ lụt.

Sự thay đổi đột ngột của các chính sách này khiến giá dịch vụ của Mytel vốn đang ở mức rẻ hơn 20-25% so với các đối thủ đã tăng lên ngang bằng, tương đương tốc độ tăng giá của nhà mạng do người Việt điều hành tăng gấp 6 lần so với các doanh nghiệp khác.

Bước ngoặt của Viettel ở Myanmar trong thế “4 không” - Ảnh 1.

Lợi thế cạnh tranh về giá mất đi, tương lai tăng trường của Mytel nói chung đứng trước nguy cơ lớn. Nếu như năm 2018, tốc độ tăng trưởng thuê bao của Mytel đạt hơn 400.000 mỗi/tháng, thì kể từ thời điểm 14/2 đến hết tháng 5/2019, thuê bao gần như không tăng.

Trong suốt 3 tháng sau đó, đội ngũ lãnh đạo của Mytel đã phải tìm kiếm hàng loạt phương án, ý tưởng để đưa công ty ra khỏi sự trì trệ về tăng trưởng. Cuối cùng, họ đi đến quyết định "bung" nhiều giải pháp mới để "thoát lầy", dù có những giải pháp phải đối mặt với mức độ mạo hiểm mà trước đó nhiều thành viên Mytel còn chần chừ.

Theo đó, Mytel kết hợp với các công ty làm dịch vụ lớn khác như Skynet, Cookie TV hay FastGo, các nhà bán sản phẩm nông nghiệp… để hai bên mua dịch vụ của nhau và bán lại cho khách hàng của mình. khách hàng được hưởng giá thấp hơn mà không vi phạm luật. Những chương trình hợp tác như vậy đã giúp Mytel phát triển được hàng triệu thuê bao trong năm 2019.

Nhà mạng này cũng kết nối với hơn 5.000 cửa hàng thuộc các chuỗi bán điện thoại Huawei, Samsung, Oppo, Xiaomi… để bán máy kèm sim, tiếp cận gần hơn với các khách hàng có arpu cao. Mỗi tháng các cửa hàng này đóng góp cho Mytel 150-160.000 thuê bao – đều là thuê bao 4G.

Ngoài ra, nhà mạng này chuyển đổi kết nối khách hàng từ kênh truyền thông truyền thống sang dạng phi truyền thống, thay vì làm với TV, báo chí, thì đi theo hướng xây dựng fanpage Facebook, xây dựng ứng dụng dịch vụ theo trào lưu giải trí digital...

Mytel định vị mình là một nhà mạng vừa hiện đại, vừa trẻ trung, vừa năng động, phù hợp với người trẻ, và cư dân thành thị. Nếu như các nhà mạng khác vận hành cả 2G-3G-4G, vùng phủ 4G lại ít, thì Mytel với nhận định người dân Myanmar chủ yếu dùng data và máy 4G, nên đã bắt đầu với công nghệ này từ rất sớm, xây dựng mạng rộng nhất, tốt nhất, tốc độ dùng data vượt trội so với các đối thủ. Đây là lý do Mytel rất được lòng khách hàng thành thị.

Bước ngoặt của Viettel ở Myanmar trong thế “4 không” - Ảnh 2.

Trên thực tế, cùng ưu điểm nhà mạng nhỏ (dưới 10% thị phần), là người đi sau lấy thuê bao từ các doanh nghiệp ông lớn đi trước, Mytel đã tận dụng được khả năng thích ứng nhanh để đạt được thành công. Năm 2019, Mytel có thêm được 300.000 thuê bao mỗi tháng tại Myanmar, con số không thấp hơn so với năm 2018 nếu xét đến việc gần 3 tháng hồi đầu năm mạng di động này hầu như không tăng trưởng khách hàng mới.

Dù vừa phải cùng lúc thay đổi hàng loạt chiến lược kinh doanh, xoay kênh truyền thông mới, vừa mở rộng mạng lưới, Mytel vẫn đảm bảo an ninh, an toàn và kết nối trong thời điểm thiên tai, làm nên cú "đột phá" về tăng trưởng lần thứ hai ở Myanmar. Chạm mốc 8,15 triệu thuê bao vào cuối năm 2019, tăng tới 12% thị phần chỉ trong một năm, Mytel lọt vào top 3 nhà mạng lớn nhất, bỏ rất xa đối thủ đứng thứ 4 - Ooredoo (số thuê bao gần gấp đôi) dù kinh doanh sau hơn 3 năm.

Hiện tại, Mytel là nhà mạng có hạ tầng 4G lớn nhất với chất lượng tốt nhất tại Myanmar, với số lượng trạm 4G gấp đôi đối thủ đứng số 2 Telenor, chất lượng mạng data do các cơ quan đo kiếm chứng thực Mytel vượt trội so với các đối thủ. Trong khi đó, nếu so với các thị trường nước ngoài khác mà Viettel đang kinh doanh, Mytel cũng là đơn vị sở hữu tỷ lệ thuê bao thành thị cao nhất, chiếm tới 56% tổng thuê bao toàn mạng.

"Giờ Viettel Global và Tập đoàn không phải mang tiền sang nữa mà Mytel đã có thể tự chi trả được rồi và đang dần tiến đến mốc có lãi. Năm 2020, chỉ tiêu thuê bao tăng trưởng thêm mà Mytel được giao là 2,6 triệu, cũng rất thách thức (năm 2019 đạt 3,7 triệu), nhưng tôi tin là Mytel sẽ có cách để đạt được. Với con số đó thì Mytel sẽ có lãi", CEO Hoàng Trung Thành chia sẻ trong dịp Mytel nhận giải Tập thể xuất sắc toàn cầu tại Viettel’s Star 2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại