Bước ngoặt cho TPP

Thu Hằng |

"Phiên bản mới" của Hiệp định TPP sẽ mang lại lợi nhuận cho các thành viên tới 160 tỉ USD/năm vào năm 2030.

Những đoạn đường khó khăn nhất đã qua, các bên đang đến rất gần việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - mới được đổi tên từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thống nhất các nhân tố cốt lõi

Đó là lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong cuộc họp báo ngày 11-11, công bố kết quả đột phá đạt được vào phút chót của các bộ trưởng 11 quốc gia thành viên TPP trong hàng loạt cuộc họp kéo dài từ ngày 8 đến 10-11 bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Tuyên bố Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định TPP được đưa ra rạng sáng 11-11 nêu rõ: "Các bộ trưởng vui mừng thông báo rằng các nước TPP đã thống nhất những nhân tố cốt lõi của CPTPP". Kết quả này vốn đã được nhiều người kỳ vọng khi vòng đàm phán thứ 4 của các bộ trưởng bắt đầu. Song, khi nó được công bố sau cuộc họp kéo dài 5 giờ tới tận đêm 10-11 vẫn không khỏi gây bất ngờ, bởi nhiều nghi ngại đã nổi lên về số phận của TPP sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau không tới dự cuộc họp các nhà lãnh đạo TPP-11 diễn ra cùng ngày.

Tại họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết thỏa thuận có thêm một phụ lục với 7 điều về những điểm kỹ thuật của hiệp định mới cùng một phụ lục liệt kê các điểm được treo và cần được thống nhất thêm. Hiệp định mới sẽ treo 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng nhất trí danh mục gồm 4 vấn đề cụ thể mà các nước đã đạt được tiến bộ quan trọng nhưng cần thêm sự đồng thuận trước khi ký kết.

Đổi tên và tiến bộ hơn

Liên quan tới việc đổi tên hiệp định, Bộ trưởng Motegi giải thích do TPP từ 12 thành viên nay còn 11 nên phải khác đi. "Chúng tôi thảo luận nhiều cái tên, nội dung không chỉ là thương mại mà còn là đầu tư. Đây là hiệp định toàn diện, bao gồm các lĩnh vực rộng lớn. Về bản chất, CPTPP là hiệp định cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định từng được ký kết" - Bộ trưởng Kinh tế Nhật khẳng định.

Trả lời câu hỏi về khúc mắc của Việt Nam trong cuộc đàm phán với nhiều diễn biến kịch tính này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cũng như các thành viên còn lại, Việt Nam phải nghiên cứu cụ thể về cải cách, mở cửa, chính trị - xã hội để vừa bảo đảm cân bằng lợi ích đất nước vừa nhận được sự đồng thuận và sớm đưa CPTPP đi vào thực tế.

Theo tuyên bố chung, các bộ trưởng đã nhất trí CPTPP phải duy trì tiêu chuẩn cao, có sự cân bằng tổng thể và bảo đảm tính toàn vẹn của TPP, trong khi vẫn phải bảo đảm lợi ích thương mại và các lợi ích khác của tất cả các nước tham gia. Ngoài ra, hiệp định này cần bảo đảm quyền, sự linh hoạt của các nước tham gia trong việc xây dựng và điều hành chính sách của mình.

Những diễn biến phút chót được giới quan sát cho là gây sốc liên quan tới Canada, nền kinh tế lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia đàm phán, vẫn chưa hết gây thắc mắc. Trả lời tại cuộc họp báo ở Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC) tại TP Đà Nẵng chiều 11-11, Thủ tướng Justin Trudeau lặp lại quan điểm nhất quán của ông rằng Toronto không vội trong đàm phán hiệp định giữa 11 thành viên này. Điều quan trọng là phải đi đến một thỏa thuận đúng đắn cho nước này cũng như cho các thành viên khác.

Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne trước đó đổ lỗi cho một sự hiểu nhầm về lịch họp khiến Thủ tướng Trudeau vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo TPP hôm 10-11. Đáng chú ý, trong cuộc họp báo nửa đêm cùng ngày, ông Champagne khẳng định thỏa thuận về "những nhân tố cốt lõi" nêu trên sẽ bảo đảm các nước tuân thủ nghiêm ngặt các quy định lao động và môi trường - một trong những điều Canada cho là đột phá.

Ngoài ra, việc điều khoản liên quan tới sở hữu trí tuệ - vốn gây không ít tranh cãi từ thỏa thuận TPP ban đầu - nằm trong số những điều khoản được treo lại trong thỏa thuận mới được đánh giá là thắng lợi cho các doanh nghiệp Canada.

Chia sẻ với Báo Người Lao Động, ông Murray Hiebert - Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) - nhận định việc đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi của TPP-11 là chiến thắng của những quốc gia thúc đẩy các hiệp định thương mại đa phương và chối bỏ chủ nghĩa bảo hộ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng CPTTP sẽ mang lại lợi nhuận cho các thành viên tới 160 tỉ USD/năm vào năm 2030, từ đó biến hiệp định này trở thành một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất được đàm phán trong 2 thập kỷ qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại